Hình thành từ khi hệ thống tàu hơi nước ra đời
Theo nhiều nguồn tin, những hành động chỉ trỏ này bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản vào đầu những năm 1900. Thời gian này, khi công nghệ chưa phát triển, loại tàu thông dụng nhất trên đường sắt là tàu lửa hoạt động bằng hơi nước. Nhược điểm của loại tàu này là trong quá trình vận hành phát ra tiếng ồn lớn, thải khói và hơi nước mù mịt. Điều này khiến việc giao tiếp giữa người lái tàu và người ở trạm điều hành trở nên khó khăn hơn.
Do đó, để giao tiếp với nhau, người lái tàu lẫn người điều hành phải vừa gào to vừa ra dấu hiệu. Dần dà, những cử chỉ đặc biệt này đã trở thành một phần của văn hóa đường sắt Nhật Bản và thường được thị phạm trong lễ khai trương của một ga tàu nào đó.
Tên gọi chính thức của những cử chỉ
Trong tiếng Nhật, hành động "gọi và chỉ" này được gọi bằng cái tên "shisa kanko" (指差喚呼), "shisa kakunin kanko" (指差確認喚呼) hoặc "yubisashi kosho" (指差唱呼). Ý nghĩa của hành động gọi và chỉ này là để thu hút sự chú ý và tập trung.
Theo một nghiên cứu phát triển bởi Cục Quản lý Đường sắt Kobe được thực hiện vào năm 1996, "shisa kanko" ra đời làm giảm đến 85% lỗi xảy ra trong ngành đường sắt. Những "shisa kanko" hoạt động theo một nguyên tắc nhất định, liên kết các ý định của một người với các cử chỉ và lời nói để hạn chế lỗi. Thay vì phán đoán chỉ dựa vào mắt hoặc bằng thói quen của nhân viên, người kiểm tra sẽ dùng tay để xác nhận các vị trí cần kiểm tra, giúp đảm bảo từng bước trong công tác vận hành tàu được thực hiện hoàn chỉnh và chính xác. Bên cạnh việc hỗ trợ vận hành tàu, các nhân viên thực hiện "shisa kanko" cũng được củng cố về mặt thể chất.
Chi tiết về những "shisa kanko" sẽ được diễn ra như sau. Khi người lái tàu muốn thực hiện xác nhận tốc độ, họ không chỉ nhìn vào con số trên màn hình hiển thị. Thay vào đó, người lái tàu sẽ chỉ vào tốc kế bằng ngón trỏ và hô lên “kiểm tra vận tốc, số hiển thị” để xác nhận vận tốc sẽ thực hiện. Đối với nhân viên điều hành tại nhà ga, để đảm bảo các tuyến đường tàu chạy không có mảnh vỡ hoặc hành khách trên ray, phán đoán dựa trên quan sát trực quan thôi là chưa đủ. Thay vào đó, nhân viên điều hành sẽ chỉ xuống đường tàu chạy, vung tay dọc theo chiều ray tàu, mắt hướng theo tay rồi tuyên bố đường ray tàu chạy không có vật cản. Quá trình kiểm tra trước khi tàu chạy này sẽ được lặp đi lặp lại, đảm bảo không có sơ sót xảy ra như hành khách bị kẹt, túi bị mắc lại… khi tàu chạy.
Tính ứng dụng của "gọi và chỉ"
Nguồn gốc của những shisa kanko bắt nguồn từ việc thực hiện động tác trong quân đội. Người ta nhận ra được tính phối hợp trong việc hô khẩu hiệu/mệnh lệnh - thực hiện nên đã ứng dụng vào trong ngành giao thông vận tải.
Tại Nhật Bản, không chỉ trong ngành đường sắt, "shisa kanko" được ứng dụng cả trong ngành hàng không. Khi phi công và phi hành đoàn cần xác nhận một số thay đổi nhất định, như độ cao bay chẳng hạn, thì họ cũng sẽ dùng đến phương pháp này. Nếu có dịp bay trên những chuyến bay của hãng hàng không Nhật, bạn sẽ có dịp nhìn thấy các tiếp viên hàng không thực hiện các động tác "shisa kanko" trong cabin, chẳng hạn như chỉ tay vào hộc đựng hành lý, cửa thoát hiểm, đèn hiệu,... để bảo đảm mọi thứ đã sẵn sàng cho việc cất cánh.
Không chỉ dừng lại trong phạm vi Nhật Bản, "shisa kanko" còn được ứng dụng vào vận hành tàu ở các nước khác như Trung Quốc, Mỹ, Canada. Điển hình như MTA - hệ thống tàu điện ngầm ở New York, sau hai năm ứng dụng "shisa kanko", các sự cố của tàu điện ngầm do xảy ra lỗi vận hành đã giảm 57%.
kilala.vn