Những phát minh của người Nhật khiến thay đổi thế giới (P.1)
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Natsume
Nồi cơm điện
Trước khi nồi cơm điện ra đời, người dân ở các nước châu Á thường nấu cơm trên bếp củi, bếp than...Tại Nhật, người ta nấu trên một loại bếp gọi là Kamado. Loại bếp này thao tác khá khó khăn, đòi hỏi người nấu phải túc trực thường xuyên bên cạnh và nắm vững kỹ thuật điều chỉnh mức độ to - nhỏ của ngọn lửa phía dưới.
Đến thời Taisho (1912-1926) nồi cơm điện được ra đời, tuy nhiên đến năm 1955, nồi cơm điện tự động dùng trong gia đình mới được bán ở thị trường Nhật Bản bởi công ty Toshiba. Sau 5 năm thử nghiệm, công ty đã đưa ra phương pháp “nồi hai lớp”. Gạo được đặt ở lớp bên trong, nước nằm tại lớp bên ngoài. Khi nước bay hơi ở mức nhiệt độ nhất định sẽ khiến gạo chín thành cơm, khi đó, hệ thống điện dẫn vào nồi cũng tự động ngắt. Ở đây, hơi nước được sử dụng như một bộ phận hẹn giờ, một ý tưởng hết sức đơn giản và độc đáo theo phong cách Nhật Bản.
Đến năm 1960, nồi cơm điện có chức năng giữ ấm và hẹn giờ được tung ra thị trường. Bằng cách này, người dùng có thể nấu cơm từ sáng rồi dùng chế độ giữ ấm để giữ cơm nóng cả ngày, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Năm 1979, nồi cơm điện được điều khiển bằng bảng điện tử được trình làng. Giờ đây, các bà nội trợ có thể tự do điều chỉnh nhiệt độ, thời gian nấu cơm theo sở thích của mình. Nồi cơm điện ngày nay có mặt tại vô số quốc gia - trở thành sản phẩm chủ lực của mỗi căn bếp.
Xem thêm: Bí quyết nấu cơm ngon bằng nồi cơm điện
Shinkansen
Ngày nay Shinkansen (新幹線) - tàu cao tốc là một trong những đặc trưng khi nói về sự phát triển công nghệ của Nhật Bản. Shinkansen cùng hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại đã rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh thành trên khắp nước Nhật.
Ban đầu, Shinkansen được xây dựng để kết nối các vùng xa xôi của Nhật Bản với thủ đô Tokyo, nhằm hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chuyến tàu tốc hành đầu tiên từ Tokyo đến Osaka, khởi hành lúc 6:00 sáng ngày 1/10/1964, sau bốn tiếng rưỡi, tàu đã đến Osaka. Tuy nhiên, hiện nay, một chuyến Shinkansen đi từ Tokyo đến Osaka chỉ mất hai tiếng rưỡi.
Hiện nay, tàu cao tốc thế hệ mới nhất đạt vận tốc kỷ lục là 360 km/h. Vận tốc rất nhanh, có thể gây chóng mặt cho hành khách khi nhìn ra bên ngoài nên các Shinkansen sẽ sử dụng kính giảm tốc thay thế kính thông thường, giúp hành khách có thể ngắm cảnh bên ngoài một cách bình thường.
Trước khi có Shinkansen, việc vận chuyển bằng đường sắt đã giảm ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, thành công của Nhật Bản tạo động lực, khiến các quốc gia khác lên kế hoạch đầu tư vào công nghệ tàu cao tốc. Năm 1981, Pháp khai trương TGV (tên viết tắt của: Hệ thống tàu tốc hành) - sử dụng động cơ điện và hệ thống điện cao áp nhằm đạt được vận tốc tối đa tới 320 km/h. Inter City Express (ICE) khai trương tại Đức vào năm 1991.
Các công ty đường sắt hiện đang mở rộng công nghệ của họ ra ngoài biên giới Nhật Bản. Một số công đoạn cụ thể như đường ray chuyên dụng và hệ thống kiểm soát an toàn...đã được chuyển giao cho các đối tác muốn phát triển hệ thống tàu cao tốc trên đất nước mình.
Năm 2007, Đài Loan khởi động hệ thống tàu cao tốc với vận tốc tối đa 350 km/h. Trung Quốc khai trương chuyến tàu cao tốc đầu tiên từ Thượng Hải tới Tô Châu với vận tốc trung bình 250km/h. Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng quan tâm đến công nghệ Shinkansen.
Đồng hồ Quartz
Đồng hồ Quartz hay còn được gọi là đồng hồ pin thạch anh, là loại đồng hồ hoạt động với cơ chế điều động “tinh thể thạch anh”. Tinh thể dao động khi được đặt trong một điện trường, nhờ đó cung cấp năng lượng cho đồng hồ. Đồng hồ thạch anh chủ yếu chạy bằng pin.
Vào năm 1880, nhà khoa học: Pierre Curie và em trai của ông là Jacques tìm ra tính chất áp điện của tinh thể thạch anh, cho thấy dao động của tinh thể này đạt được độ chính xác cao hơn nhiều so với đồng hồ cơ học. Đến năm 1927, đồng hồ thạch anh đầu tiên trên thế giới được chế tạo bởi Warren Marrison và J. W. Horton nhưng chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm.
Đồng hồ chạy pin thạch anh chính thức ra đời và lưu hành rộng rãi trên thị trường sau khi Seiko Nhật Bản giới thiệu mẫu đồng hồ “Seiko Quartz Astron” vào dịp giáng sinh năm 1969. Kể từ đó, công nghệ này được áp dụng trong nhiều sản phẩm khác như: máy tính, máy chấm công, các thiết bị có chức năng xem giờ...
Vạch đường dành cho người khiếm thị
Khối Tenji - vạch kẻ đường dành cho người khiếm thị là phát minh của ông Miyake Seiichi với mong muốn giúp đỡ người bạn của mình có thể dễ dàng nhận biết được thông tin khi đang đi trên đường. Miyake Seiichi tự bỏ tiền để phát triển dự án này. Đến nay, những lợi ích mà khối Tenji mang đến đã biến nó thành công trình bắt buộc phải có ở các tuyến đường ở Nhật Bản. Sau đó, nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc các thành phố của một số quốc gia như London (Vương quốc Anh), Frankfurt (Đức), Paris (Pháp), Brussels (Hà Lan)...đều sử dụng vạch kẻ này để hỗ trợ việc di chuyển cho người khiếm thị.
Karaoke
Được biết đến là "cha đẻ của máy hát karaoke", nhạc sĩ Daisuke Inoue được tạp chí Time mô tả là “một trong những người châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20”. Vào năm 1971, Inoue - khi ấy là một nghệ sĩ keyboard, chơi trống và piano trong các câu lạc bộ để ca sĩ hát. Ông được mời tham gia một buổi biểu diễn âm nhạc, nhưng không sắp xếp được thời gian nên đã thu phần nhạc đệm vào một đoạn băng và gửi đến cho ca sĩ để họ có thể hát trên nền nhạc.
Bước ngoặt cuộc đời đến với Inoue vào năm 2006, khi chủ tịch một công ty nhỏ đến gặp ông. Người này đề nghị Inoue thu âm sẵn một vài ca khúc yêu thích để ông luyện hát tại nhà, phục vụ cho buổi gặp mặt quan trọng với đối tác vào ngày hôm sau. Ý tưởng này không chỉ giúp buổi gặp gỡ của doanh nhân kia thành công tốt đẹp, mà còn là nguồn cảm hứng để Inoue sáng chế máy karaoke sau này.
Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản: Người dùng bỏ đồng xu vào một chiếc máy được kết nối với microphone, loa và bộ khuếch đại, sau đó chọn bài hát mà mình mong muốn. Inoue dễ dàng tìm kiếm các linh kiện cần thiết tại cửa hàng điện tử của một người bạn, và chỉ 2 tháng sau đó, chiếc máy Juke 8 đầu tiên đã ra đời với tổng chi phí 425 USD .
Tuy nhiên, nhạc sĩ lại không đăng ký bằng sáng chế cho phát minh này. Sau đó, một nhà sáng chế người Phillipine khi tạo nên Karaoke Sing Along System đã đăng ký và sở hữu bằng sáng chế cho máy hát Karaoke.
Xem thêm: Hát Karaoke để gác lại những "gồ ghề" mưu sinh
kilala.vn