Ashiyu: "Tắm chân" theo phong cách Nhật Bản
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Mai Hà Linh
Ảnh: PIXTA
Ashiyu là gì?
Ashiyu (足湯) - được ghép từ chữ "chân" (ashi) và chữ "nước nóng" (yu), có thể dịch là "ngâm chân". Ashiyu cũng là một loại hình của Onsen tuy nhiên cách thực hiện giản lược hơn nhiều vì Ashiyu chỉ ngâm từ phần đầu gối trở xuống. Đây là một cách thích hợp để nghỉ ngơi khi bạn đang dạo phố, đi đường dài hay đơn giản là muốn được hòa mình vào thiên nhiên, giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc mệt nhọc.
Đối với một đất nước ”mê” Onsen như Nhật Bản thì những biến tấu điển hình như Ashiyu cũng được chuộng không kém. Người Nhật thích hình thức này bởi sự nhanh chóng và tiện lợi của nó. Không cần rườm rà hay quá cầu kì, những khi mệt mỏi chỉ cần ngồi xuống và thoải mái tận hưởng sự thư giãn. Cũng như Onsen, cứ mỗi lần sau khi ”tắm”, đôi chân lại trở nên thật thoải mái, tình trạng đau nhức cũng được cải thiện một cách đáng kể. Ngoài ra, có rất nhiều hình thức Ashiyu như cho cá vào rỉa chân, ngâm thảo dược… để phát huy tối đa tác dụng của việc ngâm chân nhất có thể.
Cách thực hiện Ashiyu
Khi tắm Onsen, bạn phải thực hiện các bước như cởi quần áo, tháo trang sức, tắm trước khi vào ngâm… Tuy nhiên, khi đến với Ashiyu, bạn không cần bận tâm về những điều đó. Tất cả những gì bạn cần làm là cởi giày, cởi tất và xắn quần lên qua đầu gối.
Do đó, Ashiyu không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn là một sự lựa chọn cho người nước ngoài khi muốn được trải nghiệm Onsen nhưng lại chưa quen với việc tắm chung bồn với người khác. Ngoài ra, một điểm cộng cho Ashiyu đó là không chia ra hai khu dành riêng cho nam và nữ. Vậy nên, các cặp đôi có thể thoải mái cùng nhau vừa ngâm chân vừa trò chuyện.
Bồn ngâm chân thiết kế như nào?
Chính vì sự nhanh chóng, tiện lợi mà những chiếc bồn ngâm chân có mặt phổ biến ở nhiều nơi như những khu du lịch, khu suối nước nóng,... Nếu bạn muốn vừa ngâm chân vừa thư giãn đầu óc, hãy tìm đến những chiếc bồn đặt ở ngoài trời. Còn nếu bạn chỉ dừng chân một chút để nghỉ ngơi khi mệt mỏi thì có thể đi đến những nơi đông người như ga tàu, công viên,...
Ngoài ra, tại Nhật có những chuyến tàu phục vụ Ashiyu bên trong như tàu vui vẻ Toreiyu Tsubasa. Nội thất trong tàu được trang bị chỗ ngồi chiếu tatami; quầy bar với rượu sake, rượu vang và nước trái cây; và hồ ngâm chân để thư giãn trong khi thưởng thức phong cảnh bên ngoài cửa sổ.
Lợi ích của ngâm chân Ashiyu
Phần chân, đặc biệt là lòng bàn chân, là nơi phân bổ những mạch máu, dây thần kinh, huyệt đạo quan trọng. Bằng việc ngâm chân trong nước nóng, Ashiyu hỗ trợ thúc đẩy máu lưu thông, làm ấm cơ thể. Nhiệt độ của nước hỗ trợ điều hòa khí huyết, góp phần thư giãn cơ thể, đầu óc, vô cùng thích hợp với những ai thường xuyên chịu đựng áp lực công việc cao. Tuy nhiên, do chỉ ngâm phần bàn chân, hiệu quả sẽ không được nhanh chóng như Onsen ngâm mình toàn thân. Ngoài ra, các khoáng chất có lợi trong nước sẽ giúp cho da chân đẹp hơn, mịn màng hơn.
Những lưu ý khi thực hiện Ashiyu tại nhà
Nhiệt độ nước thích hợp để ngâm chân là 42 - 45 độ C. Có lẽ bạn sẽ thấy hơi nóng, nhưng do lượng nước sử dụng để ngâm chân không nhiều nên nhiệt độ sẽ hạ xuống rất nhanh, đặc biệt là vào mùa đông. Một số người sẽ chuẩn bị thêm một nước nóng dự phòng để thay nước hoặc châm thêm khi nước nguội.
Nên ngâm chân trong khoảng 15 - 20 phút. Trong lúc ngâm chân cũng nên châm/ thay nước thường xuyên để nước luôn ở nhiệt độ thích hợp nhất. Có một số ý kiến thêm mạng cho rằng nên ngâm chân trong 20 phút rồi nghỉ 15 phút và thực hiện 3 lần như vậy. Cách thực hiện này sẽ tốn khá nhiều thời gian nên bạn chỉ cần ngâm chân 20 phút là đủ. Tuy nhiên, nếu có thời gian bạn cũng nên thử ngâm chân một lần như vậy, cảm giác sẽ rất khác đấy!
Giữ ấm chân sau khi ngâm. Sau khi ngâm chân xong bạn nên lâu chân thật khô và mang vớ để chân không bị lạnh.
Nếu bạn có cơ hội đến Nhật Bản, hãy thử một lần trải nghiệm nét văn hóa nổi tiếng này. Còn những ai đang sinh sống ở Nhật Bản, các bạn có thể biến Ashiyu thành một thói quen nhỏ tốt cho sức khỏe trong cuộc sống của mình nhé!
kilala.vn