Cấu trúc tên người Nhật
Cấu trúc tên người Nhật gồm phần họ và phần tên riêng, rất hiếm khi bao gồm tên lót. Thứ tự gọi tên tương tự như các nước đồng văn khác trong khu vực là họ đứng trước, tên riêng đứng sau. Tên người Nhật thường được viết bằng chữ Kanji, tùy theo trường hợp mà mỗi chữ Kanji có phát âm khác nhau trong tên của từng người.
Tuy nhiên, khi xuất hiện trong các tờ báo tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phương Tây khác thì tên người Nhật thường bị đảo ngược lại so với tên gốc, tức là tên riêng đứng trước họ đứng sau. Hiện tượng này xảy ra kể từ sau thời kỳ Meiji (Minh Trị). Trong nhiều ấn phẩm viết bằng tiếng Anh, thứ tự đặt tên của người Nhật đã bị đảo lộn. Tuy nhiên, người Nhật đã tiếp nhận cách đảo trật tự tên này như một phần của việc tiếp nhận văn hóa phương Tây. Đồng thời, đây cũng được xem là sự chứng minh của Nhật Bản với thế giới rằng họ là một quốc gia phát triển. Do đó, khi người Nhật tham gia các sự kiện mang tính quốc tế như thể thao,… họ sẽ sử dụng thứ tự là tên riêng trước họ sau.
Lịch sử cấu thành tên người Nhật
Trong lịch sử Nhật Bản, người dân được xem là tài sản của Nhật hoàng và cái tên sẽ phản ánh vai trò trong chế độ mà họ phụng sự. Trước thời Meiji, tên người Nhật (không thuộc tầng lớp quan lại, quý tộc và samurai) không bao gồm họ. Khi cần thiết, họ buộc phải dùng các từ khác thêm vào để không gây nhầm lẫn. Người thường thì thêm vào địa danh nơi sinh, thương nhân thì thêm vào tên cửa hàng hoặc thương hiệu, nông dân thì sẽ thêm tên cha của mình vào. Chẳng hạn như một người tên Haruka sinh ở làng Shirakawa thuộc tỉnh Gifu thì sẽ gọi là “Haruka từ Shirakawa của Gifu”; còn một người nông dân tên Shinichi, cha của anh là Yusaku thì sẽ được gọi là “Shinichi, con của Yusaku”.
Đến thời Meiji, chính phủ ra lệnh cho tất cả dân thường phải bổ sung họ vào sau tên riêng, điều này được quy định trong Luật Đăng ký Gia đình năm 1898. Từ đó, có những người chọn những họ có trong lịch sử, một số người lại chọn lấy tên mới thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đó cũng là một trong những lý do vì sao mà các họ tại Nhật lại nhiều về số lượng và đa dạng về cách viết lẫn cách phát âm. Đây cũng là yếu tố khiến việc truy về tổ tiên nguồn cội của họ trở nên khó khăn.
Trong thời phong kiến, hầu hết tên người Nhật chỉ gồm họ và tên, không bao gồm chữ lót, ngoại trừ Hoàng gia Nhật Bản. Họ được gọi là myouji (苗字 hoặc 名字), uji (氏) hoặc sei (姓); tên được gọi là mei (名) hoặc shita no namae (下の名前). Nguyên nhân của việc gọi “tên” là “shita no mae”, nghĩa là “tên thấp hơn” là bởi vì khi viết theo chiều dọc, tên riêng sẽ nằm dưới họ.
Dù đều dùng để chỉ “họ” nhưng myouji, uji và sei có sự khác biệt:
+ Myouji: là từ mà gia tộc chọn để tự gọi bản thân. Myouji được đặt theo chế độ phụ hệ trong gia tộc.
+ Uji: có ý nghĩa tương tự như myouji, về sau được gộp chung với myouji.
+ Sei: ban đầu mang ý nghĩa là “họ nội”. Đây là họ được Nhật hoàng ban cho và xem như một danh hiệu để thể hiện cấp bậc của đàn ông.
Những họ tên phổ biến trong tiếng Nhật
Sự đa dạng trong họ của người Nhật chắc hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Đất nước này có khoảng 100.000 họ đang được sử dụng rộng rãi. Trong số đó, những họ phổ biến nhất là: Sato (佐藤), Suzuki (鈴木), Takahashi (高橋), Tanaka (田中), Watanabe (渡辺),... Đa số các họ hiện đại của Nhật Bản đều có từ khoảng thời gian cuối thế kỷ 19, khi người ta tiếp tục thực hiện các cải cách thời Meiji trong những năm 1870.
Xem thêm 5 họ phổ biến tại Nhật và ý nghĩa.
Sự phân bổ họ của người Nhật nhiều hay ít tùy theo vùng. Cụ thể, những họ như Chinen (知念), Higa (比嘉), Shimabukuro (島袋) xuất hiện nhiều ở Okinawa và hầu như rất hiếm tại những vùng khác. Nhiều họ của người Nhật được đặt theo hình ảnh của những thứ xung quanh họ như Ishikawa (石川 - đá sông), Yamamoto (山本 - chân núi), Inoue (井上 - trên giếng),...
Họ trong tiếng Nhật thường bao gồm từ 1 - 3 ký tự Kanji. Tuy nhiên cũng có một số họ có đến 4 - 5 ký tự Kanji, chẳng hạn như Kutaragi (久多良木), Teshigawara (勅使河原), Kadenokouji (勘解由小路). Còn tên riêng thường có từ 1 - 3 ký tự Kanji.
Tên dành cho nam và nữ trong tiếng Nhật cũng có một số đặc trưng nhất định. Tên nữ thường được kết thúc bằng “ko” (子 - tử) hoặc “mi” (美 - mỹ). Việc sử dụng “ko” trong tên nữ giới cũng có nhiều thay đổi qua các năm. Trước thời Meiji thì “ko” chỉ xuất hiện trong tên của nữ giới thuộc Hoàng tộc. Sau thời kỳ cải cách, “ko” bắt đầu xuất hiện rộng rãi trong tên của nữ giới cả nước, nhất là trong thời Taisho và Showa. Hậu tố “ko” càng trở nên phổ biến từ nửa sau thế kỷ 20. Từ năm 2006, do người dân có xu hướng đặt tên con theo tên của các nghệ sĩ nổi tiếng nên hậu tố “ko” trở nên ít phổ biến hơn. Ngoài ra, tên gọi có xuất xứ phương Tây được viết bằng katakana trở nên phổ biến trong việc đặt tên cho nữ giới trước Thế chiến II, nhưng hiện nay không còn được ưa chuộng.Tên nam giới cũng có thể kết thúc với âm “ko” nhưng không dùng chữ 子 mà là 彦 (hiko - ngạn) mang nghĩa "bé trai". Hậu tố tên nam giới thường gặp là “shi” (し) và “o” (お). Tên kết thúc với âm “shi” thường là các tính từ. Trong lịch sử, tên nam giới viết bằng katakana, nhất là hiragana rất hiếm gặp.
Xem thêm về Kamon - dấu hiệu của tầng lớp cao quý.
kilala.vn