"non-no" - Tạp chí thời trang kawaii của Nhật
Lifestyle
non-no là tạp chí như thế nào?
Phỏng vấn Tổng biên tập tạp chí non-no
Mục tiêu của một tạp chí thời trang Kawaii
Q. Có một chút bất ngờ vì tổng biên tập của tạp chí thời trang dành cho nữ sinh viên lại là nam giới. Từ trước đến nay, anh đã phụ trách những tờ tạp chí nào?
A. Năm 1988, tôi tốt nghiệp đại học và vào làm tại NXB Shueisha. Tôi phụ trách MORE (tạp chí thời trang nữ dành cho lứa tuổi 20) cho đến năm 30 tuổi, sau đó là non-no. Ban biên tập non-no có tất cả 3 nam, khá đông với một tờ thời trang nữ. Thật ra ban đầu, nguyện vọng của tôi là những công việc như phỏng vấn tuyển thủ thể thao, tuy nhiên vào cuối buổi phỏng vấn xin việc, do lỡ chia sẻ “Tôi thích nấu ăn”, cộng thêm tổng biên tập trước đây của non-no và tôi đều là fan hâm mộ của một đội bóng chày chuyên nghiệp, những cái “duyên” đó đã dẫn tôi đến với non-no (cười). Tuy bắt đầu từ năm 30 tuổi, nhưng phải đến cuối những năm của lứa tuổi 40 tôi mới trở thành tổng biên tập. Hơn phân nửa các tổng biên tập trước đây của non-no đều là nam giới.
Q. Chủ đề và xu hướng thời trang đăng trên tạp chí được lựa chọn như thế nào?
A. Trước khi sang mùa khoảng 3 tháng, ban biên tập sẽ đến buổi triển lãm bộ sưu tập mới của các thương hiệu thời trang để khảo sát màu sắc, chất liệu cũng như kiểu dáng đang thịnh hành. Đối với thương hiệu có tiềm năng, toàn bộ biên tập viên sẽ cùng đi. Sau đó, chúng tôi sẽ họp lại để quyết định xu hướng nào “Nhất định sẽ được yêu thích!”. Phó tổng biên tập sẽ tổng kết ý kiến và tôi sẽ là người quyết định cuối cùng. Tôi cũng thường đến các buổi triển lãm nhưng tôi rất tôn trọng ý kiến của những nhân viên gần với lứa tuổi độc giả, nên nếu xảy ra trường hợp “Người bên nhãn hàng nói kiểu kia sẽ được đón nhận nhưng không phải, chắc chắn phải là kiểu này!” thì tôi vẫn ưu tiên ý kiến của nhân viên mình hơn.
Q. “Kawaii” của non-no thể hiện ở đâu?
A. Đó là việc không “làm quá”, chỉ cần trở thành lời khen tuyệt vời nhất mà bạn sẽ nhận được từ hội bạn thân - “Cái này hợp với cậu đấy!”, chứ không phải “Cái này điệu đà quá. Từ “Moteru” (trong trường hợp này là “được nhiều bạn trai yêu thích”) thường được sử dụng trên non-no nhưng thật ra ngầm ý là “được nhiều bạn gái yêu thích”. Ban biên tập từng nhận được những phản hồi như “Con trai thích gì không quan trọng như vậy!”. Từ trước đến nay, hầu như các độc giả của non-no đều thuộc tuýp “Mình làm đẹp vì bản thân”. Do đó, khái niệm “Kawaii” của non-no xuất phát từ góc nhìn của phái nữ. Trước khi chụp ảnh, biên tập viên nữ thường mặc thử trang phục để đánh giá, như “Màu này nữ tính quá nên hơi mắc cỡ nhỉ…”. Ngay cả đồ bơi cũng mặc thử. Chúng tôi rất xem trọng góc nhìn của độc giả.
Q. Có điểm gì khác biệt giữa tạp chí thời trang trong nước và tạp chí thời trang quốc tế?
A. Khi giới thiệu sản phẩm, tạp chí trong nước thường sẽ có hướng dẫn như “Phố đồ thế nào?” trong khi hầu hết các tạp chí nước ngoài chỉ giới thiệu đơn thuần. Ở Nhật, nhu cầu thông tin ngày càng tăng cao nên những hướng dẫn như cách mix trang phục trong 10 ngày với cùng 1 item hay phối trang phục bằng ứng dụng điện thoại, .. rất phổ biến. Bên cạnh phần nhìn, tính ứng dụng cũng rất quan trọng, dù chỉ là một ít thì tôi cũng muốn đem đến cho độc giả nhiều thông tin hơn.
Q. “Kawaii” của Nhật Bản sẽ dần vươn ra trên toàn thế giới, ông nghĩ sao về điều này?
A. Con gái Nhật được đánh giá có gu thẩm mỹ cao, qua việc hiểu rõ bản thân như dáng người, màu da, màu tóc để chọn cách phối màu hay kiểu dáng trang phục phù hợp. Hầu hết người nước ngoài đến Harajuku đều sẽ có suy nghĩ “Kawaii!” khi gặp các bạn gái điệu đà ở khu vực này. Ủng hộ cho các tín đồ thời trang ấy chính là sứ mệnh của non-no. Đối với bạn gái ở các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Châu Á, cùng với sự phát triển của thế giới, cơ hội được “vùng vẫy” với thời trang chắc chắn sẽ còn tăng cao. Ví dụ như thương hiệu giày của Nhật Bản “Oriental Traffic”, sản phẩm làm từ da tổng hợp nên giá khá mềm, kiểu dáng đa dạng và dễ thương. Chi nhánh nước ngoài duy nhất của thương hiệu này ở Trung Quốc hiện rất được ưa chuộng đến nỗi có người đi du lịch đến Nhật Bản chỉ để mua giày vì giá ở đây rẻ hơn. Do đó, mong muốn của tôi là mang thông điệp “Mua cái này ở Nhật Bản thì tốt hơn!” đến với nhiều người khác.
Q. Cuối cùng, ông có nhắn gửi gì đến các bạn độc giả của Kilala không?
A. Niềm say mê thời trang thì vạn nước đều như nhau. Thông tin về thời trang và “Kawaii” của Nhật Bản sẽ được cập nhật đến nhiều bạn trẻ ở khắp nơi thông qua những phương tiện như trang Facebook non-no vn, các bạn hãy theo dõi nhé! Trong tương lai gần, chúng tôi còn có dự định sẽ tổ chức sự kiện thời trang ở Việt Nam nữa, các bạn nhớ đến xem nhé!
Các thông tin thời trang hiện được cập nhật mỗi ngày trên Facebook non-no Việt Nam♪ Bạn đã ấn Like chưa?
facebook.com/nonno.vn
kilala.vn