Ngày của Mẹ có nguồn gốc từ đâu?
Có nhiều giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của ngày kỷ niệm này. Nhưng câu chuyện của cô Anna Marie Jarvis là được nhiều người biết đến nhất và cũng được công nhận là nguồn gốc bắt đầu cho Ngày của Mẹ như hiện nay.
Anna Marie Jarvis là người đã khởi xướng Ngày của Mẹ vào những năm đầu 1900. Mẹ cô là bà Ann Maria Reeves Jarvis, giáo viên tại trường học của Nhà thờ Thánh Andrew ở bang Tây Virginia. Bà đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là cho những người phụ nữ và các bà mẹ trong thời kỳ Nội chiến Mỹ. Bà Ann qua đời năm 1905 tại bang Philadelphia. Ba năm sau khi bà Ann qua đời, năm 1908, cô Anna đã làm một lễ tưởng niệm nhỏ cho mẹ tại Nhà thờ Thánh Andrew. Khi đó, cô đã mang theo hoa cẩm chướng mà bà Ann thích nhất đặt lên bàn thờ. Có lời kể rằng, cô còn mang theo 500 bông hoa cẩm chướng để tặng cho những người mẹ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ.
Việc làm của cô Anna đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Chính cô cũng luôn nỗ lực để lan truyền ngày lễ ý nghĩa này đến khắp nơi. Năm 1910, Ngày của Mẹ lần đầu tiên được công nhận ở bang Tây Virginia, cũng là quê hương của cô Anna Marie Jarvis. Đến năm 1914, Quốc hội lưỡng viện Mỹ và Tổng thống Woodrow Wilson đã thông qua bản nghị quyết chính thức công nhận ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ. Từ đó, ngày lễ này bắt đầu được lan truyền trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng kỷ niệm Ngày của Mẹ vào Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 mà tùy theo lịch sử và quá trình phát triển xã hội của nước đó mà có ngày kỷ niệm riêng.
Ngày của Mẹ ở Nhật bắt đầu từ khi nào?
Năm 1913, Ngày của Mẹ lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật ở trường Aoyama Gakuin. Bà Anna Maria Jarvis đã gửi thư tín đến trường Aoyama Gakuin để cảm ơn những cống hiến của các nữ tu ở trường Aoyama Gakuin vào thời điểm đó. Đây cũng được xem là nguồn gốc của Ngày của Mẹ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trong một thời gian dài ngày này luôn được xem là một ngày lễ riêng của những tín đồ Thiên Chúa giáo.
Năm 1931 (năm Showa 6), Hội liên hiệp phụ nữ Nhật Bản được thành lập. Khi đó, hội đã chọn ngày 6/3, ngày sinh nhật của Hoàng hậu Kojun, vợ của Thiên hoàng Showa, để làm Ngày của Mẹ, nhưng ngày này lại không phổ biến lắm.
Năm 1937, công ty sản xuất bánh kẹo Morinaga đã tổ chức Đại hội Ngày của Mẹ Morinaga vào ngày 8/5. Đây vốn là một chiến dịch quảng cáo của công ty này, những đứa trẻ được bố mẹ đến đây sẽ được vui chơi và đổi bánh kẹo của công ty, nhưng trong sự kiện cũng có tiết mục tôn vinh những bà mẹ. Nên sự kiện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông thời đó và cũng đã làm lan rộng Ngày của Mẹ đến nhiều nơi ở Nhật Bản.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khoảng năm 1949, Ngày của Mẹ ở Nhật Bản được chính thức kỷ niệm vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 giống với Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Tại sao lại tặng hoa cẩm chướng vào Ngày của Mẹ?
Theo Thiên chúa giáo, hoa cẩm chướng là bông hoa được sinh ra từ nước mắt của Đức mẹ Maria, khi Đức mẹ theo Chúa Jesus ra pháp trường và nhìn Ngài bị đóng đinh trên thập giá. Vì vậy, loài hoa này tượng trưng cho tình yêu của người mẹ dành cho con. Thêm nữa, hoa cẩm chướng trắng được nói là đã sinh ra trước khi Chúa Jesus bị đóng đinh, còn hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho máu và sự phục sinh của Chúa Jesus.
Còn trong ngôn ngữ loài hoa thì hoa cẩm chướng cũng tượng trưng cho "Tình mẫu tử". Người ta cũng không biết rằng ý nghĩa này có từ khi nào, hay do ảnh tưởng từ câu chuyện của bà Anna Marie Jarvis. Thêm nữa, thời gian hoa nở cũng rơi vào khoảng tháng 5. Dường như có quá nhiều trùng hợp để loài hoa xinh đẹp này trở thành biểu tượng của Ngày của Mẹ. Có một phong tục mà mọi người truyền tai nhau rằnng, những người còn mẹ thì sẽ tặng cẩm chướng đỏ hoặc cẩm chướng hồng cho mẹ mình, còn những ai mất mẹ thì họ sẽ mang theo cẩm chướng trắng đến viếng mẹ.
Đương nhiên, ngày nay ngoài hoa thì còn có nhiều quà tặng khác mà bạn có thể tặng cho mẹ của mình như bánh ngọt, quần áo, mỹ phẩm,... nhưng dù là món quà nào thì cũng quên nói với mẹ rằng: "Cảm ơn mẹ. Con yêu mẹ rất nhiều." trong một ngày ý nghĩa như thế này nhé!
kilala.vn