Torii là chi tiết kiến trúc đặc biệt để phân biệt giữa chùa và đền ở Nhật Bản, bất kỳ Jinja (Thần Xã) lớn nhỏ nào cũng đều có một cổng Torii. Vị trí xây dựng Jinja và Torii phổ biến trên các đỉnh núi cao hoặc trong các khu rừng – bởi theo quan niệm Thần Đạo, đó là nơi các vị thần thường cư ngụ. Ban đầu Torii được làm từ gỗ, nhưng ngày nay Torii được chế tác từ nhiều chất liệu bền vững như đá, bê tông, sắt, thép. Sự tối giản trong chi tiết tạo hình của Torii dễ hoà hợp với mọi không gian, tạo thành điểm nhấn đẹp cho cảnh quan quanh Thần Xã.
Torii đọc theo biểu tự Hán Việt là Điểu Cư – nơi cư trú của loài chim. Theo truyền thuyết và các tài liệu còn lưu truyền, những câu chuyện về sự ra đời cổng Torii đều gắn liền với nữ thần mặt trời Amaterasu (Thiên Chiếu Đại Ngự Thần).
Tương truyền em trai của Amaterasu là Thần bão tố Susanoo khi ở trên vương quốc của Amaterasu trong một cơn say đã giết hại gia súc, phá phách mùa màng, kênh mương, hoa màu và giết cả người hầu gái… khiến nữ thần Amaterasu phẫn uất cùng cực và tự giam mình vào hang (Thiên Nham Cung). Từ đó thế gian không có ánh mặt trời, muôn loài thọ tạo chìm trong tăm tối khiến nhân loại lo sợ. Các thần bèn nghĩ kế dụ Amaterasu ra khỏi hang, dùng các cây gỗ bắc thành sào, đặt những con gà trống tốt nhất lên đó để chúng gáy với hy vọng sẽ khiến thần Amaterasu ló dạng như bà thường làm mỗi khi bình minh lên. Đó là bối cảnh ra đời của chiếc Torii đầu tiên trong Thần Đạo.
Một truyền thuyết khác kể rằng khi ở trên thượng giới, nữ thần Amaterasu thường gửi vị sứ giả là một loài chim đi nắm tình hình và thông báo lại các sự việc nơi hạ giới, Torii hình thành để vị sứ giả nghỉ chân, và đó cũng là ranh giới ngăn cách giữa hai thế giới phàm tục và linh thiêng.
Torii rất dễ nhận diện với hình tượng kiến trúc gồm hai cột trụ, gánh trên đó là hai thanh ngang tựa cánh chim vươn lên bầu trời. Theo tín ngưỡng Thần Đạo, Torii còn là biểu tượng cho sự thịnh vượng, sung túc.
Cùng mang một dấu hiệu, một biểu tượng, nhưng Torii được xây dựng với rất nhiều phong cách và kiểu dáng khác biệt, được định danh cụ thể dựa trên kiến trúc tiêu biểu như Hachiman, Kasuga, Kashima, Ryobu, Myojin, Shinmei… Theo thống kê có đến hơn 20 phong cách Torii khác nhau trên toàn nước Nhật. Đeo ngang trên hai cột trụ của Torii thường là các sợi thừng bện từ rơm rất khéo léo, tinh tế, chi tiết đó được gọi là Shimenawa (Chú liên thừng). Bước qua Torii và Shimenawa sẽ đến con đường được gọi là Sando (Tham đạo) dẫn lối lên Jingu (Thần cung) – nơi các tín đồ Thần Đạo đảnh lễ.
Thông thường một Jinja sẽ có một Torii, nhưng cũng có trường hợp nhiều Torii được xây dựng liên hoàn, sát cạnh nhau đại diện cho một Jinja, tạo thành một kiến trúc cổng đền độc đáo và lạ mắt.
Trong những chuyến rong ruổi xứ Phù Tang, khám phá nét đẹp của Torii ở khía cạnh lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, không gian luôn là một hành trình văn hoá đầy hấp dẫn.
Nguyễn Đình / kilala.vn