Sokushinbutsu: khi nhà sư Nhật tự biến mình thành xác ướp
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Quỳnh Vũ
Trong tín ngưỡng dân gian ở một số vùng của Nhật Bản, các nhà sư đã từng tự biến mình thành một xác ướp để có thể nhập thiền vĩnh hằng.
Sokushinbutsu – tục lệ ướp xác Nhật Bản
Ướp xác là một tục lệ đã có từ thời cổ đại. Trong tín ngưỡng dân gian ở một số vùng của Nhật Bản, các nhà sư tin rằng cái chết chính là sự nhập thiền vĩnh hằng và thực hiện quá trình tự biến mình thành một xác ướp. Những xác ướp ấy được gọi là “Sokushinbutsu - 即身仏” .
Nguồn gốc của “Sokushinbutsu”
Có nhiều giả thuyết khác nhau xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều tài liệu cho thấy người đầu tiên trở thành “Sokushinbutsu” chính là Kukai - một nhà sư Nhật Bản sống cách đây hơn 1.000 năm và cũng là người sáng lập ra giáo phái Shingon. Người ta cho rằng Kukai có thể nâng cao sức mạnh, đạt được sự giác ngộ bằng cách tự hủy hoại bản thân và sống một cuộc sống khắc khổ.
Ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý Phật giáo Trung Quốc và cố gắng làm cho quá trình tu hành càng thêm khắc nghiệt. Mục đích của “Sokushinbutsu” là được giải thoát khỏi những ràng buộc của thế giới vật chất. Để đạt được điều này, Kukai khiến cơ thể mình trở thành một xác ướp ngay khi còn sống.
Quá trình thực hiện “Sokushinbutsu”
Tập tục này đã có từ thời Edo, các nhà sư phải trải qua một quá trình khắc nghiệt mới có thể trở thành một “Sokushinbutsu”.
Các sư thầy bắt đầu tu hành khắc khổ trên núi Yudono (tỉnh Yamagata) trong 1.000 ngày. Quá trình này có thể kéo dài lâu hơn tới 2.000 hoặc 3.000 ngày tùy theo mỗi người. Họ sống trong những túp lều làm bằng các gỗ và cây lau sậy. Trong quá trình huấn luyện, các nhà sư không được phép xuống núi dù xảy ra bất cứ chuyện gì.
Để duy trì sự sống, họ chỉ ăn vỏ cây và các loại hạt. Làm vậy sẽ loại bỏ được chất béo và nước ra khỏi cơ thể, tống hết những thứ ô uế ra ngoài. Thay vì uống nước, các nhà sư uống trà sơn tra và nôn chúng ra liên tục trước khi bản thân người đó được chôn xuống đất . Loại trà này có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn gây thối rữa trong cơ thể. Đưa cơ thể đến gần với tình trạng của xác ướp hơn khi còn sống, cuối cùng chỉ còn da bọc xương.
Sau khi thực hiện quá trình tu hành khắc khổ 1.000 ngày, người ta đào một hố sâu khoảng 3m, xây buồng đá và đặt quan tài vào trong đó. Họ thiết kế một ống tre nối liền với bên ngoài để thông khí. Những nhà sư muốn trở thành “Sokushinbutsu” sẽ được chôn sống trực tiếp, vừa ngồi thiền vừa tụng kinh cho đến chết. Một quả chuông nhỏ sẽ được đưa qua trụ tre mỏng, nhà sư sẽ rung chuông để thông báo cho các đệ tử biết mình còn sống. Khi chuông không còn ngân vang nữa cũng chính là lúc quá trình “Sokushinbutsu” kết thúc. Xác chết sẽ được đào lên sau 3 năm 3 tháng, phơi khô và trở thành một bức tượng Phật được mọi người thờ cúng.
Trong điều kiện khí hậu ẩm ướt và ấm áp của Nhật Bản, rất khó để ngăn các mô hữu cơ phân hủy. Bởi vì quá trình tạo ra “Sokushinbutsu” hoàn toàn tự nhiên nên xác suất thành công cực thấp, rất nhiều xác chết bị phân hủy ngay sau đó.
Sokushinbutsu nổi tiếng nhất Nhật Bản
Trong số các Sokushinbutsu được tìm thấy cho đến nay, Shinnyo Kaijin là người có tuổi thọ lâu nhất (96 tuổi). Ông sinh ra ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Yamagata. Shinnyo say mê giáo lý đạo Phật và cống hiến cả đời mình cho Phật giáo ngay từ khi còn rất trẻ. Không chỉ xây dựng chùa chiền, tham gia những hoạt động phúc lợi xã hội, ông còn luôn tích cực truyền đạo, giảng dạy triết lý Phật giáo cho những tín đồ.
Shinnyo Kaijin luôn muốn biến thế giới này trở thành một thiên đường Phật giáo, nơi không còn tồn tại sự bất công. Khi nạn đói Tenmei xảy ra, ông đã tự mình trở thành một “Sokushinbutsu” để cầu nguyện cho chúng sinh thiên hạ. Nhờ vào sự cống hiến to lớn ấy, Shinnyo Kaijin trở thành một Sokushinbutsu được nhiều người tôn kính nhất. Ngày nay, xác của ông được thờ tại chùa Dainichibo thuộc thành phố Tsuruoka, tỉnh Yamagata.
Sự khác nhau giữa Miira và Sokushinbutsu
Hai thuật ngữ này trong tiếng Nhật đều chỉ xác ướp, tuy nhiên giữa chúng vẫn có sự khác biệt. “Miira -ミイラ” là một trong những từ được người Bồ Đào Nha sử dụng vào thế kỷ 16 – 17. Nguồn gốc của từ này là "myrrh" – một loại nhựa thực vật được sử dụng trong quá trình ướp xác. “Miira” được dùng để chỉ các xác ướp Ai Cập, Châu Âu... có từ thời cổ đại. Não và các cơ quan nội tạng được cắt bỏ từ trước, đồng thời sử dụng các loại hóa chất đặc trưng để bảo tồn thi thể.
Trong khi đó “Sokushinbutsu” là từ chỉ dùng riêng cho các xác ướp của nhà sư Nhật Bản. Những xác ướp này được hoàn thành bằng cách để thi thể khô tự nhiên mà vẫn giữ được nguyên hình dạng.
Cho tới nay, người ta chỉ mới phát hiện ra 18 “Sokushinbutsu”, xác ướp lâu đời nhất trong số đó được xác định có từ năm 790. Và xác ướp cuối cùng (có vào năm 1903) được tìm thấy ở một ngôi đền thuộc thành phố Murakami, tỉnh Niigata. Đến thời Minh Trị, hình thức tôn giáo này chính thức bị cấm.
kilala.vn