“Cơn lốc da cam” đại diện VN thi đấu Robocon
Sự kiện Nhật Bản
•
May 17, 2018
Bài: Phương Anh/ Ảnh: ĐH Lạc Hồng
Xuất sắc vượt qua 31 đội, đội LH-NICESHOT (Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai) đã giành chức vô địch khi chiến thắng tuyệt đối APPARE trong vòng 54s, trở thành đại diện Việt Nam thi đấu Robocon châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 8 tới tại Tokyo ( Nhật Bản). Đây cũng là lần thứ 7, ĐH Lạc Hồng vô địch quốc gia về cuộc thi này. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với thầy Nguyễn Vũ Quỳnh (Trưởng khoa Cơ điện – điện tử của trường ĐH Lạc Hồng) đánh giá về cuộc thi năm nay và sự chuẩn bị của đội tuyển trong cuộc thi tại Nhật.
Các đội đều tài năng, hơn thua nhau ở một chút “may mắn”
Vòng chung kết cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam năm 2017 có sự tham dự của 32 đội tuyển với 224 thí sinh đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Với chủ đề "Chinh phục đĩa bay," các đội tham dự Robocon 2017 phải thiết kế một chú robot có khả năng ném đĩa chính xác lên 7 trụ được đặt ở các vị trí khác nhau trên sân thi đấu. Có hai cách để một đội chiến thắng. Cách thứ nhất là giành APPARE khi đưa đĩa lên cả 7 trụ. Cách thứ hai là đặt được đĩa lên một số trụ và giành số điểm cao hơn đối thủ trong 3 phút. Trong quá trình trận đấu diễn ra, các đội có quyền điều khiển robot ném đĩa cản phá đối thủ.
Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định: “Nội dung cuộc thi năm nay khá thú vị khi mang tính chất đối kháng (Đối thủ có thể phá đĩa tạo sự hấp dẫn rất lớn, thu hút khán giả). Tám đội tuyển lọt vào vòng tứ kết đều giỏi và có khả năng vô địch ngang nhau, chỉ cần 1 đội sơ sảy sẽ bị loại ngay. Nhìn nhận một cách khách quan, cuộc thi nào cũng có sự may rủi. Nếu may mắn bắn chính xác thì không sao, chỉ cần trật 5, 6 lần bắn thì tâm lí thành viên sẽ bị ảnh hưởng, tạo cơ hội cho đối thủ thừa thắng xông lên. Đội tuyển chiến thắng cũng phải cố gắng hơn nữa để cải thiện cơ cấu sản phẩm của đội mình chứ không nên chủ quan”.
Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh (Trưởng khoa Cơ điện – điện tử của trường ĐH Lạc Hồng)
/banner
Rút kinh nghiệm cho chuyến lên đường đến Tokyo
Trong cuộc thi vừa qua, đội Lạc Hồng đã có chiến thuật đúng: Tập trung bắn vào trụ xa nhất 8m, sau khi bắn thành công, khi đối thủ tập trung phá đĩa ở đó thì tranh thủ ghi hàng loạt điểm vào các trụ kia khiến “đối thủ trở tay không kịp”. “Cơ cấu bắn của đội Lạc Hồng hiện tại có tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên còn có mặt hạn chế cần khắc phục: Các loại đĩa khác nhau sẽ có đường bay không đồng đều, cần cải thiện tạo ra lực bắn tạo độ xoáy cho đĩa tốt hơn. Khi đĩa bám vào trụ tốt, độ chính xác khi ghi điểm sẽ cao hơn nữa.” – Thầy Quỳnh chia sẻ.
Hình ảnh thực tế chiếc đĩa sử dụng trong cuộc thi ABU Robocon 2017 (Ảnh: Hải Lộc/ vtv.vn)
Được biết, để chuẩn bị cho cuộc thi, nhà trường đã tạo điều kiện tối đa cho sinh viên, đảo ngược học kì 9 (thực tập tốt nghiệp) xuống học kì 8 để sinh viên không gặp phải tình trạng vừa học vừa làm robot. Việc không cần học và tập trung chế tạo robot khiến sinh viên không bị áp lực, vừa đạt được kết quả tốt vừa có thể không phải “trả nợ môn rớt”.
“ Những sản phẩm robot có thể sau khi cuộc thi sẽ kết thúc có thể sẽ không có ứng dụng gì ngoài thực tế nhưng sinh viên sẽ học được cách chế tạo cơ cấu làm sao cho vận hành trơn tru, đạt được mục tiêu quan trọng nhất. Điều này rất cần thiết cho sự nghiệp sau này của các bạn khi các doanh nghiệp yêu cầu chế tạo máy móc đáp ứng nhu cầu sản xuất. Mong rằng đội tuyển năm nay sẽ thi đấu hết mình, nếu không đoạt giải cũng không sao, quan trọng nhất là hãy cố gắng học hỏi nhiều kiến thức qua cơ cấu của đội bạn, tinh thần đội thi quốc tế để phát triển bản thân.” – Thầy Quỳnh nhắn nhủ.
Chủ đề cuộc thi xoay quanh tinh thần “Asobi” cũng là triết lý cơ bản của cuộc thi Robocon. Theo tinh thần “Asobi”, mọi người chơi, dù là bạn bè hay đối thủ, đều được khuyến khích chia sẻ niềm vui trong khi thi đấu.Cuộc thi ABU Robocon 2017 sẽ được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 8/2017.
Phương Anh/ kilala.vn
Theo đại diện nước chủ nhà Nhật Bản - đơn vị đăng cai tổ chức ABU Robocon 2017, chủ đề cuộc thi năm sau là “The Landing Disc”, được lấy cảm hứng từ trò chơi truyền thống “Tosenkyo” của Nhật Bản. “Tosenkyo” là một trò chơi liên quan đến “Sensu” (chiếc quạt giấy) - được phát minh tại Nhật Bản vào khoảng 1300 năm trước. Mục đích của trò chơi không chỉ là ném quạt trúng mục tiêu mà còn phải chú ý tới vị trí của quạt và mục tiêu sau khi ném.