Những cảm xúc khó quên ở Nagasaki
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Nguyễn Thị Cẩm Nhung/ Ảnh: Tỉnh Nagasaki
Lễ hội mùa thu lớn nhất khu vực Kyushu
Lễ hội Nagasaki Kunchi là lễ hội mùa thu quan trọng của đền Suwa, diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 hằng năm. Nhưng từ bốn tháng trước đó, mỗi đêm các Odori-cho – phường được phân công trình diễn theo thứ tự trong lễ hội – lại tập trung tại những địa điểm riêng của từng Odori-cho và tập luyện hàng giờ để chuẩn bị cho lễ hội. Đối với mỗi người dân nơi đây, việc luyện tập như vậy là để thể hiện tình cảm và sự tôn trọng của mình đối với 3 vị thần của đền Suwa.
Tôi không thể nào quên được cảm giác khi cầm máy ảnh chạy đến các địa điểm tổ chức sự kiện, giao lưu với người dân ở từng Odori-cho, xếp hàng đợi xem biểu diễn,... Từ ngày diễn ra sự kiện Niwamise đến ngày cuối cùng, tôi đã luôn muốn phát khóc vì cảm động. Quả thật, Nagasaki Kunchi đã đem đến những kỷ niệm khó phai.
Vào 7 giờ sáng ngày 7 tháng 10, nghi thức Hono-odori của lễ hội Nagasaki Kunchi được bắt đầu tại đền thờ Suwa. Mở màn là điệu múa quay vòng uyển chuyển với Kasaboko (chiếc ô lớn được trang trí các vật tượng trưng của Odori-cho) nặng hơn 100kg do một thanh niên trai tráng của Odori-cho biểu diễn. Chính sự phi thường này đã khiến bao nhiêu người xem phải thốt lên “ヨイーヤ” (nghĩa là “Tuyệt vời!”). Đặc biệt, khi chàng trai xoay chiếc ô thật nhanh khiến tấm vải che bay lên, cả quảng trường như vỡ tung bởi tiếng hò reo “フトーマワレ” (“Quay mạnh lên nào”) của quan khách. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến màn trình diễn với các Dashimono (các vật biểu diễn thể hiện lịch sử và hình ảnh của từng Odori-cho) vì đây chính là những màn tái hiện lịch sử và hình ảnh của Odori-cho sinh động nhất.
Những con thuyền mang hình dáng của từng Odori-cho chuyển động mạnh mẽ, những con rồng dài uốn mình uyển chuyển khắp mọi nơi trong thành phố, những vũ điệu cuốn hút đã khiến tôi – một người Việt Nam lần đầu tham gia lễ hội này – mải mê đuổi theo đến mọi góc nhỏ trong thành phố. Ngày hôm ấy, cả thành phố vang lên âm thanh cổ vũ “モッテコイ” (“Đừng đi! Lặp lại nữa đi”) – âm thanh thể hiện sự yêu mến của người xem đối với Nagasaki Kunchi.
Trong dịp này, tôi cũng có cơ hội gặp mặt ông Yamaguchi, chủ tịch phường Motoshikkui (本石灰町), để nghe ông chia sẻ thông tin về con thuyền Châu Ấn và mối lương duyên Việt – Nhật. Phường Motoshikkui là nơi có sự gắn kết sâu sắc với Soutarou Araki trong quãng thời gian dài Araki hoạt động mậu dịch ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Đàng Trong của Việt Nam bấy giờ. Chính vì mối lương duyên này, phường Motoshikkui đã quyết định lấy hình ảnh con thuyền Châu Ấn làm biểu tượng của mình trong lễ hội Nagasaki Kunchi.
Sau khi nhìn thấy con thuyền sẽ xuất hiện trong lễ hội Nagasaki Kunchi vào 4 năm sau (2020), tôi tự hứa với lòng sẽ đến đây lần nữa để được gặp lại con thuyền đầy ý nghĩa này. Và tôi ước mong tất cả những người Việt Nam yêu mến Nhật Bản đều sẽ có cơ hội đến Nagasaki ngay mùa lễ hội để được cảm nhận trọn vẹn những nét đặc sắc của Nagasaki Kunchi cũng như tình cảm của người dân nơi đây.
Nagasaki Kunchi và mối lương duyên với Việt Nam
Vào năm 2020, con thuyền Châu Ấn – vật biểu trưng cho mối lương duyên Việt – Nhật hơn 400 năm trước đây sẽ được tái hiện trong Lễ hội Nagasaki Kunchi qua màn trình diễn của phường Motoshikkui.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, con thuyền Châu Ấn đã liên tục cập bến cảng Hội An và hoạt động thương mại tại đây. Trong thời gian đó, Soutarou Araki – một chủ thuyền Châu Ấn đã kết hôn với công chúa Ngọc Hoa thuộc dòng dõi hoàng tộc chúa Nguyễn xứ Nam Hà (Đàng Trong của Việt Nam bấy giờ) và đã đưa nàng đến Nagasaki bằng con thuyền này.
Câu chuyện đã được tái hiện sinh động trong lễ hội Nagasaki Kunchi kể từ năm 1970 thông qua hình ảnh con thuyền Châu Ấn. Lễ cưới quốc tế Nhật – Việt đầu tiên này được thể hiện bởi các em nhỏ trong vai Soutarou Araki và công chúa Ngọc Hoa trong trang phục kimono và áo dài trên con thuyền Châu Ấn.
Những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội
Niwamise (庭見せ)
Sự kiện Niwamise diễn ra vào tối ngày 3 tháng 10 tại mỗi Odori-cho. Đến với sự kiện này bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn các Kasaboko, Dashimono, trang phục, đạo cụ, tranh treo,... và vật phẩm gửi tặng cho người trình diễn cùng với những lời chúc, lời cầu nguyện của người dân trong sân những ngôi nhà Nhật Bản xưa. Niwamise đưa người xem đến một xứ sở khác với những nét mới lạ của văn hóa đa sắc chỉ có tại Nagasaki.
Niizoroi (人数揃)
Từ 1 giờ chiều của ngày tiếp theo (tức là ngày 4 tháng 10), sự kiện Niizoroi sẽ diễn ra tại các địa điểm lớn của từng Odori-cho. Niizoroi là sự kiện trình diễn các tiết mục trước người dân Nagasaki nhằm thông báo rằng các Odori-cho đã sẵn sàng tham gia lễ hội. Những tiết mục đặc sắc được trình diễn trong sự kiện này đã khiến tôi háo hức tham gia ngày khai mạc lễ hội.
Okudari (お下り) & Onobori (お上り)
Từ 1 giờ chiều ngày 7 tháng 10, hình tượng 3 vị thần sẽ được rước đến Otabi-sou (khu vực gần cảng). Sự kiện này gọi là Okudari. Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao thần lại rời đền xuống núi? Thật ra qua sự kiện này, 3 vị thần có thể xem người dân Nagasaki có cuộc sống như thế nào. Vào ngày 9 tháng 10, ngày cuối cùng của lễ hội, từ 1 giờ chiều, hình tượng 3 vị thần lại được rước về đền thờ Suwa từ Otabi-sou trong một sự kiện khác gọi là Onobori.
Nguyễn Thị Cẩm Nhung/kilala.vn