Tết truyền thống Nhật Bản trong diện mạo mới
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Kim Ngân
Ảnh: Pixta
Vì sao Nhật Bản bỏ Tết âm lịch?
Từ thời xưa, cũng giống như các nước trong khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản đón tết theo lịch âm của Trung Quốc. Nhưng đến năm Minh Trị thứ 5, vào ngày 3 tháng 12 năm 1872, chính phủ Nhật Bản đã sửa thành ngày 1 tháng 1 năm 1873, tức năm Minh Trị thứ 6. Từ đó, Nhật Bản chuyển sang đón Tết theo lịch dương của phương Tây.
Theo nhiều tài liệu thì có 2 lý do chính giải thích vì sao Nhật Bản lại đổi đón Tết lịch âm sang lịch dương.
Thứ nhất, vì bối cảnh và thời thế ở thế kỷ 19 buộc nước Nhật phải như vậy. Giai đoạn này, các nước phương Tây mở rộng sự bành trướng, đô hộ nhiều nước trên thế giới. Nhận thấy sự phát triển hùng mạnh của phương Tây so với châu Á, Nhật Bản đã đặt vấn đề là làm sao tăng trưởng kinh tế để vừa tránh bị đô hộ, vừa thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Mục tiêu của Nhật Bản là đuổi kịp phương Tây và đứng trong hàng ngũ các cường quốc trên thế giới. Nên việc thay đổi Âm lịch sang Dương lịch và thời gian đón Tết được xem là một trong những nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ tình hình tài chính trong nước. Nếu thay đổi sang Dương lịch thì chính phủ không phải trả khoản lương tháng 13 cho nhân viên, do năm Minh Trị thứ 6 tính theo lịch cũ thì có tháng 6 là tháng nhuận. Không chỉ vậy, lịch dương sẽ có số ngày nghỉ ít hơn lịch âm, làm tăng sản lượng lao động toàn quốc, giúp chính phủ tiết kiệm số tiền khá lớn khi chuyển đổi sang lịch mới.
Gìn giữ truyền thống
Mặc dù đã sinh hoạt theo Dương lịch nhưng người Nhật vẫn giữ cách đếm năm theo truyền thống. Nghĩa là họ đánh số các năm theo niên hiệu và số năm trị vì của Nhật Hoàng đương thời. Ví dụ năm 2018 là năm Heisei 30, tức năm thứ 30 trị vì của Nhật Hoàng Akihito hiện tại. Cách đánh số này vẫn được áp dụng rất phổ biến trên các loại văn bản, giấy tờ hành chính ở Nhật.
Ngoài ra, phong tục đón Tết của người Nhật Bản vẫn mang đậm văn hóa phương Đông. Theo quan niệm của họ, năm mới được tổ chức cho vị thần mang tên Toshigami-sama. Vị thần này sẽ ghé thăm từng nhà và mang đến nhiều may mắn, sức khỏe cho cả năm. Vì vậy, vào những ngày giáp Tết, người Nhật sẽ sắm sửa đồ đạc để vệ sinh nhà cửa đón thần về nhà. Trước mỗi nhà đều trang trí cây tùng vì theo tín ngưỡng, thần Toshigami-sama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây này. Trên khung cửa, người Nhật treo những món đồ để gửi gắm niềm mong ước như: dải giấy trắng xua đuổi ma quỷ, quả quýt mong cầu thịnh vượng, thừng bện bằng cỏ ước muốn tài lộc, đồ đan bằng lá màu trắng tượng trưng cho sự trinh bạch, ngay thẳng.
Người Nhật đón Tết
Để nghênh đón thần Toshigami-sama thì không thể thiếu thức ăn. Đại diện cho món ăn ngày Tết ở xứ Phù Tang là Osechi. Đặc điểm của Osechi là các món mang ý nghĩa phúc lành, đặt trong các khay xếp chồng lên nhau. Ví dụ khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh xua đuổi điều xấu, cà rốt thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Vào thời khắc giao thừa, cả gia đình người Nhật cùng nhau nghe 108 hồi chuông điểm từ ngôi chùa thiêng rồi ăn bữa tiệc tất niên. Và đi chùa cầu may là một trong những phong tục đầu năm của Nhật Bản. Trước khi vào chùa, mọi người phải rửa tay, súc miệng, gột sạch cơ thể, tâm hồn rồi mới vào hành lễ. Một hoạt động được yêu thích nhất tại các điện thờ là người ta sẽ rung chuông, bỏ đồng tiền vào hòm lộc (thường là đồng 5 yên vì phát âm giống chữ “Duyên”), sau đó chắp tay cầu nguyện điều tốt lành cho năm mới.
Nếu có cơ hội trải nghiệm Tết ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy bóng dáng những bộ Kimono trong dòng người trên phố hoặc đi lễ chùa đầu năm. Đây cũng là dịp để người dân xứ sở Hoa anh đào vận trang phục truyền thống.
kilala.vn