Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Kimono, tôn vinh nét đẹp cao nhã

Văn hóa Nhật Bản    • Dec 31, 2017

Bài: Mayu Senda/ Biên dịch: Lê Mai
Ảnh: PIXTA

Nhắc đến trang phục truyền thống Nhật Bản là nhắc đến Kimono. Được xem là tuyệt tác thanh tao của kỹ thuật nhuộm-dệt với đường nét phù hợp với vóc dáng người Nhật Bản, chiếc Kimono giúp cử chỉ của người mặc trở nên khoan thai, nhã nhặn hơn. Có thể nói, văn hóa Nhật Bản được cô đọng chỉ trên một tấm áo, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng phảng phất nét đẹp xứ Phù Tang. Biết đến Kimono là biết đến Nhật Bản. Mời bạn rảo bước vào thế giới của những chiếc Kimono đầy tinh tế này.

Kimono theo dòng lịch sử

lịch sử Kimono
(Ảnh: PIXTA)

Người ta cho rằng, nguyên mẫu của Kimono ngày nay là Kosode (小袖) - loại trang phục có hình dáng như một chiếc áo Yukata đơn giản, được giới quý tộc sử dụng làm áo mặc lót trong khoảng thời gian từ thế kỉ 12 đến 15. Về sau, Kosode dần trở thành trang phục mặc ngoài thông thường. Kosode của những người có xuất thân cao quý còn được đính thêm những chi tiết trang trí sang trọng như họa tiết thêu tay. Chỉ khi đến thời Edo, thường dân mới bắt đầu có cơ hội được mặc loại Kosode tinh tế này. Đương thời, cùng với sự phát triển vượt bậc của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, những thiết kế Kosode tân tiến và độc đáo cũng được “khai hoa nở nhụy”. Kosode dần phát triển và rẽ nhánh thành các loại Kimono ngày nay như Furisode. Tuy nhiên, đến thời Meiji (thế kỉ 19), làn sóng văn hóa Tây dương du nhập ồ ạt vào Nhật Bản. Thay cho những bộ Kimono, dép Zori, quý tộc Nhật bắt đầu sử dụng váy đầm và giày dép Tây Âu như trang phục chính thống. Sau đó 1 thế kỉ, ngay cả người bình thường cũng mặc trang phục phương Tây, chiếc Kimono dần vắng bóng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy phần đông người Nhật chỉ diện Kimono vào các dịp lễ quan trọng như lễ thành nhân, cưới hỏi hay trong các nghi thức nghệ thuật truyền thống như Trà đạo, Hoa đạo, nhưng những năm gần đây, ngày càng có nhiều người nhận thức được giá trị tinh thần quan trọng của chiếc Kimono và vui thích sử dụng chúng như trang phục thường ngày.

/banner

Hỏi & đáp về Kimono

Q1: Kimono và Yukata có khác nhau?

sự khác nhau giữa Yukata và Kimono
Yukata (trái) và Kimono (phải) (Ảnh: PIXTA)

Yukata là một loại Kimono, tuy tương đồng về hình thức và cách sản xuất nhưng cũng có sự khác biệt đáng kể. Vào mùa hè, bạn sẽ bắt gặp nhiều cô gái xúng xính trong chiếc Yukata rực rỡ nhưng đây vốn là loại trang phục dùng để mặc ngủ như trong các lữ quán Nhật Bản. Mặc dù Yukata chỉ cần mặc một lớp ngay cả khi ra ngoài, nhưng khi mặc Kimono cần có loại đồ lót đặc biệt gọi là Juban và chân cũng phải đi tất. Cần lưu ý, bạn sẽ bị xem là bất lịch sự khi mặc Yukata đến những nơi trang trọng.

Q2: Kimono có giới hạn tuổi tác hay không?

Về cơ bản, Kimono không phân biệt tuổi tác. Trước đây, người Nhật thường cho rằng những chiếc Kimono có hoa văn và màu sắc giản dị sẽ phù hợp với những người đã đứng tuổi hơn, nhưng những năm gần đây, nhiều cô gái trẻ có khuynh hướng thích mặc những bộ Kimono như vậy bởi sự nhã nhặn và trang trọng của chúng. Do đó bạn có thể lựa chọn chiếc Kimono hợp nhãn với mình mà không cần quá câu nệ tuổi tác.

Q3: Kimono của người đã kết hôn và chưa kết hôn có gì khác nhau?

Có 2 đặc điểm có thể dùng để phân biệt Kimono dành cho người đã kết hôn và chưa kết hôn: màu sắc trang phục và kiểu dáng của tay áo. 

Về màu sắc, thông thường những chiếc Kimono có gam màu sáng và rực rỡ sẽ được dùng cho những cô gái trẻ chưa kết hôn. Trong khi đó, Kimono dành cho phụ nữ đã kết hôn sẽ có tông màu giản dị và trầm nhã hơn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện nay người Nhật thường không khắt khe đối với điểm này lắm.

Về kiểu dáng tay áo, loại áo dành riêng cho những cô gái chưa chồng thường có tay áo rộng và dài, chẳng hạn như Furisode. Trong khi đó, giống như kiểu áo Tomesode, trang phục dành cho phụ nữ đã có chồng sẽ có tay áo ngắn và hẹp. Do đó, một người phụ nữ khi chưa kết hôn thì không nên mặc Tomesode, và ngược lại, một người phụ nữ đã kết hôn rồi thì không nên mặc Furisode. 

Q4: Điểm nào cần phải đặc biệt lưu ý khi mặc Kimono? 

Nguyên tắc cơ bản khi mặc Kimono dành cho người bình thường là vạt áo trái đè lên trên vạt áo phải, còn Kimono mặc cho người chết thì ngược lại. Nguyên tắc này đã được quy định chặt chẽ từ năm 719 và kéo dài cho đến tận ngày nay. 

Q5: Khi mặc Kimono thì phải đi vệ sinh như thế nào?

Vấn đề khó khăn nhất khi mặc Kimono chính là đi vệ sinh. Trong trường hợp này, trước hết cần phải tóm gọn ống tay áo dài (đối với các bộ như Furisode), sau đó kẹp chúng vào Obi hoặc sợi dây thắt trên Obi. Nếu có mang theo kẹp để cố định ống tay áo lại thì càng tốt. Tiếp theo, lần lượt cầm từ các lớp Uwamae, Shitamae và Nagajuban lên, giữ chắc trên tay sao cho không bị rớt. Khi ngồi xuống, để bộ khung áo ban đầu không bị đẩy ngược lên, người mặc cũng cần phải cử động thật nhẹ nhàng và thận trọng. 

Q6: Những quy cách khi mặc Kimono trong Trà đạo

mặc Kimono trà đạo

A. Ngồi xuống & đứng lên

1) Khi ngồi, ngón cái chân phải đặt nhẹ lên ngón cái chân trái. Tay phải cũng đặt bên trên tay trái.

2) Khi đứng lên, từ từ nhón các đầu ngón chân, 2 bàn tay đặt trên đùi, lưng thẳng, trọng tâm  dồn vào đầu gối.

3) Rướn các đầu ngón chân làm bàn đạp để nâng cơ thể lên. (*)

4) Khi đứng thẳng dậy, dù 2 bàn chân đang ở vị trí trên dưới nhưng đầu ngón chân vẫn phải chụm vào nhau. Tay đặt như bước 1, giữ thẳng lưng.

(*) Tùy vào vị trí người ngồi mà quyết định bước chân nào lên trước (Từ ngoài bước vào phòng: chân phải; trong phòng bước ra ngoài: chân trái)


B. Cầm chén trà

Đặt chén trà lên lòng bàn tay trái, tay phải chạm nhẹ vào thành chén.

Vị trí chén trà ngang với vị trí buộc dây Obi-jime.

Lưu ý: lòng bàn tay trái khum tự nhiên, các ngón tay phải không miết chặt vào thành chén mà chỉ chãm nhẹ nhàng. Các ngón tay đều phải duỗi thẳng tự nhiên.


C. Bái lễ

Từ tư thế ngồi ở phần A, đặt 2 bàn tay về phía trước, chụm các đầu ngón tay lại tạo thành hình tam giác và từ từ ngả cả thân người xuống.

Lưu ý: cố gắng giữ cho đầu và lưng trên cùng một đường thẳng. Có 3 góc độ khi chào: 15o, 30o và 45o, theo mức độ trang trọng tăng dần. Trong ảnh là 45o.

Mayu Senda / kilala.vn


Đón xem trên Kilala vol.17:  

Các loại Kimono
Ngất ngây với Kimono cổ điển

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top