Nhật Bản xưng "tôi" không chỉ là "tôi"?!
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Aki Kanou
Nguồn tham khảo: soranews24
Ảnh: unsplash.
Gần đây, một trang thông tin dành cho nữ giới Nhật Bản đã tiến hành khảo sát trên 100 người phụ nữ từ độ tuổi 30-39 xem họ thích đàn ông xưng hô theo cách nào nhất.
1. Ore
Không ngạc nhiên khi “ore” đứng đầu với 50% lượng phiếu bởi vì đây là cách xưng “tôi” mà bạn thường được nghe nhất trên phim truyền hình cũng như các tác phẩm anime nổi tiếng. Không giống như một số từ xưng khác, “ore” có âm điệu nam tính, và không mang đến cảm giác non nớt lại muốn tỏ ra chững chạc như “boku”.
2. Boku
Đây chính là cách xưng hô thường được nghe nhất trong những tác phẩm về trường học hay cuộc sống học đường. Vì thế “boku” giành được 30% sự yêu thích trên tổng số người khảo sát. Đây là đại từ nhân xưng được dạy trong hầu hết các khóa học tiếng Nhật. “Boku” mang đến cảm giác gần gũi hơn "watashi". Tuy nhiên, điều đáng chú ý là “boku” rất phổ biến ở Tokyo và phía đông Nhật Bản nhưng với phía tây nước Nhật thì không. Khi bạn đến Osaka, “boku” đôi khi được xem là đại diện cho một cậu học sinh cấp ba với bộ ria mép mỏng, chính là kiểu của một cậu trai mong muốn cho người khác thấy bản thân cậu ấy là đàn ông thực thụ.
3. Watashi
Chiếm 12% lượng phiếu bầu, “watashi” là từ xưng tôi dùng được cho cả nam và nữ. Tuy nhiên trong lòng các cô gái, có vẻ một chàng trai xưng “watashi” mang lại cảm giác lạnh lùng, xa cách hơn so với một anh chàng dùng “boku” hoặc “ore”.
4. Một số cách xưng khác
Một số từ ngữ xưng tôi khác cũng có mặt trong danh sách được yêu thích là “jibun”, “uchi”, “oira”, “wai” lần lượt với tỉ lệ yêu thích là 3%, 2% và 1%.
“Jibun” sử dụng cho thư từ liên lạc hoặc các trường hợp trang trọng sẽ ổn hơn nhưng khi dùng trong giao tiếp lại khiến chàng trai trông có vẻ cứng nhắc và nhàm chán. Về cơ bản “uchi” là một đại từ nhân xưng unisex. Đặc biệt tại vùng Kansai (miền trung nước Nhật, nhất là các khu vực quanh Osaka) “uchi” gắn liền với những người phụ nữ quyết đoán. Điều này có thể giải thích tại sao những người tham gia khảo sát không nghĩ từ này thích hợp cho một chàng trai. Còn “wai” khiến người ta liên tưởng đến những vùng quê buồn tẻ ở miền trung nước Nhật, đặc biệt là các vùng ven biển tỉnh Hyogo và biển nội địa Seto. Còn “oira” của phía đông Nhật Bản lại khiến bạn nghe như một đứa trẻ nông thôn bướng bỉnh từ hai thế hệ trước. Cả “wai” và “oira” có một điểm giống nhau làm cho bạn có vẻ lỗi thời.
Mặc dù “ore” chiếm cảm tình nhiều không có nghĩa là bạn có thể bỏ qua tất cả các từ xưng khác. Cuộc khảo sát đã hỏi phụ nữ họ thích đại từ xưng hô nào của nam giới, và hàm ý là nói về các tình huống xã hội chứ không phải môi trường chuyên nghiệp. Có thể “ore” có lợi thế trong một cuộc hẹn hò hoặc để nói chuyện với bạn gái, nhưng khi nói chuyện với một đồng nghiệp nữ vừa gặp thì không nên. Và chắc chắn không được xưng “ore” khi nói chuyện với sếp nữ trừ khi bạn đang làm việc ở một nơi mà mọi người rất thân thiết với nhau. Và hẳn bạn sẽ nghĩ bản thân không bao giờ phải sử dụng wai, oira hoặc uchi. Tuy nhiên, nếu bạn giao tiếp bằng tiếng Nhật, bạn nên làm quen với việc sử dụng “jibun” và “watashi” cho các cuộc đối thoại lịch sự.
kilala.vn