Shimenawa: Sợi dây linh thiêng trong Thần đạo
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Rin
Ảnh bìa: kankou-shimane.com
Thường được treo ở phía trước chánh điện của đền Thần đạo, cổng Torii, tảng đá hay cây cổ thụ, Shimenawa là sợi dây thừng xoắn đánh dấu sự linh thiêng của những không gian, vật thể mà nó gắn lên.
Theo truyền thống, Shimenawa được dệt từ cây gai dầu, nhưng ngày nay nó thường được tết từ sợi rơm của lúa gạo và lúa mì. Không chỉ được nhìn thấy ở đền Thần đạo, Shimenawa còn là một vật dụng trang trí phổ biến cho dịp năm mới ở Nhật và được sử dụng trong môn võ Sumo.
Hình dáng đặc biệt của Shimenawa
Shimenawa (注連縄) là vật đánh dấu, phân biệt khu vực linh thiêng với phần còn lại của thế giới. Nếu dùng để trang trí năm mới, nó sẽ được gọi là “注連飾り – Shimekazari”.
Shimenawa được tết thành nhiều hình dạng khác nhau như kiểu đường thẳng Ichimonji (一文字), kiểu Daikonjime (大根締め - củ cải), kiểu Goboushime (ゴボウ締 - củ ngưu bàng) hay kiểu vòng tròn Wakazari (輪飾り).
Cấu tạo của một sợi thừng Shimenawa bao gồm phần đầu được gọi là Moto, tiếp đó là các nút bện được tết theo 2 kiểu bện trái hoặc phải, sau cùng được cột lại ở phần đuôi. Với kiểu Daikonjime, dây thừng được bện nhỏ dần về hai đầu, còn với Goboushime, chỉ có phần đuôi được thắt nhỏ hơn.
Giữa các nút bện sẽ có thêm phần trang trí ở phía dưới là các búi rơm “Shime no Ko” (〆の子) và giấy Washi gấp theo hình zic-zắc “Shide” (紙垂). Phần trang trí này nằm cách nhau một khoảng và thường theo số lượng 3, 5 hoặc 7. Do vậy, Shimenawa còn được gọi là “七五三縄 – Thất ngũ tam thằng”, tức "dây thừng 7-5-3".
Về cơ bản, tại các đền thờ sẽ sử dụng kiểu bện trái, cụ thể: sợi dây bên phải hướng về phía thần linh sẽ nằm ở trên sợi dây bên trái, hay nói cách khác, việc bện sẽ bắt đầu với dây bên phải trước tiên. Mặt khác, trong đời sống hằng ngày, kiểu bện phải được sử dụng nhiều hơn.
Nguồn gốc thần thoại của Shimenawa
Theo Kojiki (Cổ Sự Ký), Amaterasu Oomikami, Nữ thần Mặt trời tối cao trong Thần đạo - vị thần được xem là thủy tổ của dõng dõi hoàng gia Nhật Bản, đã từng nuông chiều em trai Susanoo và bỏ qua mọi lỗi lầm ông gây ra như đi “bậy” vào thần điện, phá hủy cánh đồng... Nhưng một ngày nọ, Susanoo gây ra đại họa bằng việc ném một con ngựa bị lột da vào căn phòng dệt và giết chết một vu nữ trong phòng. Amaterasu cảm thấy vô cùng tội lỗi trước hành động ngông cuồng của em trai và hành vi dung túng của bản thân nên đã tự nhốt mình vào hang động Amano Iwato. Sau đó, bà lấp kín cửa hang, quyết không ló mặt ra ngoài.
Tuy nhiên, vì là Thần Mặt trời, nên việc Amaterasu nhốt mình trong hang đã khiến thế giới chìm vào bóng đêm u tối, gây ra bao nhiêu tai họa cho nhân gian. Sau đó, các vị thần đã họp bàn để nghĩ cách mời bà ra khỏi hang động. Cuối cùng nhờ vào nữ thần của lễ hội và hạnh phúc Amano Uzume mà Amaterasu đã ra khỏi hang. Uzume treo một tấm gương trước hang động và đeo một viên ngọc rồi mở yến tiệc. Nữ thần Amano Uzume đã nhảy múa một vũ điệu mê hồn khiến không khí trở nên vô cùng huyên náo làm cho Amaterasu tò mò hé cửa nhìn ra ngoài thì thấy hình ảnh mình phản chiếu chói lọi trên tấm gương đặt ở phía trước hang. Ngay phút giây bà ngạc nhiên, vị thần sức mạnh Ame no Tajikarao đã dùng lực để mở và kéo cửa hang ra. Để Amaterasu không trốn vào hang Amano Iwato thêm lần nữa, các vị thần đã đặt Shimenawa lên cửa hang động.
Ngoài ra, Shimenawa còn được cho là có mối liên hệ với thần thoại Shomin Shorai (蘇民将来). Truyền thuyết kể về một người đàn ông nghèo tên Shomin Shorai đã cứu giúp Susanoo khi vị thần giả dạng một người hành khất. Nhiều năm sau, Susanoo đã quay trở lại nhà của Shomin Shorai để trả ơn bằng cách trao vòng hoa kết bằng lau sậy hoặc một lá bùa ghi chữ “Tôi là hậu duệ của Shomin Shorai”, tùy theo các phiên bản khác nhau của truyền thuyết. Nhờ vậy, gia đình của Shomin Shorai trở thành những người duy nhất sống sót qua thời kỳ dịch bệnh. Từ đó, trong dân gian phát triển loại bùa chú Shomin Shorai giúp xua đuổi bệnh tật, trừ tà, cầu bình an theo dạng thẻ gỗ ghi câu “Tôi là hậu duệ của Shomin Shorai” hoặc được bện lại từ rơm rạ gắn thêm thẻ gỗ. Vì Shimenawa cũng tết từ sợi gai dầu hoặc rơm rạ mới thu hoạch giống bùa hộ mệnh Shomin Shorai nên sợi dây thiêng được cho là có mối liên hệ mật thiết với truyền thuyết này và mang trong mình sức mạnh linh thiêng.
Shimenawa đánh dấu sự linh thiêng
Trong số các sợi dây thiêng trên khắp Nhật Bản, Shimenawa ở đền Izumo Taisha, tỉnh Shimane được cho là có kích thước lớn nhất và nổi tiếng nhất. Sợi dây thiêng này dài tới 13,5m và nặng 4,5 tấn cùng đường kính lên đến 8m. Khác với các đền Thần đạo, Shimenawa ở Izumo Taisha được tết theo kiểu bện phải. Trong vòng 6-8 năm, Shimenawa tại đền lại được làm mới một lần. Để có thể hoàn thành được sợi dây thiêng khổng lồ này, tổng cộng 800 nghệ nhân đã tham gia với khoảng 3ha rơm rạ được sử dụng.
Bên cạnh việc treo tại cổng Torii và các đền Thần đạo, Shimenawa còn được sử dụng làm đai đeo lưng cho võ sĩ Sumo để biểu thị cấp bậc cao nhất trong môn đấu võ được người Nhật tôn sùng - Yokozuna (横綱). Sợi dây thiêng còn được treo lên các tảng đá, có thể kể đến là cặp đá phu thê Meoto Iwa nổi tiếng ở tỉnh Mie.
Đặc biệt, Shimenawa còn được treo lên các cây xanh và biến chúng thành những cây thiêng Shinboku (神木) như tại đền Yuki ở Kyoto. Hơn nữa, tại đỉnh thác Nachi nổi tiếng ở tỉnh Wakayama, Shimenawa cũng xuất hiện để tôn lên sự linh thiêng cho con thác hùng vĩ này. Bất kỳ nơi nào Shimenawa xuất hiện, sự linh thiêng lại được biểu lộ.
kilala.vn