Lễ Shichi-go-san: Ngày chúc phúc cho những đứa trẻ
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Quỳnh Trịnh/ Ảnh: PIXTA
Mọi đứa trẻ đều thuộc về Thượng Đế
Shichi-go-san trong số đếm của Nhật là 7, 5 và 3, đây cũng được xem là những cột mốc quan trọng đối với mỗi đứa trẻ theo quan niệm của người Nhật Bản. Vào thời kì Edo, Nhật Bản đã phải đối mặt một vấn đề vô cùng nghiêm trọng khi tỉ lệ sinh tồn của trẻ sơ sinh ở mức quá thấp, ước lượng chỉ có khoảng 50% số trẻ em có thể bình an mà lớn lên. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các gia đình thường dân mà còn có cả những gia đình quý tộc. Nguyên nhân phần lớn là do các chứng bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, sởi,... Chính vì vậy, người Nhật bắt đầu xuất hiện quan niệm: “Khi chưa tròn 7 tuổi, mọi đứa trẻ đều thuộc về Thượng Đế”.
Lễ Shichi-go-san được cho rằng bắt nguồn từ thời kì Edo. Theo lịch sử ghi chép, tướng quân Tokugawa Iemitsu có một người con trai rất ốm yếu, ông luôn lo lắng về sức khỏe của con. Khi đứa trẻ lên 5 tuổi, tướng quân Tokugawa đã đến đền thần để cầu nguyện cho con. Từ đó, trong dân gian cũng bắt đầu tổ chức nghi lễ này hằng năm để cầu nguyện cho những đứa trẻ có thể bình an qua 7 năm đầu đời. Cũng vì vậy, ở Nhật Bản ngày xưa, cha mẹ sẽ không ghi tên con vào hộ khẩu cho tới khi con mình trải qua lễ Shichi-go-san vào năm chúng lên 7.
Vào ngày này, những đứa trẻ sẽ được tặng một túi kẹo Chitose-ame, tượng trưng cho sự trường thọ. Kẹo được đặt trong một chiếc túi giấy có in hình chim hạc và rùa, vốn là biểu tượng cho cuộc sống bền lâu ở Nhật. Quà tặng này có ý nghĩ chúc phúc cho các bé sẽ lớn lên bình an và khỏe mạnh.
Cột mốc 3 - 5 - 7 có ý nghĩa như thế nào?
+ 3 tuổi
Ở thời Heian, ngày thứ 7 sau khi một đứa trẻ được sinh ra thì cha mẹ sẽ cạo tóc của bé. Các bé sẽ để đầu trọc cho đến năm 3 tuổi. Bắt đầu từ năm 3 tuổi thì các bé sẽ bắt đầu được để tóc nên cha mẹ sẽ tổ chức cho các bé nghi lễ Kami-oki (Nghi lễ để tóc). Hiện nay thì tập quán cạo tóc không còn được duy trì, nhưng 3 tuổi vẫn là một cột móc đối với những đứa trẻ, vì vào tuổi này chúng sẽ bắt đầu được đi học và tiếp xúc với xã hội.
+ 5 tuổi
Ngày xưa, người Nhật sẽ tổ chức lễ mặc hakama lần đầu tiên cho những đứa trẻ từ 3 đến 7 tuổi, bất kể là bé trai hay bé gái. Nghi lễ này được gọi là Hakama-gi hoặc Chakko.
Đến thời Edo, thì nghi thức mặc hakama lần đầu chỉ dành cho bé trai 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay trong hoàng cung vẫn tổ chức nghi lễ này theo nghi thức truyền thống.
+ 7 tuổi
Vào thời Kamakura, những bé gái 7 tuổi sẽ được cha mẹ tổ chứclễ Obi-toki (Lễ thắt obi). Trước 7 tuổi, các bé gái khi mặc kinomo chỉ dùng một sợi dây đơn giản để thắt lại, sau khi được tổ chức nghi lễ thì các bé sẽ được thắt obi như người lớn. Vì thế, đây được xem là một cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của những bé gái.
Ngày nay, ý nghĩ của ngày lễ Shichi-go-san không còn nặng nề như xưa, nó được xem là một dịp để các bậc cha mẹ cảm tạ thần linh vì đã bảo vệ những đứa trẻ bình an lớn lên. Cột mốc 3 - 5 - 7 được xem là thời điểm quan trọng đối với mỗi đứa trẻ và cả đối với các bậc cha mẹ. Được nhìn con mình bình an khôn lớn, được cùng con trải qua một trong những nghi thức quan trọng trong đời, chính là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của những người làm cha mẹ.
kilala.vn