Nghệ thuật xếp giấy Origami với tâm lý con người
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Thảo Trần / Nguồn: vnorigami@wordpress / Ảnh: unsplash, pixabay
Origami là gì?
Cùng với nghệ thuật cắm hoa và trà đạo, Nhật Bản còn được biết đến với nghệ thuật xếp giấy Origami. Trong tiếng Nhật, “ori” là gấp/xếp và “kami” là giấy. Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật hoặc hình vuông (2 chiều) thành những hình phức tạp (3 chiều), hoàn toàn không cắt dán trong quá trình gấp, đây cũng là xu hướng của origami hiện đại.
Niềm tự hào Nhật Bản
Không giống như người ta thường nghĩ, các quy tắc origami truyền thống của Nhật Bản (bắt đầu từ khoảng triều Edo 1603-1867) lại ít nghiêm ngặt hơn origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác và có thể cắt dán trong quá trình gấp. Vào khoảng thế kỷ thứ 7, khi công nghệ sản xuất giấy bắt đầu du nhập từ Trung Quốc sang Nhật Bản, người Nhật đã sáng tạo không ngừng nghỉ và cho ra đời loại giấy washi: mềm, bền, đẹp, gấp mở nhiều lần không rách nên washi cũng nghiễm nhiên trở thành loại giấy gấp origami phổ biến nhất.
Theo dòng chảy thời gian, các mẫu origami phát triển từ đơn giản đến phức tạp, ngày càng đa dạng, phong phú và được chăm chút tỉ mỉ hơn. Origami đã cùng với nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật thư pháp, kịch kabuki trở thành 5 môn nghệ thuật thể hiện sự tinh tế của người Nhật Bản. Các cao thủ origami thường có phương châm: "Bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được".
Những tác dụng Origami với tâm lý
Origami ngày nay đã phát triển không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Không giới hạn độ tuổi, không giới hạn giới tính, nghệ thuật xếp giấy origami phù hợp với mọi đối tượng, từ người lớn cho đến trẻ con ai cũng có thể dễ dàng hòa nhập trong bộ môn nghệ thuật này. Origami không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là một liều thuốc tâm lý vô cùng hiệu quả. Những người yêu thích origami được thỏa sức sáng tạo, khi hoàn thành một mẫu origimi hoặc sáng tạo ra một mẫu mới, người sở hữu thường có cảm giác cực kỳ thích thú. Nhiều ý kiến cho rằng, tính kiên nhẫn được rèn giũa từ khi còn nhỏ, trong việc nhỏ, có như vậy mới có thể thành công trong việc lớn. Do đó, những đứa trẻ đã được ngồi học từng chút để gấp được giấy ngay khi còn nhỏ.
Trường hợp ở Việt Nam với bộ môn thủ công của các em học sinh tiểu học cũng vậy. Origami có tác dụng làm êm dịu thần kinh, cân bằng lại trí não, chữa bệnh mất ngủ và giảm thiểu căng thẳng do áp ức từ cuộc sống. Nên nhiều bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu đã dùng origami như một liệu pháp vật lý và tinh thần. Tại Hội Thảo Quốc Tế lần thứ hai về origami đối với giáo dục và trị liệu, bác sĩ Ronald S. Levy đã kêu gọi dùng origami như một hình thức trị liệu để phục hồi chức năng tay. Trong y học cổ truyển Trung Quốc cho rằng, 10 đầu ngón tay là những đầu mối của những dây thần kinh tập trung trên não. Việc hoạt động thường xuyên các ngón tay chính là làm tăng khả năng làm việc của trí não, kích thích việc ghi nhớ, chống lãng quên ở người già.
Như vậy, origami không đơn thuần chỉ là một môn nghệ thuật mà còn được vươn lên một tầm cao mới với đủ đầy các yếu tố tích cực cho tâm lý con người.
Kilala gợi ý cho bạn một địa chỉ hay ho để tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật này nhé! Bạn có thể xem tại: origami.vn, vnorigami.wordpress.com
kilala.vn