Khi nhắc đến Kyoto, ta sẽ nghĩ ngay đến những ngôi đền tuyệt đẹp, các dãy phố cổ xưa hay các nàng Geisha tài hoa. Còn khi nhắc đến Okinawa, ta lại trầm trồ trước vẻ đẹp tuyệt diệu của những bãi biển, nơi được mệnh danh là Hawaii của Nhật Bản. Nhưng ngoài biển ra, hòn đảo xinh đẹp này cũng có rất nhiều điều thú vị, đặc biệt và nổi tiếng khác, chẳng hạn như Shisa (シーサー), linh vật của Okinawa.
Nếu có cơ hội một lần được bước chân đến nơi đây, chỉ cần đi dạo quanh các khu dân cư, ắt hẳn bạn có thể bắt gặp ít nhất một lần những bức tượng nhỏ của một loài vật khá giống sư tử được đặt ở nhiều nơi như hai bên cổng nhà, trên mái nhà, trên các máy bán hàng tự động hay thậm chí có những bức tượng to được đặt trên đường. Đó chính là Shisa - linh vật của Okinawa. Ngày xưa, những bức tượng này còn được đặt ở ngay cổng ra vào thôn làng nhằm bảo vệ người dân khỏi những ác linh đem đến điềm xấu, tai hoạ.
Nguồn gốc của linh vật Shisa
Thời xưa, Shiisaa được gọi là Shiihaa, nghĩa là "sư tử" trong tiếng Ấn cổ. Hiện nay thì cái tên Shisa (シーサー) mang nghĩa là "sư tử" trong tiếng địa phương Okinawa. Ngoài ra, trong tiếng địa phương của quần đảo Yaeyama thuộc Okinawa, nó còn được gọi là Shishi (シーシー).
Dù có nhiều hình dạng khá phong phú nhưng các Shisa đều có nét chung là khá giống tượng sư tử đá của Trung Quốc hay Komainu (狛犬) của Nhật Bản, tương tuyền đây là con sư tử của phương Đông cổ đại. Có ý kiến cho rằng Shisa không phải là sư tử mà là chó, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu xem xét đến sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Nam hay Trung Quốc đến Okinawa, thì quả nhiên sư tử vẫn hợp lý hơn, và có người còn khẳng định cái tên đó có bắt nguồn từ chữ "Shishi (獅子)" nghĩa là "sư tử" trong tiếng Nhật. Ngoài ra còn có một giả thuyết khác, đó là tại phía Nam của Trung Quốc và Đài Loan, tồn tại phong tục đặt những con sư tử bằng đá để bảo vệ con người khỏi gió bão. Tên chúng trong tiếng Hán Việt là Phong Sư Gia (風獅爺) hay Phong sư (風獅), được dịch ra là "Shisa".
Theo "Kyuuyou - 球陽", sách lịch sử chính thức của Vương quốc Ryukyu (hay Vương quốc Lưu Cầu, là tên gọi cổ của Okinawa), được biên soạn từ năm 1743 - 1745 bởi một nhóm các quan chức học giả do Tei Heitetsu lãnh đạo, thì vào năm 1689, tại vương quốc Ryukyu rất hay xảy ra các vụ hoả hoạn, mọi người dân đều rất khổ sở nên đã cầu cứu một vị thầy phong thủy. Vị thầy phong thuỷ ấy nói rằng nguyên nhân là do sự ảnh hưởng bởi ngọn núi Yaese, nên nếu muốn ngăn ngừa việc này tiếp diễn thì phải tạo ra một bức tượng sư tử và đặt hướng về ngọn núi ấy. Người dân làm theo lời thầy phong thủy. Kể từ đó, nơi đây không còn xảy ra hỏa hoạn nữa. Bức tượng Shisa được đặt lúc bấy giờ trở thành bức tượng Shisa to nhất, lâu đời nhất và vẫn còn tồn tại đến nay.
Shisa cũng có giới tính?
Shisa được đặt riêng lẻ một mình hoặc theo cặp là do sự ảnh hưởng của Phật Giáo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nó thường được đặt theo cặp hơn. Con cái và con đực có điểm khác nhau và vai trò cũng không giống nhau. Con cái là con có miệng mở ra, tượng trưng cho chữ cái đầu tiên trong bảng chữ viết Hiragana "A - あ", được đặt bên phải, thu nhận những điều may mắn. Còn con đực đặt bên trái, miệng đóng lại như khi phát âm chữ "N - ん" - chữ cái kết thúc của bảng chữ Hiragana, để ngăn chặn những điều xui xẻo vào nhà. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết khác về sự khác nhau của con cái và con đực.
Sau thời Minh Trị, khi người dân được cho phép lợp mái ngói, con Shisa cũng được đặt trên mái nhà. Trước đó, nó chỉ được đặt ở cửa thành, chùa hay đền thờ, ở các Utaki - 御嶽 (thuật ngữ vùng Okinawa để chỉ những nơi linh thiêng), lăng mộ của quý tộc, hay đầu thôn làng. Ngày xưa, Shisa thường được làm từ đá hay gốm, thạch cao, sau này nó còn được làm từ bê tông hoặc đồng điếu và hình dạng cũng phong phú hơn.
Bức tượng Shisa lâu đời nhất
Hiện bức tượng Shisa lâu đời nhất nằm ở thị trấn Yaese, quận Shimajiri, tỉnh Okinawa, Nhật Bản, gọi là Tomori Shisa, với chiều cao 1.4m và chiều dài toàn thân là 1.75m, được tỉnh Okinawa chỉ định làm Tài sản văn hóa hữu hình.
Bề mặt bức tượng cái vô số lỗ lõm, được tạo ra trong thời kỳ chiến thanh thế giới thứ hai. Khi trận chiến diễn ra tại Okinawa năm 1945, quân Nhật cũ đã dựng trại tại núi Yaese, bức tượng này trở thành hình ảnh phản chiếu lại cảnh quân Mỹ xả súng hướng về phía núi Yasae vào quân Nhật. Những vết lõm ấy chính là dấu tích súng đạn trong chiến tranh. Dù phong cảnh xung quanh đã thay đổi nhiều sau chiến tranh, bức tượng này vẫn đứng mãi nơi đó, dẫu dấu vết trên thân năm xưa cũng đã phai mờ dần.
Ngày nay, ở Okinawa cũng có nhiều nơi cho khách tự tay nặn và tô màu cho con Shisa của riêng mình. Và hình ảnh của Shisa cũng được in nhiều trên các tấm quảng cáo hay làm quà lưu niệm với đủ hình dáng dễ thương. Shisa đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của Okinawa. Nếu bạn có dịp du lịch đến Okinawa, đừng quên mang về cho mình một bức tượng thu nhỏ của Shisa để làm bùa may mắn và cầu bình an nhé.
kilala.vn