Bàn tính gảy Soroban: Hơn 500 năm giúp người Nhật phát triển tư duy
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Natsume
Một số người nghĩ rằng bàn tính Soroban là một công cụ học tập dành cho trẻ em, nhưng người Nhật vẫn sử dụng Soroban thường xuyên trong đời sống. Đồng thời đây cũng là phương pháp được nhiều thần đồng tính toán sử dụng để rèn luyện trí não.
Soroban là gì?
“Soroban - 算盤” là tên một loại bàn tính cổ của người Nhật, lấy cảm hứng từ bàn tính Suanpan của Trung Quốc, du nhập vào Nhật Bản ở thế kỷ 14. Soroban bao gồm kí tự “算” có nghĩa là tính toán, dự toán, con số, cùng với kí tự “盤” có nghĩa là khay.
Bất chấp việc Nhật Bản là quốc gia công nghệ hàng đầu, người dân nước này vẫn giữ thói quen sử dụng bàn tính Soroban trong học tập, làm việc. Trên hết, bàn tính Soroban đã được nâng lên thành phương pháp Soroban giúp rèn luyện trí tuệ cho các em nhỏ.
Cấu tạo của bàn tính
Bàn tính này bao gồm các thanh dọc “Keta” và hạt, được gắn vào một khung gỗ/ nhựa và được chia thành 2 phần bởi 1 thanh ngang “Hari”. Phần trên mỗi cột có 1 hạt, mỗi hạt mang giá trị là 5, được gọi là “Go-dama - 五玉” (năm hạt). Phần dưới mỗi cột gồm 4 hạt, mỗi hạt mang giá trị là 1, gọi là “Ichi-dama - 一玉” (một hạt).
Các hạt thường có hình hai cạnh (hình nón kép). Chúng thường được làm bằng gỗ, mặc dù hạt của một số Soroban, đặc biệt là những loại được sản xuất bên ngoài Nhật Bản, có thể là đá cẩm thạch hay các loại đá khác, hoặc thậm chí là nhựa.
Các thanh giữ hạt Keta được gọi là thanh tính toán, số lượng thanh luôn là số lẻ và không bao giờ ít hơn 7. Một bàn tính Soroban cơ bản sẽ thường gồm 13 thanh nhưng cũng có thể tăng thêm tùy vào nhu cầu sử dụng.
Mỗi một phần của bàn tính đều có thể được làm từ nhiều vật liệu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các bảng tính ở Nhật đều được làm bằng gỗ, mây hoặc tre để các hạt có thể dễ dàng trượt trên đó. Chính vì thế, giá của một chiếc bàn tính Soroban sẽ tùy thuộc vào chất liệu làm ra nó.
Bàn tính gảy Soroban có một điểm đặc biệt hơn so với “người anh em” Trung Quốc đó là trên thanh ngang đánh dấu các chấm đơn vị, tượng trưng cho hàng đơn vị, hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ. Tùy theo độ lớn của phép tính mà chúng ta có thể chọn điểm nào là hàng đơn vị. Cách chọn sẽ theo thứ tự từ phải qua trái.
Cách xác định số trong bàn tính gảy
Tại mỗi thanh dọc gồm 1 Go-dama có giá trị là 5 và 4 Ichi-dama có giá trị mỗi hạt là 1, tổng cộng là 9. Vậy cách xác định số ở cột đơn vị là như thế nào?
0 = Các hạt nằm xa thanh ngang.
1 = Gảy 1 hạt Ichi-dama lên sát thanh ngang.
2 = Gảy 2 hạt Ichi-dama lên sát thanh ngang.
3 = Gảy 3 hạt Ichi-dama lên sát thanh ngang.
4 = Gảy 4 hạt Ichi-dama lên sát thanh ngang.
5 = Gảy hạt Go-dama xuống sát thanh ngang, các hạt Ichi-dama xa thanh ngang.
6= Hạt Go-dama và 1 hạt Ichi-dama sát thanh ngang.
7 = Hạt Go-dama và 2 hạt Ichi-dama sát thanh ngang.
8 = Hạt Go-dama và 3 hạt Ichi-dama sát thanh ngang.
9 = Hạt Go-dama và 4 hạt Ichi-dama sát thanh ngang.
Sau khi xác định được cột đơn vị, thì cột sát bên trái sẽ là hàng chục, tiếp là hàng trăm, hàng ngàn... Chính vì thế, các hạt của hàng chục sẽ là 10, 20, 30, 40, 50. Các cột tiếp theo sẽ tương tự như vậy.
Bởi vì hàng thấp nhất là hàng đơn vị nằm ở bên phải, nên khi đọc số sẽ theo quy ước đọc từ hàng lớn nhất, tức là theo thứ tự từ trái qua phải.
Soroban trong đời sống của người Nhật
Bàn
tính Soroban đã được dạy trong trường học hơn 500 năm, bắt nguồn từ
quan niệm xem việc học như một loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, sự du
nhập của phương Tây trong thời kỳ Minh Trị và sau Thế chiến II đã dần
thay đổi hệ thống giáo dục của Nhật Bản.
Kể từ đó, máy tính đã thay thế Soroban và các trường tiểu học không còn bắt buộc phải dạy học sinh cách sử dụng bàn tính gảy. Việc học Soroban chuyển từ các trường công lập sang các lớp học tư thục sau giờ học.
Tuy
nhiên hiện nay, nhằm khôi phục lại một phương pháp tính mang nhiều lợi
ích tốt đẹp, Soroban vẫn được dạy ở một số trường tiểu học như một cách
để trẻ hình dung và làm quen với các khái niệm toán học.
Thực hành Soroban bao gồm việc giáo viên đọc một chuỗi số (cộng, trừ, nhân và chia) theo nhịp điệu như một bài hát, ở phần cuối, giáo viên đưa ra đáp án. Điều này giúp học sinh rèn luyện khả năng tuân theo nhịp độ mà giáo viên đưa ra trong khi trí óc vẫn suy nghĩ bình tĩnh và chính xác. Bằng cách này, phương pháp Soroban phản ánh văn hóa Nhật Bản về việc thực hành thiền định trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Không chỉ trường học, doanh nghiệp cũng sử dụng bàn phím này nhiều đến nỗi một số công việc văn phòng yêu cầu chứng chỉ Soroban đối với nhân viên.
Vì sao một bàn phím cổ xưa vẫn còn được “trọng dụng” tại Nhật Bản như vậy?
Nếu ai là fan của các chương trình truyền hình thực tế thì ắt hẳn sẽ biết đến chương trình “Super Brain”, tại Việt Nam có một phiên bản tương tự là “Siêu trí tuệ”. Xuất hiện trong cuộc thi tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2015, cô bé người Nhật Tsujikubo Rinne đã khiến mọi người kinh ngạc bởi khả năng tính nhẩm thần sầu của mình.
Và tại Việt Nam, năm 2019, cậu bé Gia Hưng (12 tuổi) cũng đã thể hiện khả năng tính nhẩm vượt trội của mình. Vậy điểm chung giữa hai “thần đồng tính toán nhỏ tuổi” này là gì? Câu trả lời là họ đều rèn luyện bằng phương pháp tính toán nổi tiếng của Nhật Bản – phương pháp Soroban.
Soroban không chỉ là một món đồ chơi hoặc công cụ tính toán thông thường, nếu dành nhiều năm luyện tập, bạn sẽ đạt được kỹ năng được gọi là "Anzan Soroban - 暗算そろばん" hay tính nhẩm Soroban, cho phép một người thực hiện những phép tính khổng lồ mà không cần đến công cụ.
Chính vì thế,
đây không chỉ là bàn tính thông thường. Theo nhiều nghiên cứu, sử dụng
Soroban học toán giúp gia tăng khả năng ghi nhớ, suy luận logic trừu
tượng.
Sản phẩm này cũng thường được sử dụng theo cách cải tiến, có khả năng tạo ra các kỹ thuật cực nhanh để thực hiện bất kỳ phép tính cộng, trừ, nhân và chia. Nó cũng có thể làm việc với giờ, phút, giây, chuyển đổi trọng lượng và đo lường, số nguyên, số thập phân, âm, căn bậc hai và bậc ba...
Với nhiều người, có lẽ khi mới sử dụng Soroban sẽ cảm thấy khó hiểu và khó sử dụng, nhưng bàn tính này là tiền đề cho phương pháp tính nhẩm cực nhanh, với những con số khổng lồ, nhanh hơn cả máy tính. Đó chính là lý do vì sao những Siêu trí tuệ trên thế giới lại sở hữu khả năng tính toán hơn người. Đó không phải là năng khiếu sẵn có, mà nhờ vào sự khổ luyện từng ngày.
Thần đồng tính nhẩm Takeo Sasano đã đi vào sách kỷ lục Guinness với thời gian tính toán chỉ 1,83 giây (thậm chí chưa đến hai giây!) với khả năng tính nhẩm các số có 15 chữ số.
Lợi ích của việc sử dụng bàn tính gảy
Không chỉ giúp cho việc tính toán, Soraban còn có tác dụng vượt trội đối với nhiều kỹ năng khác của con người. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sử dụng bàn tính có hiệu quả cho sự phát triển của não phải và tư duy sáng tạo.
Cụ thể, một số lợi ích của Soroban bao gồm:
- Cải thiện sự tập trung và ghi nhớ, đặc biệt là đối với các con số.
- Phát triển khả năng hình dung.
- Quan sát kỹ hơn.
- Xử lý thông tin nhanh.
- Tăng tốc độ nghe, thu nạp thông tin.
- Tính nhẩm.
- Lý luận logic.
- Sự nhanh nhẹn.
kilala.vn