Trong mỗi hành trình đến đất Nhật, điều hấp dẫn hơn cả là được tiếp cận những nghệ nhân cao tuổi, nghe họ kể về cuộc đời, về nghề, thông qua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà họ đã dành cả đời để học – hành bằng cả đam mê. Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở các nghệ nhân Nhật Bản, đó là sự khiêm tốn. Họ thực hiện công việc một cách thầm lặng, nhẫn nại rèn luyện, lao động, dù đã lên một đẳng cấp cao, đạt nhiều giải thưởng, được tôn vinh, nhưng chỉ coi bản thân là một người thợ thủ công lành nghề, còn tước hiệu “nghệ nhân” là xã hội gán cho họ. Nghệ nhân sơn mài Tsuneo Goto ở thành phố Osaki thuộc tỉnh Miyagi là một người như thế.
Nghệ nhân sơn mài Tsuneo Goto sống và làm việc tại thị trấn suối nước khoáng nóng Naruko nổi tiếng của thành phố Osaki. Trẻ khỏe và nhanh nhẹn hơn rất nhiều so với tuổi 71, nghệ nhân Tsuneo Goto vui vẻ giới thiệu với tôi về câu chuyện sơn mài truyền thống của vùng Naruko: “Nghề sơn mài có ở Naruko từ cách đây hơn 350 năm. Vào thời Edo, lãnh chúa Toshichika Date đã cử hai nghệ nhân là Uhei Tamura và Sanzo Kikuta lên Kyoto để trau dồi thêm kỹ thuật làm sơn mài và truyền nghề lại cho vùng Naruko. Đặc trưng riêng của sơn mài Naruko mang phong cách khác biệt là sử dụng lớp sơn trong, phủ trên nền các loại gỗ có vân đẹp. Khi sơn lên, mài đi, sẽ làm nổi bật vân gỗ dưới lớp sơn, phong cách này có tên Kijironuri. Một kỹ thuật khác của sơn mài Naruko là cách tạo ra các đường vân loang như vết mực, gọi là Ryumon-nuri do nghệ nhân Goichi Sawaguchi phát triển từ năm 1951. Riêng bản thân tôi yêu thích và chuyên làm sơn mài theo phong cách Kijiro-nuri”.
Câu chuyện đến thành phố Akita thọ giáo nghề sơn mài, cùng ý chí quyết tâm học cho ra hồn mới dám trở về nhà đã tạo nên một nghệ nhân sơn mài Tsuneo Goto hàng đầu ở Osaki và cả Miyagi hôm nay. Không gian sống của Tsuneo Goto ngoài các sản phẩm sơn mài đã và đang thực hiện dang dở, khắp vách tường là bằng khen, giải thưởng về sơn mài qua các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.
Ông tâm sự về nghề sơn mài: “Các thầy dạy ở Akita giúp tôi học và rèn luyện vững các kỹ thuật cơ bản, nhờ đó tôi tự phát triển hơn 50 phong cách, kỹ thuật và gam màu khác nhau để ứng dụng trên các tác phẩm sơn mài. Tôi quan niệm nếu muốn trở thành nghệ sĩ, một người giỏi nghề, phải học và rèn luyện thuần thục các kỹ thuật cơ bản, chứ không chỉ học theo kiểu lý thuyết suông. Do vậy với những học trò tìm đến tôi học nghề bằng đam mê và tích cực rèn luyện kỹ thuật, tôi rất vui và sẵn sàng chỉ dạy tất cả những gì tôi biết về sơn mài”.
Trong vô số các tác phẩm sơn mài ở khắp không gian sáng tác của Tsuneo Goto, có rất nhiều tác phẩm được ông thực hiện từ 30 – 40 năm trước, một số tác phẩm mang thiết kế rất đương đại dùng để trưng bày, triển lãm, số khác là những tác phẩm gắn với nhu cầu sử dụng thường ngày. Hỏi ông chuyện phân định giữa một thợ thủ công và một nghệ sĩ sơn mài có gì khác biệt, ông chia sẻ rằng: “Thợ thủ công là yếu tố cơ bản để làm nghề, tôi thích làm các sản phẩm gia dụng như bộ vật dụng bàn ăn, các hộp đựng, vì nhu cầu mỗi ngày đều cần dùng đến nó. Còn tác phẩm nghệ thuật chỉ là làm cho vui, phong phú thêm. Tác phẩm hay sản phẩm đều cùng một tinh thần và kỹ thuật mà ra cả”.
Nhìn từng tác phẩm sơn mài của Tsuneo Goto, đều thấy sự kỳ công, tỉ mỉ trong kỹ thuật lót sơn, phủ sơn, toát sơn một cách tinh tế để từng lớp sơn bóng sáng như gương, không chút tì vết. Ông cho biết chế tác sơn mài theo phong cách Kijiro-nuri khó làm nhất là màu đen, bởi gam màu này cần phải lọc sơn thật mịn, khi phủ sơn phải rất đều tay thì sản phẩm mới hoàn hảo. Sản phẩm khi sử dụng kỹ thuật Kijiro-nuri càng xài lâu, màu đen chuyển dần thành màu trong, lộ đường vân gỗ rất đẹp. Nghệ nhân Tsuneo Goto đưa ra 2 chiếc hộp gỗ đựng trà mới làm xong và một hộp đã sử dụng hơn 20 năm để so sánh vẻ đẹp cũng như minh chứng cho độ bền và sự thay đổi của màu sắc sơn mài theo thời gian. Các công đoạn thực hiện một tác phẩm sơn mài của Tsuneo Goto cũng thật gian nan, chỉ với chiếc đĩa một màu đen, đường kính chừng 20cm, phải mất đến 4 tháng mới hoàn thiện, được bán ra thị trường với giá khoảng 1.000 đôla.
Sản phẩm sơn mài của vùng Naruko được công nhận là Nghệ thuật thủ công truyền thống của Nhật Bản từ năm 1991, và trong đó hẳn ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Tsuneo Goto. Đã hơn 50 năm làm sơn mài, đạt nhiều danh hiệu đến độ không nhớ hết, nhưng niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề chưa bao giờ vơi trong tâm thức của Tsuneo Goto. Trước khi chia tay, ông bảo nhỏ: “Tuổi cao, sức yếu thì tôi làm ít đi thôi, chứ nghề này tôi sẽ tiếp tục làm đến khi tay không thể cử động, đầu không suy nghĩ được nữa, lúc đó mới nghỉ”.
Nguyễn Đình/ kilala.vn