Khẩu trang ở Nhật bắt đầu được sử dụng từ khi nào?
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Quin
Nguồn tham khảo: trilltrill.jp, weathernews.jp
Hình: PIXTA
Khẩu trang xuất phát từ phương Tây
Khẩu trang bắt đầu được sử dụng như một dụng cụ y tế từ khoảng cuối thế kỷ 19 ở các nước phương Tây. Theo một bài báo của Bloomberg năm 1878, bác sĩ nội khoa ở New York, ông A.J. Jessup đã đưa ra ý kiến trong luận văn của mình là nên đeo khẩu trang bằng vải bông (cotton) để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Sau đó, vào năm 1897, có một bài luận văn được đăng tải kêu gọi các bác sĩ nên đeo khẩu trang trong khi phẫu thuật. Năm 1905, bác sĩ nội khoa Alice Hamilton ở Chicago một lần nữa đã kêu gọi y bác sĩ đeo khẩu trang khi phẫu thuật trong luận văn của mình.
Đến năm 1910, một sự việc xảy ra làm lịch sử thay đổi. Bác sĩ Wu Lien-Teh đã được mời đến Mãn Châu, nơi mà bệnh dịch hạch đang lây lan rộng khắp vào thời điểm đó. Bác sĩ Wu Lien-Teh đã nhận thấy nguy cơ dịch bệnh bị lây nhiễm trong không khí là khá cao nên đã tạo ra một loại khẩu trang mà cả y bác sĩ lẫn người thường đều có thể dùng. Loại khẩu trang này dày hơn một chút so với khẩu trang trước đó, nhưng vẫn có thể đeo khi ra ngoài.
Đến khi Đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát trên thời thế giới vào năm 1918 thì khẩu trang chính thức bắt đầu trở thành đồ vật được dùng phổ biến.
Khẩu trang y tế ở Nhật được sử dụng bắt đầu từ khi nào?
Theo Tổ chức phi lợi nhuận Liên đoàn Công nghiệp Thiết bị vệ sinh Nhật Bản cho biết, khẩu trang đã du nhập từ nước ngoài vào Nhật Bản trong khoảng đầu thời đại Meiji. Tuy nhiên, những chiếc khẩu trang đầu tiên không được sử dụng trong y tế mà là để ngăn bụi bẩn.
Thời điểm khẩu trang được sử dụng với chức năng phòng ngừa lây nhiễm bệnh là khi Đại dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu bùng phát ở Nhật. Ở các tỉnh thành, chính quyền đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang bằng nhiều cách khác nhau như sử dụng áp phích, thông báo của xe điện, quảng cáo ở các rạp hát,... Trong đó, áp phích kêu gọi nổi tiếng là áp phích của chính phủ vẽ những người đeo khẩu trang màu đen khi đang ở trên phương tiện giao thông công cộng, với dòng chữ "マスクをかけぬ命知らず!" (Tạm dịch: Không đeo khẩu trang là coi thường tính mạng).
Sau đó, khẩu trang dần thâm nhập vào đời sống của người Nhật. Đến năm 1934, khi dịch cúm lại bùng phát thì khẩu trang trở nên phổ biết hơn. Ngoài ra, ở Nhật có rất nhiều người bị bệnh dị ứng phấn hoa vào mùa xuân, nên khẩu trang y tế cũng đã trở thành một món đồ "không thể bỏ quên" của người Nhật. Trong suốt giai đoạn này, từ khẩu trang vải người ta mới phát triển ra loại khẩu trang y tế như ngày nay.
Có một điều mà dường như hầu hết các nước trên thế giới đều có chung phản ứng là chê cười và từ chối đeo khẩu trang. Ở các nước phương Tây, thời gian đầu khi các bác sĩ kêu gọi đeo khẩu trang trong khám chữa bệnh hay phẫu thuật thì nhiều nhân viên y tế đã từ chối và cho rằng nó không cần thiết. Trải qua những trận đại dịch lịch sử, vai trò của khẩu trang trong cuộc sống cũng được công nhận. Đơn cử như đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn thế giới, ban đầu rất nhiều người đã từ chối việc đeo khẩu trang vì cảm thấy nóng và khó thở khi đeo, nhưng công dụng của nó trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lân là đều không thể chối cãi.
kilala.vn