Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 12 khu vực
Tin 60s
Bài: Rin
Nguồn: kyodonews
Đây là một nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự bùng phát của làn sóng COVID-19 thứ 6 gây ra bởi biến thể Omicron.
Vào thứ Tư (19/01), Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp
tại Tokyo và 12 khu vực khác sau khi ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc đạt mức kỷ lục: 41.487 ca.
Với quyết định này, thống đốc của Tokyo và 12 tỉnh thành khác sẽ yêu cầu nhà hàng và quán bar đóng cửa sớm, dừng hoặc hạn chế phục vụ đồ uống có cồn. Lệnh khẩn cấp này được thực hiện từ ngày 21/01 đến ngày 13/02 trong nỗ lực hạn chế khả năng bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 6 ở Nhật Bản.
13 khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp
Tại cuộc họp với tổ công tác chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu: “Đây là cuộc chiến chống lại một loại virus chưa được biết rõ nhưng chúng tôi hy vọng có thể vượt qua khó khăn này bằng cách chuẩn bị đầy đủ và không hoảng loạn quá mức”.
Cùng với Tokyo đã ghi nhận 7.377 ca nhiễm mới vào ngày 19/01, ba tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa cũng nằm trong danh sách ban bố tình trạng khẩn cấp. Trước đó 3 tháng, các khu vực này vừa được dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp.
Chín tỉnh khác cũng nằm trong diện ban bố tình trạng khẩn cấp bao gồm Aichi, Gifu, Mie ở vùng trung tâm Nhật Bản; Nagasaki, Kumamoto, Miyazaki ở phía Tây Nam; Kagawa ở phía Tây; Niigata ở phía Bắc và Gunma ở phía Đông Nhật Bản. Hai tỉnh Fukushima và Shimane cũng đang được xem xét.
Trước đó, vào ngày 09/01, ba tỉnh Okinawa, Yamaguchi và Hiroshima đã được đặt vào tình trạng khẩn cấp, áp dụng đến ngày 31/01. Cùng với 13 khu vực lần này, khoảng một phần ba trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản đã rơi vào tình trạng khẩn cấp.
Những thách thức phải đối mặt
Chính quyền các tỉnh thành trên lo ngại rằng các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân không phải thuộc diện nhiễm COVID-19 có thể bị quá tải nếu các ca nhiễm COVID-19 tăng theo tốc độ hiện tại, từ đó gây ảnh hưởng đến người lớn tuổi và những người mắc các bệnh nền khác.
Ngoài mối lo trên, Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế bởi sự gia tăng mạnh số lượng những người tiếp xúc gần với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ông Daishiro Yamagiwa, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế, tham gia vào tổ công tác chống COVID-19 cho biết: “Chúng ta cần ngăn chặn sự lây lan của các ca nhiễm có khả năng gây ra áp lực lớn lên hệ thống y tế nước nhà trong tương lai gần."
Trong khi Thủ tướng Kishida đặt nhiệm vụ ứng phó với COVID-19 là ưu tiên hàng đầu kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021, chính quyền của ông Kishida hiện tại đang phải đối mặt với khó khăn làm sao để cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19, đồng thời giữ cho kinh tế tiếp tục phát triển, nhất là khi nhiều chuyên gia y tế cho biết mặc dù tốc độ lây lan tự nhiên của biến thể Omicron nhanh hơn, nhiều người không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhiễm rất nhẹ.
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 đến nay, Nhật Bản chưa bao giờ thực hiện phong tỏa trên toàn quốc. Ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu của chính phủ về COVID-19 nêu ý kiến rằng không nhất thiết phải dừng toàn bộ các hoạt động xã hội lẫn kinh tế, nhưng khuyến cáo mọi người cần tránh các tình huống dễ lây nhiễm virus như tụ tập nơi đông người hay nói lớn giọng.
Ông Omi cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta không cần phải đóng cửa các quán ăn nếu mọi người dùng bữa theo nhóm nhỏ khoảng 4 người và nói chuyện nhẹ nhàng, nhỏ tiếng trong lúc đeo khẩu trang”.
Những thay đổi trong lần ban bố tình trạng khẩn cấp mới
Hiện tại, chính quyền ở 13 tỉnh thành có thể chỉ định các khu vực cụ thể để tập trung vào phòng chống COVID-19, cũng như đưa ra quyết định về giờ hoạt động hoặc vấn đề phục vụ rượu cho các quán ăn ở địa phương tùy tình hình thực tế. Rút ngắn giờ hoạt động của nhà hàng, quán bar là bắt buộc nhưng ngừng phục vụ rượu thì có thể linh động.
Về nguyên tắc, Chính phủ Nhật Bản sẽ ngừng thực hiện chương trình kiểm tra xem những người đến các địa điểm như nhà hàng đã tiêm 2 mũi hay có xét nghiệm âm tính với COVID-19, như một cách để phục hồi hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh vẫn có thể tự tiến hành kiểm tra nếu thấy cần thiết.
Phía chính quyền các tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo ở miền Tây Nhật Bản cũng cho biết nếu một trong các tỉnh này muốn áp dụng tình trạng khẩn cấp, cả ba tỉnh sẽ cùng nhau gửi yêu cầu tới Chính phủ.
Ông Motohiko Saito, một nhà chức trách tại tỉnh Hyogo cho biết: “Do tình hình lây nhiễm hiện tại, chúng tôi có thể sẽ đưa ra yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp trong tuần này”.
kilala.vn