Nằm ngoài khơi cách bờ biển Niigata khoảng hai giờ đồng hồ di chuyển bằng tàu là hòn đảo Sado, nơi cư trú và bảo tồn Toki, loài chim biểu tượng của tỉnh. Từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn khi cá thể hoang dã cuối cùng trên đảo biến mất vào năm 2003, con đường đưa loài chim Quốc bảo này trở lại chẳng hề dễ dàng.
Chim Toki hay cò quăm mào Nhật Bản có tên khoa học là Nipponia nippon. Chúng có bề ngoài tương tự như chim diệc, có thân và mào lông màu trắng, mặt và chân màu đỏ cùng một chiếc mỏ cong dài màu đen. Toki cao từ 70 đến 80cm và nặng khoảng 1,8kg đối với cá thể trưởng thành. Khi chúng sải cánh, bên dưới đôi cánh là những chiếc lông màu hồng đào tuyệt đẹp. Từ thời cổ đại, người Nhật đã ngưỡng mộ vẻ đẹp của sắc hồng đặc biệt này và gọi tên nó là “Toki-iro”, có nghĩa là màu Toki.
Trước khi trở nên thu nhỏ về số lượng, chim Toki đã từng phân bố rộng rãi ở khắp các cánh đồng và đầm lầy ở Nhật Bản cho đến giữa thế kỷ 19. Về sau, do tình trạng săn bắt quá mức để lấy lông cùng với việc sử dụng thuốc trừ sâu trên ruộng lúa khiến nguồn thức ăn của loài chim này không còn, chúng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mặc dù được Chính phủ Nhật Bản chỉ định là loài cần được bảo tồn vào năm 1952, số lượng cá thể Toki vẫn tiếp tục suy giảm. Vì vậy, vào năm 1967, chính quyền tỉnh Niigata đã quyết định mở một trung tâm bảo tồn loài chim này trên đảo Sado để nhân giống và nuôi dưỡng những chú chim Toki non. 5 chú chim Toki còn sót lại trong môi trường tự nhiên đã được đưa vào trung tâm vào năm 1981, và sau một thời gian dài thử nghiệm, nghiên cứu, họ đã thành công nhân giống chú chim Toki đầu tiên từ một cặp chim bố mẹ được Trung Quốc tặng.
Mặc dù Kin – chú chim cuối cùng được sinh ra trong tự nhiên đã mất vào năm 2003, đó không phải là kết thúc của loài Toki. Vào năm 2008, 10 chú chim được nhân giống và nuôi dưỡng tại trung tâm đã được thả vào môi trường tự nhiên, sải đôi cánh hồng tuyệt đẹp trên bầu trời rộng lớn. Ngày 01/06/2016 cũng là một cột mốc đầy tự hào khi lần đầu tiên sau 42 năm, người ta lại được thấy một chú chim sinh ra trong điều kiện hoang dã.
Để tạo ra một môi trường cho Toki có thể sinh sống trong tự nhiên, chính quyền thành phố Sado đã hướng đến việc sử dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững, không làm ảnh hưởng đến các sinh vật khác. Thuốc trừ sâu và phân bón hóa học bị hạn chế, các mương thả cá dẫn nước cho đồng ruộng được tạo ra, các cánh đồng lúa cũng được tưới tiêu ngay cả trong mùa đông để các sinh vật có thể sinh sống. Những buổi tìm hiểu về môi trường cho trẻ em được tổ chức thường xuyên.
Với những nỗ lực của chính quyền và cộng đồng dân cư, tính đến tháng 04/2020, số lượng Toki hoang dã đã tăng lên khoảng 400 cá thể trên toàn Đảo Sado. Chúng thậm chí đã vượt biển để đến đảo chính Honshu, tiếp tục hành trình trở về với tự nhiên, về với ngôi nhà của mình.
kilala.vn