Ubasute - Hủ tục cõng người già lên núi và bỏ mặc cho đến chết?
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Khả Lạc
Bạn có biết ở Nhật Bản từng xuất hiện một hủ tục rùng rợn, đó là mang người già yếu đến nơi hoang vắng và bỏ mặc cho đến chết? Thực hư của hủ tục này ra sao?
Ubasute (姥捨て) hay còn gọi là Oyasute (親捨て) là một tập tục cổ xưa trong xã hội Nhật Bản, theo đó, khi một người thân mắc bệnh nặng hoặc già yếu sẽ được đưa lên núi hoặc đến một nơi xa xôi nào đó và bỏ mặc cho đến chết. Theo cuốn bách khoa toàn thư bằng hình ảnh của Kodansha, Ubasute từng là chủ đề của nhiều tranh ảnh và câu chuyện dân gian ở Nhật Bản, nhưng chưa có chứng cứ nào xác thực liệu chúng đã từng là một hủ tục phổ biến hay không. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù nghe có vẻ độc ác và mất nhân tính, nhưng thật ra ngay cả Nhật Bản thời hiện đại cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp Ubasute khiến nhiều người rúng động.
Nguồn gốc của phong tục “cõng mẹ lên núi rồi bỏ mặc đến chết”
Ubasute hay còn được gọi là Oyasute, theo nghĩa đen là vứt bỏ người lớn tuổi tại một nơi hoang vắng cho đến chết khi họ không còn khả năng lao động. Có khá nhiều giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của hủ tục rùng rợn này, nhưng phổ biến nhất là câu chuyện về “Nạn đói Teimei vĩ đại” Theo đó, vào năm 1783, ngọn núi lửa Asama đột ngột phun trào và khiến cho các hoạt động nông nghiệp bị đình trệ trong một thời gian dài, dẫn đến nạn đói nghiêm trọng giết chết khoảng 20.000 người. Cách duy nhất để người dân nơi đây tồn tại là giảm số nhân khẩu, và đã có một đợt “thanh trừng” xảy ra để chọn lọc xem ai là người phải bị “đào thải”. Và kết quả là những người lớn tuổi vốn không còn sức lao động cũng như khả năng tự chăm sóc bản thân đã trở thành đối tượng của đợt “tuyển chọn” này. Họ sẽ bị đưa lên núi hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh và bị bỏ mặc ở đó cho đến chết.
Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử
Một trong những câu chuyện dân gian về Ubasute nổi tiếng nhất được biết đến với cái tên “Ubasuteyama”, tức “Núi Ubasute”. Hôm ấy, một người con trai cõng mẹ già lên ngọn núi với ý định bỏ rơi bà ở đó. Mặc dù người con trai không nói gì, nhưng người mẹ già cũng đoán biết được ý định của con mình. Trên đường đi, người con trai nhận thấy mẹ mình đang bẻ các nhánh cây ven đường và vứt xuống đất, cậu bèn hỏi: “Mẹ đang làm gì vậy?”. Người mẹ liền đáp: “Mẹ làm dấu để khi xuống núi con không bị lạc.” Quá cảm động trước tình cảm của mẹ, người con trai cõng mẹ quay về ngôi làng, mặc cho những luật lệ của hủ tục này.
Những câu chuyện bỏ rơi người thân thời hiện đại
Vào năm 2011, Katsuo Kurokawa, một người đàn ông 63 tuổi đã bị buộc tội bỏ rơi người chị gái tàn tật Sachiko của mình trên mọi ngọn núi ở tỉnh Chiba, sau khi đưa bà tới đó và chỉ để lại một ít đồ ăn. Người chị tật nguyền được cho là đã chết đuối trên sông Obitsu ngay sau đó, và cậu em máu lạnh bị bắt 3 năm sau đó vì tội ăn cắp tiền cúng dường ở một đền thờ ở Chiba.
Năm 2018, Ritsuko Tanaka (46 tuổi, quận Shiga) đã bị bắt vì bỏ rơi người cha già của mình tại trạm dừng chân Akamatsu trên đường cao tốc ở ngoại ô Kobe, cách nhà họ khoảng 70km. Người cha được phát hiện đang đi lang thang với dáng bộ ngơ ngác. Do chứng Alzheimer, ông thậm chí không nhớ tên mình và địa chỉ nhà, nhưng lại nhớ tên cô con gái của mình. Nhờ vậy, cảnh sát đã nhanh chóng bắt được Tanaka. Sau khi thừa nhận các cáo buộc, cô con gái cho biết: "Tôi không đủ khả năng chăm sóc cho ông. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho ông nếu ông được cảnh sát phát hiện và đưa vào viện dưỡng lão”.
Vậy Ubasute tại Nhật Bản có thật hay không?
Tuy Ubasute xuất hiện khá nhiều trong truyền thuyết và nghệ thuật dân gian của Nhật nhưng thực hư của hủ tục này vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn. Tuy nhiên, có một sự thật tồn tại trong xã hội Nhật Bản đó là đời sống ngày càng hiện đại, áp lực cơm áo gạo tiền ngày càng tăng, mối dây liên kết giữa gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo. Điều này dẫn đến việc con cái thường bỏ mặc cha mẹ già ở quê để lên thành phố tìm kế sinh nhai hoặc đưa cha mẹ vào sống tại các nhà dưỡng lão thay vì ở với con cháu. Sau khi đưa ông bà cha mẹ vào nơi ấy, có người chưa từng đến thăm, thậm chí không gọi lấy một cuộc điện thoại. Với những cụ ông, cụ bà này, ngay cả khi con cái mình kết hôn và có con, họ cũng không có cơ hội để thấy mặt cháu.
Bên cạnh đó cũng có không ít những người lớn tuổi chọn lựa tách ra khỏi gia đình để không trở thành gánh nặng của con cái. Thậm chí ở Nhật còn có rất nhiều những trường hợp người cao tuổi lặng lẽ sống và lặng lẽ mất đi mà không ai hay biết. Người ta gọi những cái chết này là “Cái chết cô độc – Kodokushi”.
Vì vậy, dù là xã hội thời xưa hay hiện đại, dù là trên núi hẻo lánh hay ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp, ở Nhật Bản vẫn còn cảnh những người lớn tuổi bị vứt bỏ cho đến lúc mất đi.
Xem thêm: Kodokushi - cái chết cô độc ám ảnh người già tại Nhật
kilala.vn