Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động trong thời gian tới
Tin 60s
Nguồn: Kyodo News
Theo kết quả của một cuộc khảo sát gần đây, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam và Ấn Độ đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ở nước sở tại. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng của các doanh nghiệp để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, như một phần của chiến lược "Trung Quốc + 1*".
Trong cuộc khảo sát trực tuyến do công ty nhân sự Nhật Bản Pasona Group Inc. thực hiện vào tháng 12 năm ngoái, 57% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và 55% doanh nghiệp tại Ấn Độ cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động tại nước sở tại, cao hơn so với mức trung bình 39% của tất cả 11 quốc gia và các vùng được thăm dò ý kiến. Trong khi đó, Hồng Kông là nước đứng ở hạng thấp nhất, chỉ với 13% do môi trường thương mại trở nên tồi tệ sau những vấn đề xảy ra với Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
Trong số 818 doanh nghiệp được thăm dò ý kiến, 67% doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch giữ nguyên tình hình hiện tại của các xưởng sản xuất và hoạt động ở 11 quốc gia. 20% doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch bổ sung và củng cố chức năng của các văn phòng ở nước ngoài, một phần vì khó khăn trong việc thực hiện các chuyến công tác qua lại với trụ sở chính ở Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch.
Với các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khoảng 30% doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái Lan, 28% doanh nghiệp ở Malaysia và 22% doanh nghiệp ở Hồng Kông cho biết họ đã cắt giảm nhân sự hoặc có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong vòng ba tháng tới.
Xu hướng làm việc từ xa ngày càng tăng trong bối cảnh đại dịch, thêm vào đó là giá bất động sản cao nên một số công ty cũng đang có kế hoạch giảm quy mô văn phòng. Theo khảo sát, có khoảng 15% doanh nghiệp ở Hồng Kông, Singapore và Indonesia đang có kế hoạch hoặc dự định như trên. Trong khi đó, có 43% doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ đã mở rộng văn phòng hoặc đã có kế hoạch cho việc mở rộng.
* Theo Keisuke (2015), Chiến lược “Trung Quốc + 1” là một phương pháp các doanh nghiệp áp dụng để bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Nghĩa là, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar... (Nguồn: tapchitaichinh.vn)
kilala.vn