So với nhiều quốc gia, lối sống thuần chay vẫn còn khá xa lạ ở Nhật Bản một vài năm trước. Nhưng gần đây, nó đang dần trở thành một xu hướng, thu hút nhiều doanh nghiệp bắt đầu “bước chân” vào thị trường tiềm năng này.
Bối cảnh chung
Lối sống thuần chay có thể hiểu là cuộc sống mà con người không sử dụng bất kì sản phẩm nào liên quan đến động vật, từ thực phẩm, nước uống, trang phục, vật dụng hàng ngày… và thay thế hoàn toàn thành thực vật. Mỗi người sẽ có một mục đích riêng khi thực hành lối sống này, có thể vì muốn bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, mong muốn cải thiện sức khỏe và sự tươi trẻ, hay đơn giản chỉ là sở thích cá nhân.Ngày càng nhiều người nổi tiếng thực hiện theo lối sống này, điều đó cũng tác động ít nhiều đến suy nghĩ và thói quen của công chúng. Theo nhiều chuyên gia dự đoán, việc kinh doanh các sản phẩm thuần chay sẽ có nhiều triển vọng trong những năm tới. Báo cáo vào năm 2017 do Nielsen và Hiệp hội thực phẩm có nguồn gốc thực vật (PBFA) cho thấy, doanh số bán thực phẩm có nguồn gốc thực vật ở Hoa Kỳ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước đó, tương đương 3,1 tỷ đô. Theo công ty nghiên cứu Packaged Facts, các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc thực vật dự kiến sẽ chiếm 40% doanh số bán đồ uống thay thế từ sữa.
Không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm, nhiều doanh nghiệp may mặc cũng đã chủ động tìm kiếm những chất liệu thân thiện với môi trường cho các sản phẩm của mình. Cho đến nay, các chất liệu thay thế cho da đã được tạo ra từ lá dứa, vỏ táo, nấm, kombucha, rượu vang và thương hiệu da đã qua xử lý sinh học Vegan Silk. Các thương hiệu xa xỉ cũng không thể đứng ngoài trào lưu này, Versace và Burberry đã thông báo rằng họ sẽ không sử dụng lông thú vào năm 2018. “Điều khiến một thương hiệu trở nên sang trọng và hiện đại chính là việc họ có trách nhiệm với môi trường”, Giám đốc điều hành Burberry - Marco Gobbetti tuyên bố.
Thuần chay tại Nhật
Tuy nhiên, so với các nền kinh tế phát triển, xu hướng này có vẻ phát triển khá chậm tại đất nước mặt trời mọc, có thể một phần vì người Nhật có khá ít sự lựa chọn các sản phẩm thuần chay trên thị trường. Bên cạnh đó, người ăn chay thường bị cho là do những luật lệ của tôn giáo. Cụ thể, ăn chay là một phương pháp tu hành trong Phật giáo, tu dưỡng tinh thần bằng cách thoát khỏi sự cám dỗ của mỹ thực. Trong Phật giáo Nhật Bản tồn tại nền ẩm thực chay truyền thống được gọi với cái tên Shojin Ryori (精進料理).Nhưng điều đó đã dần thay đổi khi những người trẻ tuổi tại Nhật đang dần hòa nhập với xu hướng của thế giới. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp thực phẩm, những thay đổi lớn đã xảy ra gần đây: từ khoảng tháng 05/2020, nhiều người trẻ trong khoảng độ tuổi 20 đã đến cửa hàng để tìm kiếm thực đơn chay và thuần chay. Những lý do thường được nghe từ người trẻ chọn lối sống thuần chay là vì họ “muốn bảo vệ môi trường”, “được truyền cảm hứng từ người nổi tiếng”…
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng thực phẩm thuần chay khá đơn điệu, những đầu bếp đã có cách mang đến bữa ăn thuần chay không chỉ đa dạng về hương vị, ngon miệng mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng. Dưới đây là một số gợi ý khi bạn muốn thưởng thức món ăn thuần chay tại Nhật Bản.
“Bơ” làm từ thực vật
Đây không phải là bơ thực vật – margarine mà chúng ta quen thuộc, chúng là những loại rau củ được xay nhuyễn và kết hợp cùng nhiều hương vị khác nhau, tiện lợi để thưởng thức bữa ăn nhanh, gọn, lẹ, đủ chất. Công ty TNHH Biosebon Japon là đơn vị phân phối trực tiếp sản phẩm bơ rau củ có tên gọi “Streich” đến từ thương hiệu Zwergenwiese của Đức. Zwergenwiese là một công ty đã dẫn đầu thị trường thuần chay Đức trong 40 năm, tên công ty có nghĩa là "đồng cỏ của các linh hồn" trong tiếng Đức, đây là một cách nói nhằm bày tỏ lòng trân trọng với thực vật được gieo trồng và đón nhận tinh hoa của đất trời, tạo nên nguồn thực phẩm bổ dưỡng.Sản phẩm này được làm từ trái cây, rau củ kết hợp cùng hạt hướng dương hữu cơ và các loại gia vị để tạo nên sự đa dạng trong món ăn. Tất cả màu sắc trong Streich đều 100% tự nhiên từ các loại rau củ, không thêm vào những chất phụ gia không cần thiết. Với 8 hương vị, bạn có thể kết hợp sản phẩm với bánh mì, salad, súp, sốt mì ống…
Nhà hàng thuần chay tại Tokyo
HalloGallo
Một quán bar thuần chay ấm cúng và độc đáo ở trung tâm Nakano. Tại đây có thực đơn đồ uống phong phú (hãy thử White Russian với sữa hạnh nhân) và đồ ăn tự làm.Địa chỉ: 2F, 5-56-15 Nakano, quận Nakano, Tokyo
Website: hallogallotokyo.com
Kiboko
Quán ăn theo phong cách Izakaya với đa dạng các món ăn thuần chay thưởng thức cùng rượu vang. Một lựa chọn tốt ở khu vực Shibuya để ăn tối với bạn bè.Địa chỉ: 4F, 2-5-8 Shinjuku, quận Shinjuku, Tokyo
Website: kiboko.owst.jp
Lito Rukka
Muốn thưởng thức tại nhà hàng này, bạn cần phải đặt chỗ trước. Các món ăn của quán tập trung vào thực phẩm hữu cơ và lành mạnh, không những thế, đồ ăn xứng đáng có một bài đăng trên Instagram vì gần như quá đẹp để ăn!Địa chỉ: 4-27-10-5 Hayamiya, quận Nerima, Tokyo
Website: litorukka.com
Ngoài ra, nếu yêu thích mua sắm, bạn cũng có thể ghé thăm một số cửa hàng bán các mặt hàng hữu cơ đa dạng bao gồm đồ dùng hàng ngày, nguyên liệu nấu ăn, chăm sóc cá nhân… như: AliShan, iHerb Japan, Kempo, Lima Health…