Mizuura Mikuji: Quẻ bói nước độc đáo của Nhật Bản
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Hoàng Ngân Trang
Quẻ bói nước là gì?
Các đền, chùa ở Nhật Bản đều để sẵn một hộp chứa các lá xăm, trên đó sẽ ghi ngẫu nhiên các chữ “Đại Cát”, “Trung Cát”, “Tiểu Cát”, “Đại Hung”, “Trung Hung”, “Tiểu Hung”, theo thứ tự từ rất tốt đến rất xấu. Khách du lịch thường đến xin xăm chủ yếu để kỷ niệm, nhưng nhiều người bản địa, nhất là học sinh thường đến xin một quẻ để tiên đoán vận may trước mỗi kỳ thi quan trọng. Nếu lấy phải quẻ “Hung”, người Nhật buộc nó lên một cành cây trong đền, chùa để các vị thần phù hộ.
Với quẻ bói nước "水占みくじ – Mizuura Mikuji", việc xin xăm và ý nghĩa đều giống với bình thường, nhưng để đọc kết quả, người xin quẻ phải mang ra bồn nước tại các đền chùa để ngâm vào rồi mới đọc được. Một số đền chùa cho phép khách đến thăm mang một ít nước về để có thể ngâm quẻ bói ở nhà nếu muốn đọc lại. Đặc biệt, Mizuura Mikuji chỉ xuất hiện vào mùa hè, bạn sẽ không nhìn thấy chúng vào mùa đông. Lý do phổ biến nhất thường là để mọi người tránh phải nhúng tay vào nước khi trời lạnh.
Vì sao lại có quẻ bói nước?
Mùa hè ở Nhật Bản thường là mùa mưa, đặc biệt là vào tháng Sáu. Khi đó, những quẻ bói bằng giấy thông thường nếu chẳng may bị ướt thì khá bất tiện cho người xin xăm. Vì vậy, các ngôi đền và chùa ở Nhật đã tạo ra quẻ bói nước để người xem thuận tiện sử dụng trong mùa hè.
Người Nhật còn có cách giải thích khác cho sự ra đời của quẻ bói nước với ý nghĩa tâm linh sâu xa. Tại Nhật Bản, nước được coi là thứ vô cùng trong sạch, thường dùng để thanh tẩy tội lỗi cũng như điềm xấu. Chính vì vậy, trong những ngôi đền hoặc chùa, họ đặt những bồn rửa tay để khách viếng thăm tẩy uế cơ thể và tâm hồn trước khi bước vào bên trong. Chính bởi niềm tin này mà người Nhật coi cách nhúng lá xăm vào nước giống như đang rửa đi những thứ cản trở vận mệnh con người, từ đó người xem quẻ có thể nhìn thấy điều thần linh mách bảo.
Ngoài ra, nguồn nước ở Nhật cũng được xem như một dạng kết nối giữa người với người. Lễ hội Tanabata thường được tổ chức vào mùa hè nên nó được xem như mùa dành cho đôi lứa giao duyên. Do đó, quẻ bói nước dùng trong mùa hè là một loại bùa tình duyên đặc biệt. Các vị sư hy vọng những lá xăm này sẽ giúp người xem quẻ thuận lợi trong chuyện tình cảm cũng như gặp được ý trung nhân.
Tìm quẻ bói nước ở đâu?
Đền, chùa có quẻ bói nước ở Nhật Bản không nhiều nhưng cũng không quá ít, hãy cùng Kilala điểm qua một số ngôi đền nổi tiếng về Mizuura Mikuji!
Đền Kifune, Kyoto
Đây một trong những ngôi đền có quẻ bói nước nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Ban đầu, những lá xăm nước tại ngôi đền được làm ra để cầu nguyện mưa thuận gió hòa cho một mùa màng bội thu. Về sau, chúng trở thành quẻ bói cầu duyên được dân chúng vô cùng ưa chuộng và tin tưởng. Đặc biệt, lá xăm nước tại đền Kifune được ngâm trong chính nguồn nước suối thiêng liêng lấy từ núi Kifune. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây, đừng quên rút thử một quẻ, biết đâu nó sẽ giúp bạn gặp được tri kỷ đời mình.
Đền Ikuta, thành phố Kobe, tỉnh Hyogo
Một ngôi đền khác cũng nổi tiếng không kém với quẻ bói nước cầu duyên chính là đền Ikuta ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo. Nơi đây thờ nữ thần may vá Wakahirume no Mikoto. Trong quan niệm của người Nhật, hình ảnh những sợi vải kết nối với nhau giống như nhân duyên giữa người với người. Vì vậy, nhiều người đến đền Ikuta vừa để cầu duyên vừa để xem trước đường tình duyên của mình. Với hoạ tiết hình trái tim màu hồng được in trên quẻ bói, các lá xăm nước tại đền Ikuta trở nên dễ thương hơn so với ở các ngôi đền khác.
Đền Chichibu, tỉnh Saitama
Đền Chichibu vốn nổi tiếng với những bức điêu khắc sống động và rực rỡ như “Chim cú Hokushin”, “Rồng giao nhau”, “Hổ dạy con”… giúp mang tới vận may cho khách tham quan. Bên cạnh đó, quẻ bói nước của đền cũng rất được du khách yêu thích. Chúng được ngâm trong mạch nước ngầm bắt nguồn từ núi Buko.
Ngôi đền này còn một loại xăm đặc biệt nữa được gọi là "Mayu Mikuji – Quẻ bói nhộng". Những lá xăm được giấu kỹ trong kén nhộng làm từ vải, người xem phải bóc nó ra mới đọc được kết quả.
Xem thêm: 6 địa điểm cầu duyên nổi tiếng ở Nhật Bản
kilala.vn