Cây dù không chỉ có tác dụng che mưa, mà còn có thể là cầu nối cho nhiều chuyện tình lãng mạn.
Nếu là fan của Anime và Manga, có lẽ bạn đã quen thuộc với hình ảnh một cây dù được vẽ nguệch ngoạc bằng những nét đơn giản với trái tim phía trên, hai bên tay cầm là tên của hai nhân vật chính trong câu chuyện tình. Biểu tượng này gọi là “Aiai-gasa", được xem là câu thần chú tình yêu “mong muốn được bên nhau mãi mãi”.
"相合傘 - Aiai-gasa” được ghép từ chữ "相合 - Aiai", chỉ việc làm gì đó cùng nhau và chữ "傘 - Kasa" (cây dù), nghĩa gốc chỉ hành động hai người cùng che chung một chiếc ô. Tuy nhiên, chữ "Ai" lại đồng âm với "愛 - Ái", nghĩa là tình yêu trong tiếng Nhật, có lẽ vì thế mà Aiai-gasa còn được gọi với cái tên khác như Love love Gasa/ Love Umbrella (chiếc ô tình yêu).
Vì sao cây dù lại gắn với sự lãng mạn?
Văn hóa sử dụng dù
Thời tiết Nhật Bản mang đặc điểm của vùng khí hậu ôn đới, có hướng gió thay đổi vào mùa hè và mùa đông. Vào mùa hè, gió ẩm từ biển thổi vào mang theo mưa nhiều, khoảng thời gian này độ ẩm trong không khí khá cao nên nếu lỡ bị mắc mưa thì cũng tốn khá nhiều thời gian để khô và khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh. Bên cạnh đó, người Nhật đa phần sử dụng các phương tiện công cộng, hoặc đi bộ khi di chuyển về nhà, nên việc mang dù vào mùa mưa là điều cần thiết với tất cả mọi người. Chính vì thế, việc sử dụng dù cũng được nâng tầm thành nét văn hóa đặc sắc của quốc gia này.
Nhưng không phải lúc nào người ta cũng nhớ mang theo dù vào mùa mưa và đôi khi, chính sự đãng trí đó lại mở ra một cơ hội mới.
Aiai-gasa là cơ hội xóa tan mọi khoảng cách
Điều này đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhật Bản là một trong số những quốc gia tôn trọng quyền riêng tư và khoảng cách an toàn tuyệt đối. Họ không có thói quen ôm hoặc hôn má để chào hỏi như người phương Tây. Không gian riêng là điều quan trọng đối với họ nhằm tránh làm phiền đến người khác cũng như xác định một mối quan hệ là thân quen hay xã giao.Xem thêm: Meiwaku và văn hóa ngại làm phiền của người Nhật
Chính vì thế, việc cùng nhau đi dưới một chiếc dù sẽ buộc hai người phải đi sát vào nhau để tránh bị ướt, và việc có tương tác cơ thể đôi khi tạo ra phản ứng hóa học giữa họ, nếu một trong hai hoặc cả hai có tình cảm với đối phương. Đôi khi, đây cũng được xem là phép thử để xác định rõ tình cảm của mình. Quan niệm như vậy nên việc “Aiai-gasa” với người khác đôi khi là một hành động thể hiện sự lãng mạn.
Là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật
Không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà Aiai-gasa cũng được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật. Bảo tàng Anh Quốc hiện lưu giữ tác phẩm in khắc gỗ theo phong cách Ukiyo-e “雪中相合傘 - Setchu Aiai Gasa” (Cặp đôi dưới ô trong tuyết) của Suzuki Harunobu, người tạo nên phong cách in khắc gỗ đầy đủ màu sắc Nishiki-e. Bức tranh miêu tả hai người nam nữ cùng che chung một chiếc dù đi trong màn tuyết.Hay trong bộ phim ăn khách vào năm 1975 “男はつらいよ寅次郎相合い傘" (tiếng Anh: Tora-san's Rise and Fall) cũng có cảnh hai người cùng đi chung dưới một chiếc dù và đây trở thành cảnh nổi tiếng nhất của bộ phim. Đồng thời, nó cũng trở thành một hình ảnh quen thuộc trong các bộ Manga, Anime học đường của xứ Phù Tang. Đặc biệt, khi hai học sinh bị trêu chọc và ghép đôi với nhau, tên của họ sẽ được viết bên dưới biểu tượng chiếc ô.
Tuy nhiên, không phải lúc nào hai người cùng nhau đi chung dưới một chiếc dù cũng là biểu hiện của sự lãng mạn, mà đó chỉ đơn thuần là tình cảm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, chỉ vì họ không muốn đối phương bị ướt.
Suy cho cùng, Aiai-gasa cũng tương tự như một cơ hội dành cho những người đang có cảm tình với đối phương và nắm bắt điều đó để có thể đạt được ước nguyện của mình. Chính vì thế, Aiai-gasai không có khả năng mang đến phép màu, chuyện tình cảm diễn tiến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của hai người sau này.