Ý nghĩa của những con vật phổ biến trong văn hóa Nhật Bản
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Thanh Long
Bươm bướm (蝶々- Chouchou)
Theo văn hóa Nhật Bản, bươm bướm tượng trưng cho linh hồn của con người, với niềm tin rằng con người sau khi qua đời, linh hồn của họ sẽ hóa thành một com bướm trên hành trình đi về thế giới bên kia và có một cuộc sống vĩnh hằng. Bươm bướm còn là biểu tượng cho niềm vui và sự trường sinh bất tử. Ngoài ra, nếu bạn thấy hình ảnh hai chú bướm đang quấn quýt với nhau thì nó mang ý nghĩa là hôn nhân hạnh phúc.
Ở Nhật Bản, có loài bướm Oomurasaki được mệnh danh là "Quốc điệp". Oomurasaki là một loài bướm hoàng đế mang màu tím tuyệt đẹp và là một biểu tượng đáng tự hào được biết đến trên khắp thế giới của Nhật Bản. Ngoài ra, loài bướm này rất quả cảm và mang vẻ đẹp tinh tế hiếm có được phân bố rộng khắp trên toàn nước Nhật khiến chúng đã được lựa chọn trở thành một trong những “Quốc bảo” của Nhật Bản.
Cá Koi (鯉 - Koi)
Cá Koi, hay một số người thường gọi là "cá chép Nhật Bản" là một biểu tượng mà chúng ta dễ dàng bắt gặp khi đến những địa điểm mang màu sắc Nhật Bản. Vì cá Koi thường bơi ngược dòng nên nó tượng trưng cho sự kiên trì, bền bỉ. Còn trong hôn nhân, cá Koi mang ý nghĩa của sự chung thủy. Trong dịp Tết thiếu nhi vào ngày 5 tháng 5 ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy người ta vẽ hình ảnh cá Koi bơi ngược ghềnh nước, mang ý nghĩa cầu chúc cho những đứa trẻ luôn làm việc chăm chỉ để đạt được nhiều thành công.
Chim hạc (鶴 - Tsuru)
Chim hạc là một loài vật thường xuất hiện trong những truyện kể dân gian Nhật bản. Người ta tin rằng chim hạc là con vật của nhà trời, có thể sống được tận 1.000 năm, vì vậy, chim hạc tượng trưng cho sự may mắn và trường thọ, thường được sử dụng để làm họa tiết cho các vật dụng trong ngày lễ Tết. Bên cạnh đó, hình ảnh chim hạc cũng thường xuất hiện trong đám cưới truyền thống Nhật Bản, được may trên áo cưới Kimono vì chim hạc là loài chim chung thủy, chúng chỉ chung sống với một bạn đời duy nhất cho đến khi chết đi.
Rùa (亀 - Kame)
Trong văn hóa phương Đông, rùa là một trong những Tứ linh bao gồm Long - Lân - Quy - Phụng. Rùa có tuổi thọ rất dài, người ta tin rằng trong suốt cuộc đời của một con rùa nó đã chứng kiến nhiều điều diễn ra trên thế giới này nên có vốn hiểu biết sâu rộng, vì vậy, rùa biểu tượng cho sự trường thọ và uyên bác. Ngoài ra, mai rùa rất chắc chắn, có thể bảo vệ được cơ thể mềm yếu bên trong của nó nên còn mang ý nghĩa của che chở, bảo hộ.
Rồng (辰 - Tatsu/龍 - Ryu)
Rồng là một sinh vật thần thoại, việc rồng có thật sự tồn tại hay do trí tưởng tượng của con người cũng là một vấn đề tốn nhiều giấy mực, nhưng dù như thế nào thì rồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa phương Đông. Ở Nhật Bản, câu chuyện liên quan đến rồng thường gắn liền với biển. Rồng thường được miêu tả là sinh vật mạnh mẽ, có phép thuật, có thể bay lên trời và lặn xuống biển nên nó thường biểu tượng cho những gì tốt đẹp như sức mạnh, trí tuệ, thành công, may mắn, tài lộc,...
Sư Tử (狛犬 - Komainu)
Sư Tử thường tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh và sự bảo hộ. Ở Nhật Bản, hình ảnh sư tử thường xuất hiện ở những nơi thờ cúng. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cặp tượng sư tử canh giữ ở lối vào hoặc nóc nhà của đền thờ hoặc chùa, chúng được gọi là Komainu và được cho là có tác dụng xua đuổi tà ma và đón tài lộc, may mắn.
Mèo (猫 - Neko)
Có một sự thật là hầu hết người Nhật đều rất thích mèo, nên khi đến Nhật, bạn sẽ bắt gặp những món đồ có hình mèo ở bất cứ đâu. Trong văn hóa Nhật Bản, mèo tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, giàu có và thịnh vượng, đặc biệt là những chú mèo chiêu tài (Maneki neko). Tuy nhiên, đôi khi loài mèo trong văn hóa Nhật Bản cũng khiến người ta ám ảnh. Ví dụ trong truyền thuyết về yêu quái của Nhật, có một loài yêu quái là mèo hai đuôi Nekomata và mèo Bakeneko, chúng có thể nhảy múa, nói tiếng người hoặc giả dạng thành con người, nhưng năng lực đáng sợ của nó là có thể điều khiển xác chết cho mục đích bất chính của mình, thậm chí còn có thể ăn thịt người.
kilala.vn