(Ảnh: Korkusung/iStockphoto)
Nếu có dịp lang thang trên các con phố cổ kính ở Kyoto, khu phố mua sắm sôi động tại Osaka hoặc thủ đô Tokyo 24 giờ không ngủ, du khách luôn dễ dàng nhìn thấy nhiều dấu hiệu in trên những tấm Noren treo trước quán ăn, trên đuôi mái ngói trong các đình chùa, trên bảng hiệu cửa hàng bán thức ăn truyền thống hoặc quà lưu niệm tại Nhật Bản. Những hoa văn tinh tế, hình thù đa dạng, nhiều màu sắc và có kết cấu rất hài hòa. Các hoa văn này còn xuất hiện trên chiếc áo kimono mặc trong những dịp lễ, đai của võ sĩ sumo trong lễ tấn phong chức danh yokoduna đến những vật dụng bình thường như mặt trống, khay trà... hoặc lấp lánh đâu đó xa xa trên lồng đèn với những hoạ tiết đen hoặc trắng treo trước các tửu quán, như vật trang trí cũng như xác định thương hiệu của môn hộ. Đó chính là Kamon (chữ Hán là Gia văn 家紋 tức là hoa văn của gia đình), một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản.
Kamon – dấu hiệu của tầng lớp cao quý
Kamon đã ghi dấu ấn đặc sắc của mình trong lịch sử Nhật Bản trải dài suốt hàng ngàn năm từ thời lập quốc. Đa số kamon đều là những hoa văn được sắp đặt thành hình tròn, với họa tiết đặc sắc của hoa lá, cây cỏ, thiên nhiên, muông thú hoặc những hiện tượng thiên nhiên phản ánh tên họ của người Nhật.
(Ảnh: square(tea)/flickr)
Người Nhật phân biệt thị tộc, tính (dòng họ) và miêu tự (họ) khác nhau. Nói khái quát từ trước thế kỷ thứ năm sau Công nguyên tức là trước cải cách Taika, người Nhật vẫn chỉ có tên mà chưa có họ. Sau cải cách Taika, các thân vương và dòng dõi Thiên hoàng được phong làm quý tộc các nơi, lúc bấy giờ tựu trung Nhật bản có 4 thị tộc lớn là Minamoto, Daira, Fujiwara và Tachibana. Khởi thủy, những thị tộc này lấy phong địa của mình làm họ. Kamon là biểu tượng cho những dòng họ quý tộc. Được biết đến sớm nhất từ thời đại Heian (Bình an), qua các ghi chép còn lưu lại, lúc bấy giờ trên các cổ kiệu và xe ngựa của hoàng thất và giai cấp quý tộc, công gia, võ sĩ đều được vẽ Kamon, như một dấu hiệu để phân biệt sự cao quý và thấp hèn trong xã hội đương thời. Kamon hay Gia văn là thành phần không thể thiếu được đối với nhiều gia đình, ngoài họ và tên, người võ sĩ còn mang theo kamon trên cờ của mình khi ra trận. Các daimyo (đại danh hay là lãnh chúa cát cứ tại khu vực) sử dụng nó trên quân kỳ, hay các loại giáp trụ như một dấu hiệu nhận biết cũng như thể hiện đẳng cấp cao quý của mình. Dấu hiệu này được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Khi bá tánh được đặt họ, số lượng Kamon gia tăng
Sau thời Edo, chính quyền Mạc phủ mất hết quyền lực, Minh Trị Thiên Hoàng giành lại quyền chính trị và thực hiện nhiều cuộc duy tân cải cách. Kể từ niên hiệu Minh Trị (1868) trở đi, tất cả người Nhật đều được mang họ bất kể là quý tộc hay thứ dân. Vào thời điểm này người ta bắt đầu đặt họ, và từ khi có họ, ý thức gia tộc và thị danh bám rễ rất mạnh. Tương tự như giai cấp võ sĩ samurai hoặc công gia ngày trước, dân chúng bắt đầu đặt cho mình các gia văn phỏng theo những gia văn đã có hoặc tự tạo ra nhiều gia văn khác nữa. Người Nhật lấy hình tượng thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ, động vật, mặt trời mặt trăng, muông thú v.v.. trang trí lồng vào nhau để tạo nên các hình tượng hài hòa cân đối. Gia văn được lưu truyền rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày và dần dần mất đi ý nghĩa ban đầu là phân chia tôn ti trong xã hội hoặc nhận biết địch-ta trên chiến trận, nó mang tính trang trí và biểu tượng phân biệt gia đình hoặc môn hộ nhiều hơn. Đến ngày nay, người ta thống kê được hơn 241 dạng gia văn, với khoảng 5116 môn hộ có gia văn và ước tính gần 20,000 gia văn đang được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Nếu có thời gian khám phá, các bạn hãy quan sát và ghi nhớ khi tham quan Nhật bản nhé.