Karesansui (枯山水)
Phiên âm tiếng Hán của Kareransui là “Khô Sơn Thủy”. Dù có yếu tố “núi” và “nước” nhưng khác biệt ở chỗ kiểu vườn này không hề có nước, hoàn toàn là vườn khô. Yếu tố “nước” được thể hiện qua việc sắp đặt đá, cát hoặc sỏi theo kiểu gợi sóng đầy tinh tế, còn “núi” được thể hiện qua các tảng đá xếp chồng lên nhau. Đôi khi sử dụng thêm cây cảnh, rêu, thảm cỏ để tạo cảm giác thiên nhiên nhất. Karesansui được xem là kiểu vườn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Phật giáo Thiền phái, đem lại cho gia chủ cảm giác tịnh tâm khi chiêm ngưỡng. Kiểu vườn này rất phổ biến ở các đền thờ tại Nhật.
Tsubo-niwa (坪庭)
Tsubo-niwa hay còn gọi là vườn bên trong nhà, chiếm diện tích rất nhỏ nhưng có đủ yếu tố của một vườn Nhật gồm cây, đá, sỏi, hàng rào tre, đèn đá, ống nước chảy… Theo đó, ý nghĩa của Tsubo-niwa cũng trở nên đặc biệt hơn. Nước cuốn trôi mọi ưu phiền trong cuộc sống, ngọn đèn soi sáng con đường trong tâm, sỏi trong chậu tượng trưng cho nước (tĩnh), hòn đá đen tượng trưng cho dòng nước xoáy (động). Hàm ý trong tĩnh có động, giữa xô bồ có an yên.
Chaniwa (茶庭)
Với những ai yêu thích Trà đạo Nhật Bản thì kiểu vườn Chaniwa này sẽ là một lựa chọn thích hợp. Chaniwa (茶庭) được ghép từ chữ “Trà” và chữ “Viên”, nghĩa là Vườn Trà. Đây là nơi được thiết kế để tổ chức nghi lễ thưởng trà. Vì thế thiết kế của vườn rất đặc biệt và không phải ai cũng đủ tinh tế để cảm được hết vẻ đẹp của nó. Chaniwa có con đường hẹp được lát đá dẫn đến Trà thất gọi là nobedan, xung quanh là bụi hoa hoặc cây xanh. Ngoài nobedan còn có đèn đá (tourou), bồn rửa tay (tsukubai), nakakuguri (cổng nhỏ),... Thanh tao, trầm mặc và đầy suy tư, Chaniwa khiến mọi khoảnh khắc tao ngộ trong đời đều đáng trân trọng.
Tsukiyama (築山)
Kiểu vườn mô phỏng thiên nhiên rộng lớn như núi, sông, đồi thông qua những yếu tố tự nhiên cơ bản như những ngọn núi nhân tạo, suối nhỏ, bụi cây xanh, hoa tươi khoe sắc, cây cầu nhỏ bắc ngang,... được gọi là Tsukiyama (nghĩa là hòn non bộ). Tùy theo ý thích và tính cách của gia chủ sẽ chọn loại Shuboku (cây chủ) để trồng và xem như trung tâm của khu vườn. Ngoài Shuboku, Hashibasami no Ishi (những loại đá xếp dưới chân cầu) cũng được xem là vật bảo trợ và tăng sức mạnh cho gia chủ. Với những gia chủ thiên về tâm linh sẽ chọn thêm Rùa và Hạc để đặt trên các hòn non bộ. Bởi trong thần thoại Trung Hoa và Nhật Bản, đây là 2 linh vật biểu trưng cho sự trường thọ và an yên.
Thiết kế vườn Nhật không chỉ xuất phát từ mong muốn của gia chủ về một mảnh vườn bình yên, mà còn đòi hỏi những chuẩn bị kĩ lưỡng về kỹ thuật để đảm bảo khu vườn “sống thọ” nhất có thể. Hãy chọn và lắng nghe lời tư vấn từ các chuyên gia thiết kế sân vườn kiểu Nhật để có một không gian trọn vẹn như mong đợi!
kilala.vn