Chiếc lồng đèn - Osamu Dazai
Văn hóa Nhật Bản
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ/ Minh họa: ©ilbusca/iStockphoto
Truyện ngắn "Chiếc lồng đèn" vô cùng cảm động của Osamu Dazai được chúng tôi dịch từ nguyên tác "Toro" (燈籠) in từ trang 7 đến trang 16 trong tuyển tập "Nữ sinh" (女生徒), NXB Kadokawa ấn hành năm 2009. Khả năng nắm bắt tâm lý phụ nữ của Dazai phải gọi là bậc thầy. Và cũng như "Nữ sinh", người phụ nữ trong truyện "Chiếc lồng đèn" hiện lên rất sắc nét và mạnh mẽ với những đoạn độc thoại nội tâm vô cùng sắc sảo. Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Càng nói thì người ta càng không tin tôi. Những người tôi gặp, ai cũng đề phòng tôi cả. Cho dù tôi nhớ nhung muốn gặp mặt mà tìm đến chơi thì đều bị người ta nhìn bằng vẻ mặt như thể không biết tôi đến làm gì vậy. Tôi không tài nào chịu đựng nổi.
Thế nên tôi chẳng còn muốn đi đâu nữa. Ngay cả đến nhà tắm công cộng sát bên nhà, tôi cũng chờ trời tối mới dám đi. Tôi không muốn ai nhìn thấy mặt mình. Nhưng vào giữa mùa hè, dù trời có tối đi nữa thì chiếc Yukata của tôi vẫn cứ nổi lên trắng toát làm tôi vô cùng bối rối. Hôm qua đến hôm nay trời chuyển rét, sắp sửa vào mùa mặc Kimono vải xéc* rồi nên tôi định nhanh chóng chuyển sang mặc chiếc Hitoe đen. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh khi thu qua, đông tới, xuân tàn, mùa hè một lần nữa lại đến buộc tôi phải mặc chiếc Yukata màu trắng mà đi thì tôi lại cảm thấy u uất. Ít nhất từ giờ cho đến mùa hè năm sau, tôi muốn được đường hoàng bước đi trong bộ áo Yukata họa tiết hoa triêu nhan này mà không phải phập phồng lo sợ gì nữa, hay được trang điểm nhẹ nhàng và xen lẫn vào dòng người đi lễ hội Ennichi. Chỉ nghĩ đến niềm vui lúc đó thôi mà tim tôi đã đập rộn ràng.
Tôi đã ăn cắp. Đúng vậy đấy. Tôi không nghĩ mình đã làm chuyện tốt đẹp gì. Nhưng mà... Mà không, phải kể lại từ đầu đã. Tôi chỉ kể cho thần linh nghe thôi, chứ tôi không tin con người. Nếu ai tin vào câu chuyện này được thì hãy tin.
Tôi là con gái một của gia đình làm guốc nghèo. Tối hôm qua, đang ngồi trong bếp thái hành thì tôi nghe từ cánh đồng sau nhà có tiếng đứa bé vừa khóc vừa gọi “Chị ơi” vọng đến tai làm tôi dừng tay nghĩ ngợi. Nếu mình có một đứa em trai hay em gái vừa mếu máo vừa gọi mình như vậy thì chắc mình đã không cảm thấy cô đơn quạnh quẽ như thế này rồi. Mùi hành thấm vào mắt làm nước mắt nóng hổi ứa ra. Tôi dùng mu bàn tay lau làm mùi hành càng xộc thẳng vào, nước mắt đầm đìa chảy khiến tôi không biết làm sao.
Lời đồn thổi rằng tôi là đứa con gái ích kỷ cuồng lên vì yêu xuất phát từ chị Kamiyui vào đầu năm nay, khi những cây anh đào đang độ trổ lá, hoa cẩm chướng và hoa diên vĩ bắt đầu đơm hoa nơi các sạp hàng đêm trong lễ hội Ennichi. Tuy vậy tôi vô cùng hạnh phúc. Vì anh Mizuno đã hứa chiều tối sẽ đến đón tôi nên tôi đã thay đồ, trang điểm cẩn thận từ khi trời còn nhá nhem rồi đi ra đi vào trước cửa nhà không biết bao nhiêu lần. Những người hàng xóm nhìn thấy bộ dạng đó của tôi thì chỉ trỏ, xì xầm, cười cợt rồi nói rằng con bé Sakiko nhà làm guốc bắt đầu cuồng lên vì yêu. Mãi sau này tôi mới biết. Cha mẹ tôi có vẻ đã mơ hồ nhận ra nhưng không nói năng gì cả. Tôi tuy đã hai mươi bốn tuổi rồi nhưng chưa về làm dâu nhà ai. Nhà tôi cũng không nhận ở rể vì nghèo quá. Tôi có nói chuyện với cha và biết mẹ tôi ngày xưa từng làm thiếp của một địa chủ có thế lực nổi tiếng trong vùng, nhưng sau đó lại quên ơn địa chủ mà đến với cha tôi, không bao lâu thì sinh tôi ra. Mặt mũi tôi chẳng giống cha cũng chẳng giống ông địa chủ. Tôi cũng hạn chế giao du với xung quanh và có thời gian bị mọi người xa lánh. Cũng phải, con gái của một gia đình như thế, xa lánh cũng là chuyện đương nhiên. Hơn nữa, với tình cảnh thế này, cho dù tôi được sinh ra trong gia đình quý tộc giàu có đi nữa thì có lẽ cũng bị lạnh nhạt mà thôi. Thế nhưng tôi không hề oán hận cha mẹ tôi. Tôi là con ruột của cha tôi. Mặc ai nói gì đi nữa tôi vẫn tin như thế. Cha mẹ rất thương yêu tôi. Tôi cũng rất thông cảm cho cha mẹ. Cha mẹ tôi là những người yếu đuối. Ngay cả với đứa con ruột là tôi đây mà họ cũng giữ kẽ phần nào. Lẽ ra mọi người phải xót thương cho những người lúc nào cũng yếu đuối và sợ sệt như thế. Vì cha mẹ, tôi luôn tự nhủ mình phải nhẫn nhục chịu đựng bất kể khổ sở hay cô đơn như thế nào. Thế nhưng từ sau khi quen biết anh Mizuno, tôi lại lơi lỏng phần nào trách nhiệm hiếu hạnh của mình.
Nói ra thì thật ngượng. Anh Mizuno nhỏ hơn tôi đến năm tuổi, là sinh viên của một trường thương nghiệp. Nhưng hãy tha thứ cho tôi. Tôi không biết làm sao khác cả. Vào mùa xuân năm nay, mắt trái tôi bị đau nên phải đi khám bác sĩ nhãn khoa gần nhà, rồi quen biết anh Mizuno trong phòng chờ khám bệnh. Tôi là kiểu con gái yêu ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh cũng bị đau mắt trái, băng mắt giống tôi vậy.
Cái dáng vẻ nheo nheo mắt khó chịu khi lật lật quyển từ điển nhỏ để tra từ của anh Mizuno sao mà dễ thương vô cùng. Có lẽ vì mảnh băng ấy mà mắt tôi trở nên mơ màng, khi nhìn lá cây dẻ rơi ngoài cửa sổ cũng thấy chúng như được bao bọc trong ánh sáng lung linh mà ánh lên xanh ngời, toàn bộ thế giới bên ngoài như tồn tại trong một đất nước cổ tích xa xăm, và gương mặt của anh Mizuno bỗng trở nên đẹp đẽ và quý phái như thể không thuộc về thế giới này chắc chắn chính là nhờ ma thuật của miếng băng trên mắt tôi khi ấy.
Anh Mizuno là cô nhi, không có ai quan tâm chăm sóc. Mẹ anh mất khi vừa sinh ra anh ở một hiệu thuốc Đông y, đến khi anh được mười hai tuổi, cha anh cũng qua đời, thế là cảnh nhà tan tác. Hai anh trai cùng chị gái của anh Mizuno đành chia tay nhau đến xin ở nhờ nhà họ hàng xa, còn anh Mizuno là em út thì được người quản lý của cửa tiệm nhận nuôi đến bây giờ. Dù hiện đang theo học trường thương nghiệp nhưng cuộc sống mỗi ngày của anh đều cô đơn u uất, chỉ có những lúc đi dạo với tôi là vui thôi, có lần anh Mizuno đã nhẹ nhàng nói với tôi như thế. Những chuyện thường ngày của anh cũng chẳng vui vẻ thoải mái gì. Anh nói đã hứa với bạn đi tắm biển vào mùa hè năm nay nhưng mà nét mặt chẳng vui gì, ngược lại còn trông có vẻ chán nản. Thế là đêm hôm đó tôi đã đi ăn cắp. Tôi ăn cắp một bộ đồ bơi nam.
Tôi lẻn vào cửa hàng bách hóa Daimaru lớn nhất trong khu phố, giả vờ xem trang phục mùa hè dành cho phụ nữ rồi thò tay lấy bộ quần áo bơi màu đen giấu vào trong nách và lặng lẽ bước ra ngoài. Nhưng đi được chừng một đoạn thì nghe đằng sau có tiếng gọi “Này, này” khiến tôi hoảng sợ đến mức muốn thét lên nên cắm đầu chạy như điên dại. Tôi nghe đằng sau có giọng hét lớn “Ăn cắp!”, rồi bị đánh mạnh vào vai và ngã xuống, khi tôi vừa quay mặt lại thì bị đấm vào má đến xây xẩm mặt mày.
Tôi bị dẫn đến đồn cảnh sát. Trước đồn cảnh sát, người người tụ tập đông như kiến cỏ. Toàn những người quen trong khu phố. Tóc tôi xổ ra, quần áo xộc xệch, lòi cả đầu gối ra, bộ dạng thảm hại vô cùng.
Viên cảnh sát bắt tôi ngồi trong căn phòng hẹp trải chiếu tatami trong góc đồn mà thẩm vấn tôi đủ điều. Đó là một người da trắng, mặt gầy, đeo kính gọng vàng trông rất khó ưa, chừng hai bảy hai tám tuổi. Sau khi hỏi tôi lần lượt tên tuổi, địa chỉ để viết vào quyển sổ tay, bất chợt hắn cười nhạt:
- Lần này là lần thứ mấy rồi hả?
Tôi điếng người. Không sao nghĩ ra câu trả lời. Nếu cứ ngơ ngác thế này mình sẽ bị tống vào nhà giam. Mình sẽ phải gánh lấy một tội danh rất nghiêm trọng. Tôi cố gắng tìm lời để biện hộ nhưng đầu óc cứ như lạc trong sương mù, không biết phải giải thích thế nào chứ không phải tôi run sợ đến mức đó. Những lời tôi nói ra như la hét, thật là thảm hại nhưng hễ mở lời là y như ma đưa lối quỷ dẫn đường, tôi lại bắt đầu nói liên tu cứ như phát cuồng lên vậy.
Tôi không thể nào vào tù được. Tôi có tội tình gì chứ. Mới hai mươi bốn tuổi đầu. Trong suốt hai mươi bốn năm tôi là một đứa con hiếu thảo. Tôi chăm lo cho cha mẹ rất cẩn thận chu đáo. Tôi làm gì sai chứ? Tôi chưa từng bị người khác chê bai sau lưng bao giờ. Anh Mizuno là một người rất tốt. Chắc chắn mai sau anh ấy sẽ thành đạt. Tôi biết rõ điều đó. Tôi không muốn anh ấy phải xấu hổ. Anh ấy có hẹn với bạn đi biển chơi. Tôi muốn làm cho anh ấy bằng người ta thì có gì là sai trái chứ. Tôi thật là ngu ngốc. Tuy ngu ngốc nhưng tôi sẽ chăm lo cho anh Mizuno đàng hoàng. Anh ấy là một người có xuất thân danh giá, khác hẳn với những người khác. Tôi thì sao cũng được, chỉ cần anh ấy có thể ngẩng cao đầu với đời thì tôi ra sao cũng được cả. Tôi có sứ mệnh của mình. Vì vậy tôi không thể vào tù. Hai mươi bốn qua tôi chưa từng làm chuyện gì xấu xa cả. Chẳng phải tôi đã luôn gồng gánh để chăm lo cho cha mẹ yếu đuối của mình sao? Không thể, tuyệt đối không thể. Tôi không thể vào tù. Không có lý gì tôi phải vào tù cả. Hai mươi bốn năm trời cố gắng nhẫn nhục thế mà chỉ một lần lỡ tay là hai mươi bốn năm, không, cả cuộc đời tôi trở nên điêu đứng sao? Không thể nào đâu. Nhầm lẫn đấy. Đối với tôi chuyện này kỳ lạ không sao hiểu nổi. Cả một cuộc đời chỉ có một lần đưa cánh tay phải ra thôi, thế là thành chứng cứ trộm cắp. Thật là hoang đường, quá sức hoang đường. Chẳng phải chuyện chỉ diễn ra trong hai, ba phút thôi sao? Tôi vẫn còn trẻ, còn cả cuộc đời phía trước. Tôi sẽ vẫn tiếp tục sống và nhẫn nhục chịu đựng cảnh nghèo khổ như trước đây. Chuyện chỉ có thế. Tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn là Sakiko của ngày hôm qua thôi. Chỉ một bộ đồ bơi thì gây tổn hại gì đến Daimaru chứ? Chẳng phải trên đời còn có những kẻ đang tâm lừa gạt người khác, bòn rút từng tờ một ngàn, hai ngàn yên, không, thậm chí là giẫm nát cả một cuộc đời mà vẫn được mọi người ca ngợi? Nhà tù dựng nên là vì ai? Là để tống giam những người không có tiền? Những người thật thà yếu đuối đó làm sao có thể lừa gạt người khác được? Vì họ chẳng đủ quỷ quyệt để lừa gạt người khác mà sống sung sướng nên dần dần trở nên bần cùng và làm những chuyện ngu ngốc như thế, lấy trộm hai yên, ba yên rồi phải đi tù năm năm, mười năm ròng. Ha ha ha, chẳng phải kỳ lạ sao? Chẳng phải nực cười sao?
Chắc tôi phát điên mất rồi. Chắc chắn là thế. Viên cảnh sát mặt xanh lè nhìn tôi trân trối. Thế là tự nhiên tôi có cảm tình với hắn ta. Vừa khóc, tôi lại vừa gượng gạo cười. Cứ như thể tôi là một kẻ mắc bệnh tâm thần vậy. Viên cảnh sát dường như cảm thấy rất khó xử nên cẩn thận dẫn tôi đến Sở cảnh sát. Tôi bị câu lưu một đêm, sáng hôm sau cha tôi đến đón tôi về, tôi được thả cho về nhà. Trên đường về cha tôi chỉ hỏi vỏn vẹn một câu là con có bị đánh không, ngoài ra không nói thêm gì nữa.
Khi xem số báo phát hành vào chiều hôm đó, mặt tôi đỏ nhừ đến tận mang tai. Tờ báo có đăng cả vụ việc của tôi. Tiêu đề viết là “Ăn cắp cũng có lý lẽ - Mỹ từ lệ cú và lập luận trôi chảy của thiếu nữ phái hữu khuynh biến chất”. Nhưng điều nhục nhã không chỉ có thế mà thôi. Những người hàng xóm cứ lảng vảng quanh nhà tôi mà ban đầu tôi không hiểu họ có ý gì nữa. Đến khi nhận ra họ đến rình mò động tĩnh của tôi thì tôi giận run người. Khi dần dần hiểu ra rằng hành vi nhỏ nhoi của mình đã trở thành sự kiện lớn đến mức nào, lúc đó nếu như trong nhà có thuốc độc thì có lẽ tôi đã bình thản mà uống ngay, hay nếu gần nhà có rừng trúc thì tôi đã điềm nhiên vào đó mà treo cổ tự vẫn. Khoảng hai ba ngày sau thì cửa hàng nhà tôi đóng cửa.
Không lâu sau đó tôi nhận được bức thư của anh Mizuno.
Trên đời này tôi là người tin tưởng Sakiko nhất. Nhưng Sakiko không được giáo dục đầy đủ. Tuy em là một cô gái có bản tính ngay thẳng nhưng hoàn cảnh đã khiến em có chỗ cư xử lệch lạc với con người thật của mình. Mặc dù tôi đã luôn cố gắng uốn nắn em nhưng quả nhiên trên thế gian có những điều không thể thay đổi được. Con người cần phải có học vấn. Vài ngày trước khi cùng nhau đi ra biển, tôi và người bạn đã luận bàn với nhau về sự cần thiết của lòng hướng thượng trong con người. Tương lai nhất định chúng tôi sẽ thành công. Từ nay về sau Sakiko cũng phải thận trọng trong hành vi của mình, đền bù dù chỉ một phần vạn cho tội lỗi mình đã phạm, phải biết ơn sâu sắc xã hội vì xã hội chúng ta chỉ ghét bỏ tội lỗi chứ không ghét bỏ kẻ phạm tội. Mizuno Saburo. (Đọc xong em phải đốt đi ngay nhé. Nhớ đốt cả phong bì nữa. Nhớ đấy!)
Đó là toàn văn bức thư. Tôi quên mất một điều là anh Mizuno vốn lớn lên trong cảnh giàu có.
Từng ngày từng ngày nhục nhã đau khổ cứ thế trôi qua, đến hôm nay tiết trời đã trở nên mát mẻ. Cha tôi nói bóng đèn trong nhà tối như thế này thì ảm đạm quá nên tối nay đã thay một bóng đèn sáng năm mươi candlepower vào chỗ cái bóng đèn dành cho gian phòng sáu chiếu cũ. Và rồi cả gia đình ba người quây quần ăn tối dưới ánh đèn đó. Mẹ tôi cứ đưa tay cầm đũa che trán rồi phấn khích không yên mà nói chói quá, chói quá đi thôi, còn tôi thì rót rượu mời cha mình.
Mặc dù tôi nhủ thầm với mình rằng hạnh phúc của gia đình mình chỉ nhỏ bé như việc thay bóng đèn trong phòng thôi nhưng tôi hoàn toàn không cảm thấy thống khổ gì cả. Ngược lại tôi còn cảm thấy cả nhà chúng tôi dưới ánh sáng của chiếc bóng đèn xoàng xĩnh này lại đẹp đẽ như chiếc đèn kéo quân vậy. Này, nếu muốn nhìn thì hãy đến nhìn đi, gia đình tôi thật đẹp đẽ. Một niềm vui thầm lặng dâng đầy trong ngực tôi, và tôi muốn loan báo điều đó cho cả đám côn trùng đang kêu rả rích ngoài vườn.
(*)Nguyên văn “セル”, phiên âm của chữ “serge”, loại vải đặc biệt dệt bằng sợi bông vải và tơ lụa để mặc vào đầu thu và đầu xuân.
Hoàng Long/kilala