Nghiện điện thoại thông minh không còn là điều quá mới mẻ trong xã hội. Đối tượng bị nghiện không chỉ là giới trẻ mà cả những người ở độ tuổi lớn hơn. Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản có kế hoạch sử dụng khoa học thần kinh và trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp mọi người từ bỏ chứng "nghiện điện thoại" này.
KDDI là công ty điều hành viễn thông của Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo. Vào tháng 12/2019, KDDI đã thực hiện cuộc khảo sát trên khoảng 90.000 người dùng điện thoại thông minh. Kết quả cho thấy có khoảng 25% lo lắng về thời gian tập trung vào màn hình điện thoại quá nhiều. Trong đó, có 83% muốn tìm cách khắc phục.
Nghiên cứu "cai nghiện điện thoại" được chịu trách nhiệm chính bởi nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động KDDI và các chuyên gia khoa học thần kinh từ Viện nghiên cứu viễn thông tiên tiến quốc tế có trụ sở tại Kyoto.
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ dùng một thiết bị hình ảnh để "quét" não bộ của người khi sử dụng điện thoại thông minh. Thông qua đó, các chuyên gia sẽ nghiên cứu hành vi của người dùng điện thoại. Sau đó, hoạt động của não sẽ được AI phân tích nhằm tìm ra biện pháp "cai nghiện điện thoại". Nhóm nghiên cứu hy vọng trong 4 năm nữa sẽ phát triển được ứng dụng giúp người dùng phát hiện và xử lý hành vi "nghiện điện thoại" của họ.
kilala.vn