8 nét văn hóa Nhật Bản trong phim Kimetsu no Yaiba
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Huy Phấy
Ảnh: grapee
Mới đây, bộ phim anime "Kimetsu no Yaiba the Movie" đã chính thức được trình chiếu tại các rạp phim ở Việt Nam. Bộ phim dựa trên Manga cùng tên này hiện đang cạnh tranh ngôi vương phòng vé với "Spirited Away" của Ghibli. Không chỉ có cốt truyện đặc sắc kể về chuyến hành trình diệt quỷ, Kimetsu no Yaiba còn chứa đựng sự hòa hợp giữa các yếu tố văn hóa hiện đại và cổ xưa. Hãy cùng Kilala điểm qua 8 nét văn hóa được thể hiển trong bộ phim này nhé.
1. Phim lấy bối cảnh từ thời kỳ Taisho
Hầu hết các Anime thường lấy bối cảnh từ thời kỳ Edo. Nhưng Kimetsu No Yaiba thì lại lấy bối cảnh thời kỳ Taisho. Thời kỳ Taisho diễn ra sau thời kỳ Meiji. Đây là thời kỳ đầu tiên đánh dấu sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, tạp chí, điện ảnh,... Đó là lí do tại sao Tanjiro lại ngạc nhiên với ánh đèn và công nghệ tại Tokyo.
2. Chiếc mặt nạ Tengu của Urokodaki
Chiếc mặt nạ của Urokodaki lấy cảm hứng từ Tengu, là một vị thần Mặt đỏ, mày chau, cùng chiếc mũi dài quá cỡ… Vị linh thần có dáng hình kỳ lạ ấy được người Nhật gọi là Thiên Cẩu (Tengu). Theo truyền thuyết, Thiên Cẩu từng là ác thần, mang lại chiến tranh, điềm dữ, chuyên cám dỗ người tu hành, nhưng nay đã trở thành một vị thần bảo hộ, may mắn, bình an và hạnh phúc theo văn hoá – tín ngưỡng dân gian Nhật Bản.
3.Bí ẩn về đôi bông tai Hanafuda của Tanjiro
Đôi bông tai Hanafuda của Tanjiro vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn. Vì hiện vẫn không biết được câu chuyện đằng sau đôi bông tai là gì?
Hanafuda (花札), hay còn gọi là Hanakaruta (花かるた), là loại bài truyền thống của thống của Nhật Bản. Họa tiết trên bài là chim muông, hoa cỏ, mây trời mang đặc trưng của 12 tháng trong năm ở Nhật Bản. Mỗi bộ bài Hanafuda gồm 48 lá bài. Người Việt Nam ở Nhật thường gọi bộ bài này với cái tên rất đáng yêu là "bài Hoa", vì "hana" trong tiếng Nhật là "hoa".
4. Sự khác biệt rõ rệt giữa thành phố và nông thôn
Chắc bạn vẫn còn nhớ và cười không nhặt được mồm phân cảnh Tanjiro và đoàn của mình tiến vào thành phố, họ cho rằng đoàn tàu là con quái vật, và họ bị cảnh sát tại nhà ga “dòm ngó” vì mang theo thanh kiếm (Katana) trên người. Đối với một người bán than như Tanjiro, thì thành phố Tokyo như có phép màu. Có thể thấy sự tương phản rõ rệt về mức độ phát triển giữa thành phố và nông thôn trong thời Taisho qua bộ phim này.
5. Hoa tử đằng
Trong phim, hoa tử đằng có vai trò diệt quỷ. Những cây hoa có vẻ ngoài đẹp đẽ này là thứ duy nhất có thể diệt quỷ nhưng vẫn không biết lí do là... gì! Tuy nhiên, trong bộ bài Hanafuda có cấu trúc là 12 tháng thì bộ bài tháng 4 là Hoa tử đằng (Fuji - 藤), gồm 4 lá: 2 Kasu, 1 Tanzaku, 1 Tane có hình chim cu cu.
Hoa Tử Đằng trong văn hóa Nhật Bản thường nở từ tháng 4 đến giữa tháng 5. Trong tiếng Nhật viết bằng chữ Hiragana có phát âm giống với núi Phú Sĩ là Fuji nhưng khác nhau về Hán tự. Hoa là biểu tượng của sự yêu thương, hòa hợp, đoàn kết và buông bỏ thù hận.
6. Bộ Âu phục của Muzan
Bạn có thể thấy bộ âu phục Muzan mặc khá ngầu và sang trọng. Nó được lấy cảm hứng từ trang phục vest của Châu Âu. Chi tiết nhỏ này chứng minh thời kỳ Taisho là thời kì Nhật Bản mở cửa với phần còn lại của thế giới. Văn hóa phương Tây và phương Đông bắt đầu giao thoa với nhau và đến cuối những năm 1920, nam giới ngày càng quen với việc mặc áo khoác, áo choàng và vest. Trong khi đó, phụ nữ Nhật ưa chuộng phong cách Kimono xếp nếp dọc được mặc với áo choàng và các phụ kiện đi kèm như mũ, găng tay, dù và túi xách.
7. Trang phục gắn liền với lịch sử
Rất nhiều trang phục của nhân vật gắn liền với lịch sử Nhật Bản. Như là 2 miếng vải bó chân để giữ ấm của Nezuko người ta gọi là Kyahan, là thứ mà Ninja thường hay sử dụng. Ngoài ra, đôi dép rơm được gọi là Zori cũng xuất hiện ở thời Taisho. Hấu hết trang phục đều đúng theo lịch sử, chỉ khác cái là Samurai thời đó không lang thang với bộ cánh ca rô màu xanh lá cây và đen hay đeo mặt nạ... đầu lợn!
8. Ý nghĩa hoa văn trang phục Tanjiro, Nezuko và Zenitsu
Asanoha là hoa văn trên trang phục của cô bé quỷ Nezuko. Asanoha là hoa văn đại diện cho lá cây gai dầu. Bởi lẽ, loài cây này có sức sống và sự phát triển mạnh mẽ mà không cần chăm sóc nhiều. Đây là hoa văn thường được sử dụng trong vải may quần áo trẻ sơ sinh và kimono của trẻ con với hy vọng chúng sẽ lớn lên và mạnh mẽ.
Tanjiro mang trên người hoa văn Ichimatsu - một kiểu dệt phổ biến từ thời cổ đại, nó được biết đến với cái tên Ichimatsu. Kiểu hoa văn này có các ô vuông màu khác nhau được sắp xếp xen kẽ nhau. Đây cũng chính là hoa văn được khắc họa trên hai linh vật biểu tượng cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Uroko là hoa văn được kết hợp bởi các hình tam giác. Nếu nhìn tổng thể bạn có thể thấy chúng giống như vảy của rắn hoặc cá. Đây cũng là hoa văn thường xuất hiện trên quần áo của Samurai như lá bùa hộ mệnh để bảo vệ họ khỏi bị tổn hại. Đây cũng la hoa văn trên màu áo vàng của cậu bé mít ướt Zenitsu.
kilala.vn