Không đơn thuần là vàng, bạc, hay đồng, huy chương của Olympic và Paralympics tại Tokyo vào năm 2020 tới đây được làm bằng vật liệu vô cùng đặc biệt.
Ban tổ chức Tokyo đặt mục tiêu sản xuất 5000 huy chương bằng vàng, bạc, đồng được lấy từ rác thải điện tử. Kim loại được sử dụng để chế tác huy chương sẽ được lấy từ những chiếc điện thoại di động đã từng được sử dụng bởi hàng triệu người dân Nhật Bản. Chỉ trong hơn một năm kể từ khi dự án khởi động từ tháng 4 năm ngoái, ban tổ chức đã thu được 16,5kg vàng, chiếm 54,5% mục tiêu được đề ra là 30,3kg vàng; 1800kg bạc, chiếm 43,9% mục tiêu là 4100kg. Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã thu được số lượng đồng cần có là 2700kg.
Từ mỗi tấn quặng được khai thác từ mỏ, bạn chỉ có thể nhận được từ 3-4gram vàng, tuy nhiên một tấn điện thoại di động có thể cung cấp tới 350g! Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn nạn chất thải điện tử mà còn giúp bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản từ các mỏ đang dần cạn kiệt trên thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên huy chương Olympic chứa đựng vật liệu tái chế. 30% bạc được sử dụng để làm huy chương cho Thế vận hội Rio 2016 đến từ những chiếc gương bị vứt bỏ, tấm tia X. Ngoài ra, 40% trong tổng số vật liệu để làm huy chương đồng đến từ các xưởng đúc tiền. Thế vận hội mùa Đông Vancouver 2010 cũng đã sử dụng một cách tượng trưng khoảng 1,5% kim loại tái chế, mặc dù chúng có nguồn gốc từ một mỏ đô thị ở Bỉ.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã thực hiện một bước tiến xa hơn. Đối với tấm huy chương ở thế vận hội Tokyo 2020, không chỉ là phần trăm ít ỏi nguyên liệu tái chế mà ban tổ chức quyết tâm sử dụng 100% từ nguồn quặng này và chỉ chấp nhận chất thải điện tử từ các hộ gia đình Nhật Bản. Kết quả thu nhận được vô cùng khả quan, đến tháng 6/2018, các cửa hàng viễn thông thu nhận được khoảng 4,32 triệu điện thoại di động đã qua sử dụng trong khi chính quyền thành phố nhận được khoảng 34.000 tấn thiết bị điện tử nhỏ.
Chiến dịch đặc biệt này đã nhận được rất nhiều sự chú ý và quan tâm trên toàn thế giới. Cựu bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Vladimir Johnson, đã tham gia quyên góp khi ông đến thăm Tokyo vào năm 2017.
Mặc dù vậy, thành công của dự án này vẫn chỉ có thể mang tính biểu tượng bởi nó chỉ giải quyết một phần trong thách thức giải quyết rác thải điện tử. Các thiết bị điện tử được thu hồi lần này chỉ chiếm 3% số lượng bị thải ra hàng năm ở Nhật Bản. Một vấn đề nữa cần được đề cập đến đó chính là “số phận” của các phần phi kim loại bởi khi chúng ta chỉ nhận phần kim loại và đổ phần còn lại vào bãi rác thì chúng cũng sẽ gây ra ô nhiễm như thường. Ban tổ chức Tokyo 2020 chỉ nhận phần vàng, bạc và đồng từ các đối tác tái chế của mình.
kilala.vn