Shigeru Ban - Kiến trúc sư với những công trình vị nhân sinh
Lifestyle
Bài: Ngô Phương Thảo
Ống giấy cũng có thể tạo nên những công trình đồ sộ
Với Shigeru Ban, ống giấy rất chắc và bền hơn chúng ta nghĩ. Vì là một loại vật liệu công nghiệp nên ông có thể gia cố lớp chống thấm, chống lửa cho ống giấy. Bên cạnh việc dựng những ống giấy san sát nhau để tạo thành những mặt phẳng làm nhà, ông còn “thiên biến vạn hoá” để những ống giấy có thể tạo ra những hình dáng đẹp không ngờ, từ lớp mái uốn lượn làm từ nhiều ống giấy ghép lại (công trình Pompidou, Pháp) cho đến bẻ cong ống giấy để dựng rạp cho hội chợ nói về môi trường (công trình Japan Pavillion, Expo 2000 Hannover, Đức)... Rạp hội chợ làm từ ống giấy khi bị tháo dở không để lại rác thải công nghiệp mà còn có thể tái sử dụng, tái chế dễ dàng. Ống giấy có nhiều “quyền năng” hơn tưởng tượng nhỉ!
Ý tưởng tuyệt vời cho những vùng chịu thiên tai
“Động đất không bao giờ làm chết người mà sự sụp đổ của những toà nhà mới chính là nguyên nhân gây ra chết người” – thêm một lý do để Shigeru Ban nói không với các vật liệu thông thường như bê tông xi măng, gạch...
Ở những vùng bị thiên tai, việc dựng lên nhanh chóng những khu nhà tạm cho người dân sinh sống là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, các lán, nhà trú ẩn, nhà thờ, trường học... làm từ ống giấy sẽ là cứu cánh kịp thời. Không dừng lại ở đó, đối với ông, khu vực sơ tán cũng phải đẹp, bảo đảm sự riêng tư cho mọi người. Thế nên, trong một trận động đất ở miền Bắc Nhật Bản, thay vì để tất cả mọi người sinh hoạt trong một không gian rộng của phòng tập thể dục, ông đã dùng ống giấy và rèm để tạo ra vách ngăn.
Bài học gửi gắm đến những KTS trẻ tuổi
Trong buổi hội thảo, KTS Shigeru Ban đã tạo cảm hứng rất lớn không chỉ cho những KTS trẻ mà còn cho bất kì ai quan tâm tới kiến trúc, những công trình vị nhân sinh.
- Đừng chỉ chăm chăm vào việc xây những công trình đồ sộ cho những người giàu, người có vị thế - vì họ trả tiền cho bạn. Hãy dùng tài năng của mình để sáng tạo ra những công trình nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là những người dân ở vùng thiên tai.
Một kiến trúc nhà ở vùng thiên tai do sinh viên Kiến trúc Việt Nam thiết kế. (Ảnh: Phương Anh)
- Hãy đi nhiều nơi, quan sát nhiều hơn và đặc biệt chú ý đến văn hoá của từng địa phương bạn đến. Mặc dù là một “bậc thầy ống giấy” trong ngành xây dựng, nhưng khi đến Philippines và chứng kiến người dân nơi đây tận dụng triệt để nguyên liệu ống tre, ông đã cải biến để có thể kết hợp ống giấy và ống tre để xây nên nhà trú ẩn. Bên cạnh đó, nhà từ container cũng là một ý tưởng để tạo ra công trình.
- Tạo ra những công trình đơn giản mà chính người dân nơi đó có thể học hỏi và tự xây dựng, vừa sử dụng nguồn nhân lực ngay tại chỗ mà còn có thể giúp họ hăng hái xây dựng và yêu quý hơn chính công trình mà họ tạo ra.