Làm gì để phòng ngừa bệnh lú lẫn?
Sức khỏe Nhật Bản
Bài: Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Nguyên Qúy /Hình ảnh: Pixta
Không dừng lại ở những người cao tuổi, bệnh suy giảm trí nhớ mà mọi người quen gọi “lú lẫn” giờ đây đã tấn công sang người trung niên lẫn người trẻ. Những ảnh hưởng của nó đến đời sống người bệnh ra sao, và làm cách nào để phòng ngừa không phải ai cũng biết.
Theo các chuyên gia nghiên cứu y khoa Nhật Bản, chứng bệnh này xảy ra phần lớn là do bệnh Alzheimer (chứng thoái hóa thần kinh mãn tính) và các tổn thương mạch máu não. Tuy nhiên, chỉ cần người bạn lưu tâm đến chế độ dinh dưỡng, cũng như vận động hàng ngày và một vài thói quen tốt khác có thể đề phòng được căn bệnh này.
Nguyên nhân không rõ ràng
Từ một nghiên cứu kéo dài hơn 50 năm ở một vùng điển hình ít có xáo trộn về di cư ở Nhật Bản, các chuyên gia khoa học đã đi đến kết luận khá rõ ràng về những loại thức ăn hay cách sống liên quan đến chứng lú lẫn. Thật ra, căn bệnh này xuất phát từ những triệu chứng của chứng thoái hóa thần kinh mãn tính với những dấu hiệu dễ nhận biết đơn giản như mất nhận thức thời gian, rối loại thị lực và gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với các công việc thường ngày như nấu cơm, tắt mở đèn, tưới cây, đặt cất các đồ vật trong nhà... Không lâu sau, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời bệnh sở trở nặng, người bệnh thậm chí tiểu tiện lung tung, nói năng khó hiểu, quên cả người thân chính mình, thậm chí dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ ràng, với khoảng 70% nguy cơ được cho là do gen gây ra. Mặc dù có nhiều ý kiến chưa thống nhất và chưa rõ ràng nguyên nhân dẫn đến căn bệnh khó hiểu này nhưng việc phòng ngừa bệnh từ sớm rất cần và được chú trọng. Theo giới chức y tế khuyến cáo người dân nên đi khám bác sĩ để được phát hiện sớm về khả năng mắc bệnh. Qua đó giúp bệnh nhân và gia đình có được phác đồ điều trị và chăm sóc thích hợp cho từng giai đoạn diễn tiến của bệnh.
Ngăn ngừa bằng nhiều cách
Mức độ trẻ hóa bệnh lú lẫn nhắm vào nhân viên văn phòng, phụ nữ sau sinh hay những người làm việc ở cường độ cao, áp lực... với các biểu hiện như mất tập trung, dễ cáu gắt, ngủ không ngon giấc, thường xuyên âu lo. Trước thực trạng như thế, các chuyên gia đưa ra “phác đồ” ngăn ngừa đối với căn bệnh này.
+ Não của bạn cần được nghỉ ngơi hợp lý
Đầu tiên cần giúp cho não bộ được nghỉ ngơi bằng cách đơn giản là ngủ đủ giấc. Bởi nếu thiếu ngủ sẽ liên quan đến số vấn đề sức khỏe bao gồm căng thẳng và tăng cortisol, cả hai đều là yếu tố nguy cơ cho bệnh lú lẫn. Ngoài ra, hệ thống loại thải beta-amyloid (chất này tấn công các noron và thần kinh gây tổn thương não bộ) của não sẽ hoạt động tích cực hơn trong khi ngủ.
+ Lối sống lành mạnh
Thường xuyên tập thể dục để gìn giữ khối lượng vùng hải mã, đây là phần đầu tiên của não bị tấn công bởi bệnh lú lẫn. Những lựa chọn phù hợp bao gồm đi bộ nhanh, nhảy múa, bơi lội, đi xe đạp và thậm chí là làm vườn. Và tuyệt đối bỏ thuốc lá, bởi nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2014 chỉ rõ những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng lú lẫn cao hơn 45% so với người không hút thuốc và cũng cho rằng 14% tất cả các trường hợp sút giảm trí lực có thể là do hút thuốc. Bạn cũng nên dành thời gian để thiền, việc này giúp ổn định tâm trí giúp phòng ngừa bệnh lú lẫn tốt hơn bạn nghĩ. Thiền có thể làm tăng mô bảo vệ trong não, có thể giúp người cao niên cảm thấy bớt căng thẳng và giảm hoóc môn Cortisol, được cho là làm tăng nguy cơ phát triển chứng lú lẫn.
+ Ăn uống thông minh
Bạn nên bồi bổ cho não bộ bằng các loại thực phẩm có lợi cũng như cải thiện chế độ ăn uống. Theo lời khuyên của các nghiên cứu đến từ Nhật Bản, mọi người không nên ăn uống quá độ gây béo phì; ăn lạt (ít hơn 10 gram muối/ngày); dùng sữa bò, sữa đậu nành và các sản phẩm từ sữa; uống rượu vang đỏ (vừa phải) và nước trà; bổ sung chất sắt (vừa đủ); uống nước trước khi ngủ; áp dụng chế độ ăn với nhiều hải sản (đặc biệt hải sản có nhiều EPA, DHA như cá da xanh), thịt gà, dầu ô liu và các thực phẩm khác giàu Omega-3; uống nước ép trái cây và rau để bổ sung nhiều vitamin E; bổ sung vitamin K; hạn chế lượng đường bởi bệnh tiểu đường có liên quan chặt chẽ với bệnh lú lẫn...
+ Chăm sóc sức khỏe răng miệng và tập thói quen nhai kỹ
Thường xuyên chăm sóc răng tốt, nhai kỹ và ăn uống thật chậm rãi. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc nhai giúp truyền tải thông tin cảm giác đến não và duy trì các chức năng học tập và ghi nhớ của vùng đồi thị. Do đó cần chú ý và ưu tiên phòng ngừa mất chức năng nhai và điều trị các bệnh về răng miệng để ổn định hoặc thậm chí cải thiện nhận thức.
+ Hãy cười nhiều hơn!
Hạn chế căng thẳng tuyệt đối vì căng thẳng có liên hệ với sự phát triển của bệnh lú lẫn, đặc biệt ở ở những người có nguy cơ mắc bệnh. Thường những người bị suy giảm nhận thức nhẹ và thường xuyên bị căng thẳng sẽ có khả năng mắc bệnh lú lẫn cao hơn 135%. Và một vài điều cuối cùng, bạn nên cười thật nhiều sẽ tốt hơn cho tâm hồn, duy trì sự năng động giúp kích thích não bộ, phát triển các tế bào não mới. Nếu được, hãy tranh thủ thời gian có thể để học thêm ngoại ngữ thứ hai, ngoài giúp bạn hiểu biết thêm về văn hóa, ngoại ngữ thứ hai giúp trì hoãn sự khởi phát của bệnh lú lẫn 4 năm.
kilala.vn