Tiếp nối phần 1, Kilala sẽ giới thiệu đến bạn thêm 4 loại bùa may mắn độc đáo khác chỉ có tại Tokyo như bùa cầu duyên hình hoa linh lan tại đền Tokyo Daijingu hay bùa cực hiếm, chỉ bán 100 chiếc vào ngày đầu tháng tại đền Asakusa .
Bùa Suzuran Mamori tại đền Tokyo Daijingu
Đền Hibiya Daijingu (tiền thân của đền Tokyo Daijingu) được xây dựng tại khu vực Yurakucho, Tokyo vào năm 1880, trở thành một nhánh của Thần cung Ise – ngôi đền linh thiêng nhất Nhật Bản. Sau trận động đất Kanto (1923), đền Hibiya Daijingu đã được chuyển đến Iidabashi, quận Chiyoda vào năm 1924 và đổi tên thành Iidabashi Daijingu. Sau Thế chiến thứ hai, ngôi đền chính thức mang tên Tokyo Daijingu.
Ngôi đền thờ phụng nữ thần Mặt trời Amaterasu (天照大神) và nữ thần nông nghiệp, công nghiệp Toyouke no Ookami (等由気太神) cùng các vị thần khác mang đến hôn nhân hạnh phúc. Vào năm 1900, đám cưới theo nghi lễ Thần đạo (神前結婚 – Shinzen kekkon) đầu tiên giữa Thiên hoàng Taisho và Hoàng hậu Teimei đã được tổ chức tại đền Hibiya Daijingu, nên dù đã trải qua nhiều lần di dời, đổi tên, nó vẫn được xem là nơi khởi nguồn của đám cưới Thần đạo. Do đó, nơi đây trở thành địa điểm cầu duyên nổi tiếng với những người độc thân muốn tìm kiếm tình yêu, cũng như các cặp đôi cầu nguyện cho hạnh phúc bền lâu.
Trong các loại bùa cầu tình duyên của đền Tokyo Daijingu, bùa Suzuran Biizu Mamori (鈴蘭ビーズ守り) cùng Enmusubi Suzuran Mamori (縁結び鈴蘭守り) mang hình dạng của hoa linh lan là hai loại phổ biến và được yêu thích nhất.
Suzuran
(鈴蘭) là hoa linh lan trắng, hay còn được biết đến với tên lan chuông.
Hoa mọc thành chùm và hướng xuống trông giống như những chiếc chuông màu
trắng nhỏ nhắn và dễ thương. Chúng tượng trưng cho sự thuần khiết, tinh
khôi của tình yêu đôi lứa và hạnh phúc trong hôn nhân nên thường được
dùng làm hoa cầm tay của cô dâu. Với ý nghĩa này, Suzuran Biizu Mamori
chính là bùa mang lại hạnh phúc trong tình yêu. Những hạt cườm nhỏ được
đính lên bùa tạo thêm sự sang trọng cho nó.
Khác với sắc xanh lam nhẹ của bùa Suzuran Biizu, Enmusubi Suzuran Mamori có màu trắng với hình dáng giống hệt hoa linh lan trắng đang nở rộ. Bùa mang lại ý nghĩa cầu chúc cho mối quan hệ hạnh phúc và viên mãn.
Bùa Kan Musubi tại đền Asagaya Shinmeigu
Hoàng tử Ousu no Mikoto, con trai của Thiên hoàng Keiko được cha ra lệnh dẹp loạn ở vùng đất Kumaso (nay là tỉnh Kumamoto). Ông đã đến vùng đất này với thanh kiếm mang tên Kusanagi no tsurugi mà Susanoo – em trai của nữ thần Mặt trời Amaterasu đã tìm thấy trong cơ thể của một con rắn lớn có 8 đầu. Sau khi đánh bại những thủ lĩnh Kumaso, kẻ thù đã đặt cho ông danh hiệu Yamato Takeru. Sau khi dẹp loạn, ông lên đường quay trở về và được cho là đã yên nghỉ tại Asagaya. Để tưởng nhớ vị anh hùng Yamato Takeru, người dân nơi đây đã lập nên đền thờ Asagaya Shinmeigu vào năm 1800.
Trước đó, vào năm 1190, một quý tộc tên Hyobu Yokoi đã hành hương đến Thần cung Ise và mang viên đá linh thiêng về Shinmeigu. Khi ngôi đền Asagaya Shinmeigu được thành lập, viên đá đã được đặt tại điện thờ chính.
Bùa Omamori nổi tiếng tại đền là Kan-musubi (神むすび), được thiết kế như chiếc vòng đeo tay. Khi mang chiếc bùa này, sợi dây liên kết giữa người thỉnh bùa với vị thần trong đền được thiết lập, giúp mang lại may mắn cho người đeo. Bùa được dệt với kỹ thuật điêu luyện, gồm nhiều hình dạng và màu sắc và có thể dùng làm vòng đeo tay hay phụ kiện cho điện thoại di động, túi xách đều rất xinh xắn. Vào tháng 3 khi hoa anh đào nở, đền Asagaya Shinmeigu còn ra mắt loại bùa Kan-musubi phiên bản giới hạn có tên Yozakura Kan-musubi (夜桜神むすび).
Bùa Kannagi Mizuhiki-mamori tại đền Asakusa
Đền Asakusa, hay còn gọi là Sanja-sama (Đền thờ Ba vị thần), nằm ở quận Asakusa và được Tướng quân Tokugawa lemitsu xây dựng vào năm 1649. Ba vị thần mà đền tôn thờ là những người sáng lập nên chùa Senso – ngôi chùa cổ nhất Tokyo. Theo truyền thuyết kể lại, hai anh em ngư dân Hamanari Hinokuma và Takenari Hinokuma đã vô tình tìm thấy tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bị mắc vào lưới đánh cá khi cả hai đi câu ở sông Sumida vào ngày 17/05/628. Khi nghe câu chuyện của hai anh em, điền chủ giàu có tên Haji no Matsuchi đã đến gặp họ và thuyết giảng về đạo Phật. Vì bị thuyết phục trước lời giảng, hai anh em cùng điền chủ đã xây dựng chùa Senso và mang bức tượng đến thờ phụng tại đây.
Đền Asakusa có một loại Omamori cực hiếm tên Kannagi Mizuhiki-mamori (巫水引守り), chỉ xuất hiện vào ngày đầu tiên của mỗi tháng với số lượng giới hạn 100 cái, nên người thỉnh bùa phải xếp hàng khá lâu mới có thể sở hữu. Họa tiết của bùa thay đổi khác nhau theo từng tháng như hoa anh đào (tháng 4), hoa sen (tháng 7) và lá đỏ (tháng 11). Điều đặc biệt là bùa được làm bằng Mizuhiki, một loại sợi giấy dùng như vật liệu chính để làm các nút thắt trang trí truyền thống của Nhật Bản. Bùa sẽ mang lại phước lành và những mối quan hệ tích cực cho người sở hữu.
Bùa túi gấm Hime-mamori tại đền Nogi
Đền Nogi nằm ở quận Minato, Tokyo thờ Nogi Maresuke – một vị tướng trung thành của Quân đội Đế quốc Nhật Bản thời Minh Trị, là người thông thạo cả binh pháp và văn chương. Sau khi Thiên hoàng Minh trị qua đời, ông cùng vợ là Shizuko đã thực hiện nghi lễ mổ bụng tự sát Seppuku theo vua và ngôi đền được lập ra thờ vợ chồng tướng sĩ anh dũng này.
Vì sự văn võ song toàn của tướng Nogi Maresuke, đền Nogi trở thành nơi ban phước lành đến cho những người muốn thành công trong con đường học vấn và đỗ đạt cao. Ngoài ra, vì cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa Nogi và vợ nên đây cũng trở thành nơi cầu nguyện hôn nhân hòa hợp, lứa đôi nên duyên và những mối quan hệ viên mãn. Tại đền Nogi, bùa Omamori phổ biến nhất là Hime-mamori (姫守り) có hình dạng túi gấm nhỏ chứa một mảnh giấy và tấm thẻ. Người thỉnh bùa sẽ ghi điều ước vào tờ giấy và bỏ vào chiếc túi rồi đeo chúng theo bên mình. Khi ước nguyện thành hiện thực, họ trả lại giấy và thẻ cho đền Nogi, còn túi thì vẫn giữ lại sử dụng như một phụ kiện.
Xem thêm: 8 loại bùa may mắn đặc biệt chỉ có tại Tokyo (P.1)
kilala.vn