Từ ý thức đến hành động để ngăn ngừa COVID-19
Sức khỏe Nhật Bản
Bài: Bác sĩ Phạm Nguyên Quân (NCS – TS ngành Nha khoa ĐH Osaka)
1. Thói quen hắt hơi
Hãy che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho.
Virus có thể di chuyển qua không khí khi một người ho hoặc hắt hơi. Khi ho hoặc hắt hơi, bạn nên quay lưng lại với người khác và hãy che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khủy tay gập lại (khi mặc áo tay dài).
Không nên dùng bàn tay để che khi hắt hơi.
Nếu lỡ dùng bàn tay để che khi hắt hơi, hãy rửa tay càng sớm càng tốt. Nếu có thể, hãy dùng khăn giấy và vứt vào thùng rác sau khi dùng thay vì bỏ lại vào túi xách. Một thói quen thường gặp khác của các quý ông là việc sử dụng khăn tay. Thói quen hắt hơi vào khăn tay rồi cất lại vào túi quần là không hợp vệ sinh vì nó sẽ vô tình lưu trữ và lây thêm mầm bệnh.
2. Thói quen rửa tay
Rửa tay thường xuyên ngay cả khi chúng không bẩn là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa virus cúm, đặc biệt là trong các trường hợp:
- Sau khi bạn đi vệ sinh
- Sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi
- Sau khi tiếp xúc với người bị cảm lạnh
- Trước khi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình/người thân
- Trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
Đa số các vòi rửa tay ở Việt Nam đều là loại dùng tay để khóa mở. Vì vậy bạn hãy chú ý đến vòi nước vì đây có thể là nơi lưu trú của virus. Một gợi ý đơn giản là bạn có thể dùng xà phòng rửa luôn phần vòi nước, điều này làm tay bạn hoàn toàn sạch sau khi khóa vòi và cũng những người sử dụng sau bạn có “vòi nước sạch”. Ngoài ra, máy sấy tay trong toilet công cộng cũng có thể phát tán mầm bệnh. Bạn nên dùng khăn giấy thay vì máy sấy tay vì đây là cách vệ sinh nhất. Hãy làm khô tay, vì nước có thể là môi trường cho mầm bệnh phát triển trở lại.
3. Thói quen dùng chung
Virus cúm có thể bám trên bề mặt vật dụng và lây lan khi bạn chạm vào vật dụng, sau đó chạm vào mặt mình hoặc người khác. Vì vậy, hãy tập thói quen không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác hoặc tráng qua nước sôi trước khi dùng.
4. Thói quen dọn dẹp
Virus cúm có thể sống trên bề mặt các vật dụng trong vài giờ. Vì thế nên thường xuyên làm sạch các vật dụng hằng ngày như bề mặt như bàn, ghế dài, cửa tủ lạnh hay bàn phím máy tính bằng cồn xịt hoặc xà phòng. Đặc biệt điện thoại di động là thiết bị rất dễ bị nhiễm khuẩn nên bạn cũng cần khử trùng điện thoại di động mỗi ngày bằng cách sử dụng khăn lau có thấm cồn.
5. Thói quen tiếp xúc
Tránh tiếp xúc gần với người khác. Không nên bắt tay, ôm hôn, thì thầm với người khác, nhất là người già và trẻ em. Giữ khoảng cách với những người khác (cách nhau ít nhất 1 mét) khi bạn cảm thấy không khỏe. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ lây truyền virus cúm sang người khác. Tránh đi ra ngoài và đến những nơi công cộng khi bị bệnh. Nếu bị cúm, bạn nên ở nhà, không nên đi làm, đi học hoặc đến các nơi công cộng và tránh dùng phương tiện giao thông công cộng.
6. Chú ý đến những vật dụng công cộng
Vòi nước, tay nắm cửa, nút bấm dội toilet, ghế trên xe buýt, tay vịn cầu thang/xe buýt, nút bấm máy ATM, xe đẩy, giỏ đựng trong siêu thị, son môi thử chung ở quầy mỹ phẩm, bàn phím và chuột của máy tính dùng chung,… là những nơi nhiều người tiếp xúc nhất. Vì vậy, sau khi chạm vào những nơi này, bạn nên lưu ý rửa tay thật sạch theo các bước đã nêu ở trên.
7. Ý thức là quan trọng nhất
Tất nhiên bạn không thể tránh khỏi việc đụng chạm đến các dụng cụ, các vật dụng công cộng. Nhưng hãy nhớ rằng tay bạn không sạch như bạn nghĩ. Chỉ có việc tự ý thức “tay bẩn” được như vậy mới dẫn đến hành động “rửa tay” thường xuyên được.
kilala.vn