Kỹ thuật kiến trúc truyền thống Nhật Bản được công nhận là di sản văn hóa
Tin 60s
Nguồn: Kyodo News
Ảnh: PIXTA
Sau khi được đề xuất vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO thì vào ngày 17/12, kỹ thuật kiến trúc truyền thống của Nhật Bản đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Kỹ thuật kiến trúc truyền thống của Nhật Bản có 17 hạng mục thủ công được dùng để sửa chữa và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, trong đó có các hạng mục như kỹ thuật trát tường sakan, lợp ngói, sơn mài, làm chiếu tatami. Các kỹ thuật này sử dụng những vật liệu từ tự nhiên như gỗ, đá, đất,... nhưng lại có khả năng chống chịu thiên tai, phục hồi các cấu trúc bị hư hỏng do thiên tai.
Những công trình kiến trúc truyền thống nổi tiếng ở Nhật Bản có thể kể đến như chùa Horyuji (法隆寺) ở tỉnh Nara. Được xây dựng vào năm 607, đây là công trình kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất còn sót lại trên thế giới. Năm 1993, chùa Horyuji đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và được Nhật Bản xem như là Quốc bảo. Hoặc lâu đài Himeji (姫路城) ở tỉnh Hyogo cũng là một công trình kiến trúc cổ và đã được công nhận là Di sản Thế giới. Những công trình này vẫn còn có thể bảo tồn cho đến ngày nay là nhờ vào việc trùng tu và sửa chữa dựa trên kỹ thuật truyền thống.
Trước kỹ thuật kiến trúc truyền thống, Nhật Bản đã có một số loại hình văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể như kịch Noh, kịch Kabuki và ẩm thực truyền thống Washoku. Tiếp theo, Nhật Bản đang hi vọng điệu múa dân gian Furyu-odori sẽ được ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2022.
kilala.vn