Kuchisabishii – 口寂しい
Có những khi bạn không hề thấy đói nhưng vẫn muốn ăn một thứ gì đó? Nếu đúng như vậy thì bạn đang gặp tình trạng “buồn miệng” hay trong tiếng Nhật được gọi là Kuchisabishi (口寂しい ) – “chiếc miệng cô đơn”. Thuật ngữ này cũng được dùng cho những người đang cai thuốc lá cố gắng tìm đến phương pháp khác, ví dụ như nhai kẹo cao su để giảm bớt ham muốn hút thuốc.
Shouganai - 仕様がない
Shouganai (仕様がない) được sử dụng khi bạn nhận thấy có những điều xảy ra không nằm trong dự liệu và bạn không thể thay đổi được. Ví dụ trời mưa khi bạn đang định đi cắm trại, xe hư ngay lúc bạn cần đi làm hoặc người bạn thích không đáp lại tình cảm của bạn. Thuật ngữ này cũng được sử dụng như một lời tự động viên bản thân hay lời khuyên cho ai đó rằng, có những điều vượt ngoài tầm kiểm soát, thay vì cố gắng thay đổi thì hãy học cách chấp nhận và làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng của mình. Đây cũng được coi là một phần trong quan niệm Wabi Sabi - chấp nhận sự không hoàn hảo của người Nhật.
Mendokusai - 面倒くさい
Từ này đề cập đến tâm trạng của bạn khi buộc phải làm những thứ gọi là “nghĩa vụ”, những việc buồn chán và tẻ nhạt nhưng không thể nào tránh khỏi. Người phụ nữ luôn phải nấu các bữa ăn cho gia đình, một đứa trẻ phải làm bài tập hay bạn phải gọi điện thoại cho người mình không thích… Những lúc này, chúng ta có thể thốt lên “Mendokusai - Thật phiền phức”.
Mottainai - 勿体ない
Khi sắp xếp tủ quần áo, đôi lúc bạn sẽ phải bỏ đi những món đồ quá cũ, không còn sử dụng được để nhường chỗ cho những bộ quần áo mới. Tuy nhiên, nếu đây là món đồ bạn rất thích và không nỡ vứt đi, bạn sẽ thấy tiếc nuối đi kèm với cảm giác lãng phí. Cảm xúc này được gọi tên là “Mottainai" (Thật lãng phí). Không chỉ nói về những món đồ đã sử dụng mà ngay cả những món đồ chưa được dùng đến nhưng buộc phải vứt đi cũng được gọi là Mottainai. Đồng thời, sự lãng phí tài năng hay đánh mất cơ hội của chính mình cũng có thể dùng thuật ngữ này.
Thực chất, Mottainai đã vượt qua ranh giới của sự căn cơ, tiết kiệm hay duy trì, giữ gìn để trở thành một triết lý sống của người Nhật. Tất cả những gì trên trái đất này đều là quà tặng của Tạo hóa, phải trân trọng và không được phép phí phạm.
Nhà bảo vệ môi trường người Kenya – Wangari Maathai, đã sử dụng thuật ngữ này tại Liên Hợp Quốc như một khẩu hiệu để thúc đẩy bảo vệ môi trường. Đây cũng là thuật ngữ mà các nhà môi trường Nhật Bản dùng để khuyến khích người dân giảm thiểu, tái sử dụng đồ đạc.
Irusu - 居留守
Irusu là sự kết hợp giữa hai từ trái nghĩa là “居 - i” (ở) và “留守 - rusu” (vắng nhà), dùng để chỉ việc đang ở nhà nhưng vờ như không nghe tiếng chuông cửa. Nếu bạn đang cầm điện thoại, đột nhiên có cuộc gọi đến nhưng bạn không muốn bắt máy, cảm giác đó cũng là Irusu. Nó không giống với việc bạn vô tình bỏ lỡ một cuộc điện thoại.
Xem thêm: 6 thành ngữ tiếng Nhật về tình yêu khiến bạn ngỡ ngàng
kilala.vn