"Siêu trăng máu" sẽ xuất hiện trên bầu trời Nhật Bản, Việt Nam vào tối ngày 26/5, hứa hẹn mang đến cho người quan sát những phút giây mãn nhãn.
Trước đó, vào ngày 27/4, hiện tượng "siêu trăng" đầu tiên của năm 2021 đã diễn ra, được gọi là "siêu trăng hồng". Vào ngày 26/5 tới, "siêu trăng" lần hai tiếp tục xảy ra. Đặc biệt, vì xuất hiện cùng lúc với nguyệt thực toàn phần nên lần "siêu trăng" thứ hai này được gọi là "siêu trăng máu".
"Trăng máu" là một tên gọi khác của hiện tượng Nguyệt thực toàn phần. Lúc này, Mặt trăng, Trái Đất và Mặt trời cùng nằm trên một đường thẳng. Ánh sáng Mặt trời chiếu qua khí quyển của Trái đất sẽ bị bẻ cong (khúc xạ) và để lại ánh sáng màu đỏ lên bề mặt Mặt trăng. Vì vậy, vào lúc này, Mặt trăng sẽ chuyển từ màu xám sẫm sang màu cam đỏ, dân gian thường gọi là "trăng máu". Màn kết hợp hiếm hoi của "siêu trăng" và hiện tượng Nguyệt thực toàn phần tạo nên hiện tượng "siêu trăng máu" kỳ dị.
Toàn bộ thời gian nguyệt thực được dự đoán sẽ diễn ra trong khoảng 3h, theo thứ tự:
1. Nguyệt thực nửa tối.
2. Nguyệt thực một phần.
3. Nguyệt thực toàn phần.
4. Nguyệt thực đạt cực đại.
5. Nguyệt thực toàn phần kết thúc.
6. Nguyệt thực một phần kết thúc.
7. Nguyệt thực nửa tối kết thúc.
Trong đó, pha toàn phần thường diễn ra trong thời gian 14 phút 30 giây.
Sắc đỏ của "siêu trăng máu" sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lượng bụi trong bầu khí quyển Trái Đất. Khác với nhật thực, người quan sát có thể theo dõi hiện tượng 'siêu trăng" bằng mắt thường.
Tại Nhật Bản, "siêu trăng máu" được dự đoán sẽ diễn ra từ 18h30 ngày 26/5, đạt cực đại vào 20h09, kéo dài khoảng 14 phút và kết thúc vào lúc 22h00. Người Nhật xưa nay yêu thích việc ngắm nhìn mặt trăng, như một cách thư giãn để thanh lọc tâm hồn. "Không chỉ ngắm trăng, chúng tôi thích lặng yên quan sát sự thay đổi diện mạo của mặt trăng trong những thời khắc khác nhau" - chị Mayu Ino, một người Nhật sống tại Việt Nam, chia sẻ cảm xúc trước thông tin "siêu trăng máu" sắp xuất hiện.
Không chỉ Nhật Bản, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các địa điểm có thể quan sát "siêu trăng máu" tháng 5 này. Từ Quảng Bình đến Cà Mau, người dân sẽ xem được từ nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực một phần, nguyệt thực nửa tối đến khi kết thúc nguyệt thực. Người dân các tỉnh phía Bắc, chỉ có thể quan sát được nguyệt thực một phần và nguyệt thực nửa tối. "Siêu trăng máu" bắt đầu vào lúc 18h17, đạt cực đại vào lúc 18h18 và kết thúc vào lúc 20h49, trong tổng thời gian 2 giờ 42 phút.
Trong trường hợp trời mưa hoặc nhiều mây hoặc không thể trực tiếp theo dõi, bạn có thể xem phát trực tiếp sự kiện thiên văn kỳ thú này tại kênh Youtube của nhà sản xuất kính thiên văn Vixen tại đây.
kilala.vn