Bách quỷ dạ hành: cuộc diễu hành trong đêm của 100 loài yêu quái
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Tori
Hình: Wikipedia, Yokai.com
Bách quỷ dạ hành trong truyền thuyết Nhật Bản
"Bách quỷ dạ hành" (Hyakki-yagyo/ Hyakki-yakou - 百鬼夜行) là một truyền thuyết nổi tiếng thường xuất hiện trong các câu chuyện kể từ thời Heian đến thời Muromachi. Bách quỷ dạ hành có thể xem là một hoạt động của các loài yêu quái, chúng tụ họp lại thành đoàn và đi khắp các khu phố, ngõ ngách vào ban đêm.
Bách quỷ dạ hành thường diễn ra vào giờ Sửu ba khắc* (khoảng 2 giờ - 2 giờ 30 phút sáng), vì theo văn hóa Nhật Bản thì đây là lúc mà cánh cửa giữa các thế giới được mở ra và những loài yêu ma quỷ quái có thể đi lên dương thế. Đương nhiên, không phải đêm nào chúng cũng xuất hiện. Trong quyển sách thiếu nhi "Kuchizusami" được viết vào thời Heian và quyển "Shugaisho" được viết vào thời Trung thế có ghi lại ngày mà xuất hiện hiện tượng Bách quỷ dạ hành, cụ thể là:
- Tháng 1 - Tháng 2: ngày Tý
- Tháng 3 - Tháng 4: ngày Ngọ
- Tháng 5 - Tháng 6: ngày Tị
- Tháng 7 - Tháng 8: ngày Tuất
- Tháng 9 - Tháng 10: ngày Mùi
- Tháng 11 - Tháng 12: ngày Thìn
(*Giờ Sửu ba khắc: đối với cách tính giờ theo 12 con giáp của Nhật Bản, có 2 cách để chia khắc là 3 khắc (mỗi khắc khoảng 40 phút) hoặc 4 khắc (mỗi khắc khoảng 30 phút). Trong trường hợp này, giờ Sửu ba khắc được tính theo 4 khắc.)
Vào những ngày này, người ta thường tránh ra đường vào ban đêm. Khi hiện tượng Bách quỷ dạ hành diễn ra, nhiều người khuyên là hãy tụng kinh và chờ cho đến khi trời sáng để lũ yêu quái biến mất. Nhiều người truyền miệng nhau rằng nếu người nào nhìn thấy cảnh tượng "Bách quỷ dạ hành" thì sẽ phải chết hoặc gặp tai họa. Tuy nhiên, mọi người thời đó cũng truyền tai nhau một câu thần chú để sống sót khi lỡ nhìn thấy Bách quỷ dạ hành là "Katashihaya, ekasenikueini, tamerusake, teehi, ashiehi, wareshikonikeri". Người ta nói câu thần chú này sẽ giúp bạn giả vờ như mình đang là một người say xỉn, không tỉnh táo nên nói năng không được lưu loát và rõ ràng.
Những con quỷ nổi tiếng trong Bách quỷ dạ hành
Có rất nhiều truyền thuyết và tranh vẽ về những con quỷ xuất hiện trong Bách quỷ dạ hành. Trong bài viết này, Kilala sẽ điểm qua một số loài quỷ nổi tiếng được đề cập trong tập tranh về yêu quái "Gazu Hyakki-Yakou" (画図百鬼夜行 - Họa đồ Bách quỷ dạ hành) của họa sĩ Toriyama Sekien được phát hành vào năm 1776.
Nurarihyon (ぬらりひょん)
Nurarihyon thường được miêu tả là một ông lão mặc chiếc áo dành cho các tăng lữ, trọc đầu và phần đầu phía sau to quá khổ. Trong những tài liệu liên quan đến yêu quái và sách tranh về yêu quái dành cho trẻ em sau thời Showa - Heisei kể rằng, Nurarihyon thường đi vào nhà của người dân trong những buổi tối để uống trà và hút thuốc tựa như nhà của mình mà không ai nhận thấy sự tồn tại của nó. Nếu ai nhìn thấy nó, nó sẽ mê hoặc những người đó để họ nghĩ rằng "Người này là chủ nhân của ngôi nhà" và không đuổi nó ra ngoài. Còn về Bách quỷ dạ hành, có một số câu chuyện kể rằng Nurarihyon thường đi đầu trong nhóm Bách quỷ nên nó là thủ lĩnh. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho rằng điều này cần phải được tìm hiểu lại.
Kappa (河童 - Hà Đồng)
Theo thần thoại Nhật Bản, Kappa là một trong những Thủy thần (Suijin) - sinh vật siêu nhiên sống ở vùng nước ngọt như ao, hồ, suối, giếng hay các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, Kappa lại có thể sống được cả ở dưới nước và trên cạn. Sinh vật kỳ lạ này được cho là nắm giữ sức mạnh ma thuật có thể được sử dụng cho cả mục đích thiện và ác. Nhưng thật không may, Kappa thích sử dụng những món quà sức mạnh của mình để giở trò lừa gạt và hãm hại con người.
Tengu (天狗 - Thiên Cẩu)
Tengu là một yêu quái nổi tiếng của Nhật Bản thường sống ở những vùng đồi núi. Tengu có khuôn mặt đỏ, mày chau lại và đặc biệt là chiếc mũi dài quá cỡ khiến nó trong có vẻ kỳ lạ và dữ tợn. Theo truyền thuyết, Tengu từng là một ác thần nhưng ngày nay đã trở thành một vị thần bảo hộ, là cầu nối giữa con người và thế giới tâm linh.
Tanuki (狸 - Lửng chó)
Cùng với Kitsune và Kappa thì Tanuki là một trong 3 loài yêu quái mang hình dáng động vật nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Nhìn giống như gấu mèo nhưng Tanuki là một loài lửng chó. Bộ ba Kitsune, Kappa và Tanuki là những kẻ thích chơi khăm, biến hình và lừa gạt con người. Tanuki đôi khi sẽ biến thành con người, đôi khi biến lá cây hoặc những thứ đồ bị bỏ đi thành tiền để kiếm thức ăn và rượu. Bên cạnh những trò lừa gạt thì Tanuki còn nổi tiếng với cặp tinh hoàn khổng lồ. Chúng là công cụ đắc lực để Tanuki thực hiện những mánh khóe của mình.
Rokuro-kubi (轆轤首 - Lộc Lô Thủ)
Rokuro-kubi thường được gọi là "người đàn bà cổ dài" hay "người đàn bà cổ rắn", được miêu tả là một người phụ nữ mặc Kimono, có vẻ ngoài xinh đẹp thu hút, khi tấn công cổ sẽ vươn dài hoặc tách đầu ra khỏi cơ thể và cái đầu đó sẽ đuổi theo con mồi. Món ăn yêu thích của Rokuro-kubi là nguyên khí của con người, đặc biệt là nam giới. Nó có thể sống bằng cách ăn côn trùng, giun dế nhưng hiển nhiên con người vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Kodama (木霊 - Mộc linh)
Kodama là những linh hồn trú ngụ trong thân cây, được cho là có năng lực siêu nhiên, chúng có thể ban phước hoặc nguyền rủa người thường. Trong tập tranh Gazu Hyakki-Yagyo, Kodama được miêu tả bằng hình ảnh của một ông lão và bà lão bên dưới gốc cây, vì có truyền thuyết kể rằng khi một cái cây sống qua 100 năm thì linh hồn của cây sẽ hiện hình ra bên ngoài.
Nekomata (猫又 - Miêu Hữu)
Nekomata có nghĩa là mèo hai đuôi. Người ta nói rằng, những con mèo đến một độ tuổi nhất định (có nguồn tin là 40 năm tuổi, có nguồn là 11 năm tuổi) đuôi của nó sẽ tự tách đôi và nó sẽ có được năng lực siêu nhiên. Nó có thể nhảy múa, nói tiếng người hoặc giả dạng thành con người, nhưng năng lực khiến nhiều người phải sợ hãi khi nhắc đến Nekomata chính là có thể điều khiển xác chết.
Yuki-onna (雪女 - Tuyết nữ)
Yuki-onna là một yêu nữ nổi tiếng trong truyện dân gian Nhật Bản. Cô sở hữu một vẻ ngoài xinh đẹp, tóc đen, da trắng gần như trong suốt và mặc bộ Kimono trắng. Đương nhiên là Yuki-onna chỉ thường xuất hiện vào mùa đông. Mỗi lần cô xuất hiện là trời sẽ có bão tuyết lớn, cô có thể tạo ra tuyết hoặc thổi tuyết khiến đối phương bị chết cóng, đóng băng hoặc không thể di chuyển được.
kilala.vn