Nếu bạn là người yêu thích các địa điểm linh thiêng tại Nhật Bản, đừng quên sắm cho mình Goshuincho – cuốn sổ thu thập con dấu và thư pháp của đền chùa khi ghé thăm những nơi này.
Mỗi ngôi đền, chùa tại xứ sở Phù Tang đều sở hữu những thiết kế con dấu đặc trưng riêng, chính vì thế, "Goshuincho - 御朱印帳" không chỉ là một nét văn hóa mà đó còn là hình thức sưu tập thú vị. Nó như một cuốn sách để ghi dấu lại những nơi linh thiêng mà bạn đã từng đi qua, với những câu chuyện và kiến trúc tuyệt đẹp ở nơi ấy. Trong đó "Goshuin – 御朱印" , tức con dấu đền chùa, được xem như một “chứng chỉ” xác nhận chuyến viếng thăm của bạn. Đây cũng là biểu tượng cho mối quan hệ giữa con người và các vị thần. Theo tục lệ ngày xưa, để có được con dấu, các vị khách sẽ phải sao chép cuốn kinh bằng tay và dâng cho chùa. Tuy nhiên, ngày nay, du khách có thể nhận được những con dấu khi trả một khoản phí.
Lựa chọn Goshuincho
Goshuincho có hai kích thước là 16x11cm và 18x12cm. Bạn có thể mua những cuốn sổ này tại bất cứ đền thờ, chùa, các hiệu sách lớn với giá giao động từ 1.000 - 2.000 yên. Tuy nhiên, nhiều người có kinh nghiệm chia sẻ rằng, mua Goshuincho tại một ngôi đền/chùa mà bạn thường xuyên viếng thăm hoặc cảm thấy có duyên đối với nơi đó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Bìa của những cuốn sổ này có thể làm bằng vải trơn hay thêu chỉ lụa màu, giúp du khách có nhiều sự lựa chọn phù hợp với sở thích của mình. Trên bìa trước thường có nhãn “Goshuincho”, phía sau sẽ ghi tên ngôi đền/chùa nơi bạn đã mua. Để bảo vệ cuốn sổ khỏi bụi bẩn, mưa gió, nhiều nơi sẽ bán kèm túi vải để lưu giữ những cuốn sổ.
Sử dụng Goshuincho
- Chọn một ngôi đền/chùa nổi tiếng: Không phải nơi nào tại Nhật cũng cung cấp các con dấu. Nếu bạn là khách du lịch nước ngoài, không có quá nhiều thời gian nhưng vẫn muốn lưu giữ lại Goshuin, hãy chọn thật kĩ những nơi bạn muốn ghé. Nếu có thể, hãy tham khảo trên trang web chính của những ngôi đền/chùa để kiểm tra dịch vụ của họ.
- Tại khu vực đóng dấu, đưa cuốn sách với trang trống mà bạn muốn đóng dấu. Ngay cả khi không nói được tiếng Nhật, chỉ cần một câu đơn giản “Onegai shimasu - お願いします” sẽ có thể truyền đạt những gì bạn muốn. Một số nơi yêu cầu bạn để lại Goshuincho của mình tại văn phòng hoặc quầy lễ tân và nhận cuốn sổ ở lối ra. Trong trường hợp này, bạn thường sẽ được cấp một con chip với con số trên đó để nhận dạng. Nếu điện thờ đông đúc, việc phải chờ 10-20 phút là điều dễ hiểu. Hãy tận dụng tối đa thời gian này bằng cách khám phá thêm về ngôi đền, chùa và khung cảnh xung quanh.
Lưu ý:
- Đền chùa là những nơi thờ cúng và Goshuin đại diện cho việc hoàn thành một cuộc viếng thăm, vì vậy điều quan trọng là bạn phải thực sự tương tác với ngôi đền trong chuyến đi này. Hãy làm mọi thứ bằng sự thành kính và tận hưởng không gian cũng như câu chuyện của chốn linh thiêng.
- Một số người cho rằng không nên trộn tem của đền và chùa trong một cuốn Goshuincho. Quy tắc này có thể do một sắc lệnh có từ thời Minh Trị (1868-1912) hoàn toàn tách rời Thần đạo khỏi Phật giáo. Một số nơi có thể từ chối việc ký một cuốn sổ với những con dấu hỗn hợp. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm nên du khách không cần quá lo lắng.
- Không sử dụng sổ ghi chép thông thường.
- Yên lặng chờ đợi trong quá trình đóng dấu.
- Hãy gửi lời cảm ơn đến những người đã cho bạn con dấu.
- Không bán lại các con dấu.
- Đa phần những ngôi đền/chùa sẽ viết hoặc đóng trực tiếp những con dấu lên cuốn sổ của bạn. Tuy nhiên một vài nơi sẽ viết trên tờ giấy riêng và bạn cần dán chúng vào Goshuincho.
Xem thêm: 4 ngôi đền độc đáo nhất Nhật Bản
kilala.vn