Yoga – mối liên tưởng thần bí
Nhắc đến Yoga, bạn có thể liên tưởng ngay đến những vị đạo sĩ Ấn Độ trong bộ dạng lạ lùng, dáng người khổ hạnh, uốn thân mình với những dáng thế kỳ quặc hoặc ngồi toạ thiền mắt nhắm, cơ thể lơ lửng trên không trung, mang nét bí hiểm đầy ma thuật. Yoga cũng được ví như một tín ngưỡng, một yếu tố triết học và thực hành với mục đích chính là luyện thân và luyện tâm. Sử dụng tâm pháp để điều chỉnh những hoạt động cơ thể bao gồm hơi thở, nhịp đập tim, tuần hoàn máu, thân nhiệt, kiểm soát sự vận động ngũ tạng của cơ thể người để đạt đến một cảnh giới được ví von là một sự thoát tục. Patanjali, một hiền triết cổ đại, được xem là người tạo lập Tám Nhánh của Yoga (the Eight Limbs of Yoga). Gồm có:
1. Giới (Yama)
2. Luật (Niyama)
3. Điều thân (Asana)
4. Điều khí (Pranayama)
5. Điều tâm (Pratyahara)
6. Tập trung (Dharana)
7. Thiền (Dhyana)
8. Định (Samadhi)
Các phép luyện Yoga thường chia hai nhánh cơ bản gồm:
Raja Yoga: Người luyện phương pháp này sẽ tập trung vào việc vận hành hơi thở, nặng về tâm thức hơn là vận động cơ thể. Thánh điển quan trọng của Ấn giáo là Áo nghĩa thư (Upanisad) có nói Yoga chính là sự kết hợp của sáu thành phần cơ bản gồm hơi thở, làm chủ giác quan, toạ thiền, tịnh tâm, tư duy, an định. Và trường phái Yoga này gần với Thiền.
Zen – trái tim của Yoga
Thiền ban đầu là phương pháp tu luyện của tôn giáo, một trạng thái tập trung cao độ để tâm trí đạt ngưỡng đem lại cảm giác thể xác như được hoà đắm vào ý thức vũ trụ. Dần dà, khi Thiền trở nên phổ thông hơn, yếu tố tôn giáo dần được giản lược, người luyện Thiền tập trung vào quan sát và điều khiển hơi thở để dòng năng lượng thiên nhiên tràn vào cơ thể, tạo sự thanh lọc và góp phần kích hoạt những tiềm năng bản thân.
Ở Nhật Bản, Thiền được các vị thiền sư du nạp từ ngoại quốc vào thế kỷ 12 – 13, và có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá, lịch sử, xã hội, mỹ thuật… Thiền trở thành một phong cách, gắn liền với các bộ môn nghệ thuật, văn hoá khác như Thiền và Võ Sĩ Đạo (Samurai), Thiền và Kiếm đạo (Kendo), Thiền và Trà đạo (Chado), Thiền và Hoa đạo (Ikebana), Thiền và thơ Haiku, họa sơn thuỷ, thư pháp… Thiền ở Nhật Bản cũng gắn với vườn Thiền, công cụ để các thiền nhân, thiền tăng, thiền sư chọn làm nơi tĩnh toạ, họ nhìn vào sự sắp đặt của đá, của rêu phong, và thiền định để ngộ ra những ý nghĩa tiềm ẩn của từng góc vườn.
Ích lợi của Yoga và Thiền
Yoga quan tâm đến vấn đề hình thể nhiều hơn Thiền, bởi tập luyện Yoga, ngoài vấn đề sức khoẻ, còn là chuyện cải thiện trọng lượng, tăng độ dẻo dai cơ khớp, đem lại vóc dáng đẹp, chữa bệnh tật… Người luyện Yoga đạt độ kiểm soát thân thể vào những dáng thế đã được đúc kết thành các bài tập nghiêm ngặt, cần phải qua quá trình rèn luyện công phu. Và để trở thành một Yogin (nam) hoặc Yogini (nữ), cần có người hướng dẫn luyện tập mới có thể thực hiện tốt.
Thiền nhấn mạnh vào yếu tố tinh thần, tâm trí, với cốt lõi là sự buông xả. Khi thiền định, cơ thể được thả lỏng, không chịu bất kỳ một sự thúc ép nào giúp đạt đến tinh thần viên mãn, và trong quá trình vận động thở, cũng là điều kiện cho cơ thể thanh lọc và giảm thiểu bệnh tật. Do không câu nệ, gượng ép vào các quy chuẩn khi hành thiền như Yoga, nên chỉ cần nắm hoặc thông hiểu phương pháp là có thể Thiền mà không cần người hướng dẫn. Vậy nên muốn đạt nguồn trí lực dồi dào, trong sáng, mạnh mẽ để có thể khai sáng, đánh thức các những tiềm năng bản thân, Thiền sẽ là một bộ môn phù hợp.
Những giới hạn nhất định khi tập luyện
Yoga: Trong luyện tập, việc thực hiện những dáng thế khó, phức tạp, cần độ dẻo và giới hạn chịu đựng cơ khớp cần phải có sự kiểm soát nghiêm ngặt của các huấn luyện viên để điều chỉnh đúng tư thế và tránh chấn thương đáng tiếc.
Zen: cần chú trọng đến “bài học vỡ lòng” là thân ở đâu thì tâm ở đó, khi tâm trí đang lãng du theo những suy nghĩ miên man, hãy kéo nó trở lại bằng hơi thở, bằng nhịp đập cơ thể, tâm và hơi thở phải hoà làm một để lấy lại sự cân bằng cho cơ thể, nếu không muốn bị “tẩu hoả nhập ma” chỉ vì Thiền sai phương cách.
Thiên An / kilala.vn