Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Người Nhật trong mắt tôi

Lifestyle    • Jan 28, 2019

Bài: Phạm Nguyễn Hùng. Ảnh: Yiannis Theologos Michellis/FLICKR.COM

Hồi còn là sinh viên ngoài việc học chuyên môn (ngành đóng tàu), tôi muốn tìm hiểu về nước Nhật và người Nhật nên đã tìm nhiều loại công việc làm thêm, gặp gỡ rất nhiều người. Hầu hết ở lần đầu tiên gặp người Nhật, ai cũng hỏi cùng một câu hỏi “Nghĩ thế nào về người Nhật, người Nhật tốt phải không ?” Tôi lúc nào cũng bối rối không biết trả lời ra sao. Sau cùng đành trả lời như sau “Đúng vậy đó, ở nơi nào cũng vậy. Người tốt cũng có mà người xấu cũng có”.

Tôi, cho đến bây giờ không thể trả lời một câu trả lời cho cảm tưởng của tôi đối với người Nhật. Lúc đầu đến Nhật được 2, 3 năm, vì tiếng Nhật còn yếu lại không hiểu rõ sự tình nước Nhật nên không thể trả lời được những câu hỏi khó như vậy. Nhưng rồi càng ở Nhật lâu dài thì càng bị Nhật hóa nên những cảm nghĩ của tôi đối với nước Nhật và người Nhật bị cùn đi. Gần đây đối với câu hỏi: “Nghĩ thế nào về người Nhật “ tôi thường trả lời như sau: “Tôi vì ở Nhật lâu quá rồi nên phải một lần ra khỏi nước Nhật từ ngoài nhìn vô thì mới trả lời được”.

Thỉnh thoảng tôi có hỏi các bạn cùng nước và các du học sinh ở các nước Á Châu rằng “Nghĩ thế nào về nước Nhật và người Nhật ?”, nhưng không có một người nào khen cả. Vậy tại sao tôi lại không có thể trả lời rõ ràng về nước Nhật vậy? Cho đến bây giờ tất cả những người Nhật tôi gặp đều là người tốt cả hay sao?  Hay là tôi là trường phái thân Nhật, thiên Nhật? Mà có lẽ không biết chừng đúng như vậy vì vợ tôi là người Nhật và tôi đã lựa chọn quốc tịch Nhật.

Vì thích giao thiệp với nhiều người nên lúc còn là sinh viên, tôi đã làm thêm đủ loại công việc. Rồi thì 3 năm trước đây tôi mở một quán ăn Việt Nam nhỏ ở tỉnh Shizuoka. Một năm trước đây tôi lại trở thành nhân viên bán bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm nhân thọ với mục đích tiếp xúc với nhiều người để làm bạn với họ và để học hỏi thêm về nước Nhật. Tôi đã không còn đứng trong vị trí được hỏi: “Nghĩ thế nào về người Nhật” nữa mà từ đây tôi nghĩ rằng phải học hỏi nhiều để mà có thể giải thích cho những người ngoại quốc những cái tốt và những cái xấu của nước Nhật và người Nhật đồng thời biết tìm cách bào chữa, biện giải nữa.

Vì vậy khi tòa báo Shizuoka nhờ viết bài cảm nghĩ về người Nhật, tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để học hỏi nên không đắn đo, vui lòng tham gia ngay.

Nói là mời đến nhà chơi nhưng….

Khi còn ở Việt Nam, có đôi lần tôi đi xem phim Nhật và đến bây giờ vẫn còn lưu lại trong ký ức cách chào hỏi của người Nhật .                                                                                                

Khi khách đến nhà thăm viếng, phụ nữ Nhật ra đến tận cửa, ngồi trên sàn gỗ cúi đầu thấp đến độ đụng trán xuống sàn để chào hỏi và lúc ra về cũng làm thế  để chào khách về.

Thêm một điều nữa, là cảnh hai người đàn bà quen biết gặp nhau ngoài đường phố. Sau khi nói chuyện chốc lát và chào hỏi để chia tay, cả hai gập người sâu xuống để chào, sau đó đi về hai hướng khác nhau. Đi được hai ba bước họ lại ngoảnh mặt, lại cúi người để chào và cứ như thế lặp đi lặp lại vài ba lần. Lúc đó tôi nghĩ  thật là một phong tục kỳ thú. Nhưng rất tiếc là khi đến Nhật rồi tôi không được nhìn thấy những cảnh như vậy nữa.

Thông thường thì trong nhà của người Nhật, sàn gỗ được cất cao hơn chỗ để giầy, chỗ khách mở cửa bước vào nhà. Nhưng theo phép lễ nghĩa, xã giao được truyền từ Cổ Đại là lúc nào mình phải để mình thấp hơn khách. Đó gọi là Khiêm tốn.Vì lý do đó, khi khách đến nhà người đàn bà, con gái ra chào hỏi phải ngồi xuống sàn chào chứ nếu đứng chào thì sẽ cao hơn khách. Nhưng không hiểu vì ảnh hưởng nền văn minh Âu Mỹ hay là vì bận rộn nên sau này khi khách đến nhà, không ít người chủ nhà ra đón khách không ngồi xuống sàn chào mà bình thản đứng trên sàn nhìn xuống khách mà nói chuyện.

Tính cách của người Nhật

Ở Shizuoka có một chuyện làm tôi nhớ suốt đời. Lúc còn là sinh viên có một lần tôi đi làm thêm, công việc đi từng nhà để điều tra dư luận. Khi mở cửa bước vào nhà của một người dân thì từ trong nhà một thiếu nữ trẻ đẹp bước ra ngồi xuống sàn cúi đầu chào hỏi. Tôi ngạc nhiên tưởng là mình bước nhầm vào một cái Ryotei (nhà hàng kiểu Nhật có nhân viên nữ mặc áo Kimono phục vụ) nào đó và được cô gái Geisha chào hỏi. Từ khi đến Nhật lần đầu tiên cho đến lúc đó tôi mới được một cô gái trẻ chào hỏi với phong cách như vậy. Lúc đó tôi rất cảm động và mặc dầu không biết tính tình cô ấy thế nào nhưng cảm thấy đã bị một cú sét ái tình đánh. Nghĩ rằng một cô gái như vậy lấy về làm vợ thì tuyệt vời nhất. Chuyện ấy đã xảy ra hơn mười năm nay rồi nên không còn nhớ căn nhà đó ở đâu, khuôn mặt cô ấy như thế nào nhưng trong lòng lúc nào cũng nghĩ  là muốn gặp lại cô ấy một lần nữa, muốn xem cô ấy trưởng thành như thế nào. Nhất định bây giờ đã trở thành một vợ hiền, dâu thảo. Nếu tôi có con gái thì tôi sẽ dạy con cách chào hỏi như thế vì thấy rất dễ thương, rất nữ tính không thể tả được.

Từ lúc đến Nhật cho đến bây giờ có một cách chào hỏi mà tôi nghĩ rằng người Nhật dùng để xã giao đối với người mới quen. Gặp người Nhật lần đầu tiên ở đâu đó, sau một lúc trò chuyện và khi chia tay, không biết họ có cảm tình với tôi hay sao mà thường mời mọc nói là “Lần tới đến nhà tôi chơi nhé!”. Tôi rất vui mừng và cảm kích. Người tôi mới gặp sao mà tử tế, thân thiện đến thế. Lần đầu tiên gặp một người ngoại quốc như tôi mà đã sẵn lòng mời đến nhà chơi. Sau đó suy nghĩ kỹ lại thì có một điều không lý giải được. Lúc được giới thiệu mặc dầu biết tên người ấy nhưng không cho tôi card visit, không cho số điện thoại, địa chỉ thì Trời ơi, chỉ có Trời mới biết chứ làm sao mà tôi tìm được nhà người ấy mà đến chơi. Sau đó nhiều lần chuyện đó xảy ra nên cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu ra được đó là cách xã giao của người Nhật hay là lúc đó tíu tít nói chuyện mà người ấy mời đến nhà chơi mà quên khuấy việc cho số điện thoại, địa chỉ nhà mình.

Không phân biệt được nét mặt vô cảm của người Nhật

Lúc đến Nhật nhìn và nhớ mặt người ta đối với tôi là một điều khó khăn. Nhất là khuôn mặt của người đàn ông Nhật thấy ai cũng giống nhau. Có lẽ nhiều người hớt tóc ngắn (đầu cua đinh) nên thấy như vậy chăng ?. Ngoài ra có thêm một điểm chung là toàn những gương mặt không tươi cười. Ba năm đầu tiên tôi ở thành phố Tokyo và đi học bằng xe điện. Buổi sáng lúc đi đến trường và buổi chiều từ trường trở về nhà, nhìn mặt những người đàn ông thấy diện mạo không chút gì đổi thay. Những gương mặt nghiêm nghị không tươi tắn. Lúc đó tôi nghĩ như thế này: À, có lẽ mấy người này buổi sáng trong thâm tâm không muốn đi làm việc, buổi chiều thì đi làm việc mệt nhọc nên mới có khuôn mặt như thế đó. Nhưng đó là ý nghĩ sai lầm của tôi. Người đàn ông Nhật Bản, nhiều  người có khuôn mặt như thế mà không có liên quan gì đến sáng trưa chiều tối gì cả. Không biết có phải vì mệt mỏi với cuộc sống hàng ngày hay không mà rất ít người có nụ cười trên môi?. Vì vậy khi tôi đi đâu lạc đường thường chọn phái nữ để hỏi thăm đường. Không phải là vì có sự phân biệt nam nữ mà khi lạc đường tìm người lạ hỏi thăm đường thì cảm thấy bất an không được dễ chịu khi hỏi thăm một người có khuôn mặt đăm đăm, nghiêm khắc. Tuy vậy cũng có lúc chung quanh không có phái nữ, đành phải hỏi thăm một anh chàng nào đó thì cũng có người tử tế dắt cho đến tận nơi. Đúng là như cha ông chúng ta đã nói “không được trông mặt mà bắt hình dong”.

Tính cách của người Nhật

Chúng tôi thường được nghe những người bạn Nhật nói: “Nước của các anh có chiến tranh nhưng các anh lúc nào cũng vui vẻ, năng nổ nhỉ!”. Chúng tôi trả lời là “Lúc còn bé thường được cha mẹ dạy bảo: Khi đau buồn thì một mình chịu đựng, còn khi có chuyện vui thì chia sẻ cho mọi người”. Vì vậy chúng tôi lúc nào cũng đè nén chuyện đau buồn và nhoẻn miệng cười .

Tôi mong muốn phái nam của Nhật không phải lúc nào cũng cười hê hê một mình vì như thế người ta sẽ hiểu lầm là mình sắp phát điên nhưng ráng giữ lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Có gương mặt với nụ cười trên môi dễ gây thiện cảm với người lần đầu tiên gặp và sẽ cho chúng tôi những người ngoại quốc có nhiều cơ hội tiếp xúc với phái nam Nhật Bản. Ngay chính bản thân tôi, chỉ lo để ý đến khuôn mặt người ta nhưng không biết vì lý do ở Nhật lâu năm hay sao nên dạo này thỉnh thoảng nhìn vào kiếng thấy mặt mình cũng hao hao giống mấy ông Nhật bị mình chỉ trích. Cũng đăm đăm, nghiêm khắc, khó chịu không giữ được nụ cười trên môi. Urushibata Yuki phải phản tỉnh ngay thôi!.

Câu trả lời  “Để suy nghĩ lại” có nghĩa là từ chối

Nhờ đi bán bảo hiểm nhân thọ một thời gian nên tôi biết thêm được một khía cạnh của người Nhật. Đó là cách trả lời của họ. Từ một bà vợ ở nhà trông lo công việc nhà đến một ông giám đốc công ty. Rất nhiều người có cùng một câu trả lời. Đó là câu trả lời không rõ ràng khi từ chối là NO hay khi chấp thuận là YES. Họ thường dùng câu “Bây giờ đang bận rộn” hay là “Để cho tôi nghiên cứu, xem xét thêm”. Tôi nghĩ rằng họ bây giờ đang bận thì lúc khác sẽ rảnh. Để nghiên cứu xem xét xong rồi thì sẽ có một câu trả lời YES tốt đẹp. Nhưng hỡi ơi bao lần tìm đến gặp thì đều có câu trả lời giống như trước. Cuối cùng mình phải tự hiểu là có phí thì giờ đi nữa thì cũng chẳng có cơm cháo gì và đành bỏ cuộc. Nếu ngay từ lúc đầu không có ý định mua hàng thì trả lời rõ ràng là NO để cả hai bên không phí thì giờ .

Tính cách của người Nhật

Có lẽ người Nhật có tâm địa tốt nên nếu trả lời NO thì sẽ làm cho người bán buồn, sẽ gây vết thương lòng cho người bán. Nhưng người mua có biết đâu là vết thương đó để càng lâu, càng nặng càng sâu không ?. Tôi nghĩ rằng người ngoại quốc buôn bán với người Nhật không đơn giản đâu. Tiếng Nhật có nhiều biểu hiện mà đối tác hiểu thế nào cũng được và người phát biểu nó sao đó có thể chối, né tránh, chữa chạy được bằng cách nói là ngay từ đầu tôi không có ý như vậy. Người Nhật không cho đối thoại là một phương tiện để giao tiếp truyền cảm giữa người và người. Họ vui thích hưởng thụ việc đối thoại vì cho đó là một phương tiện để tìm hiểu đối tác trong tâm đang suy nghĩ gì và là phương tiện cho đối tác tìm hiểu trong tâm mình đang nghĩ gì. Có lẽ người Nhật thích HARAGEI (một phép ảo thuật dùng búp bê để phát ra tiếng nói từ trong bụng mình mà không cần hả miệng ra nói). Tự miệng mình nói ra mà làm cho đối tác hiểu được ý nghĩ, cảm xúc của mình thì tiện lợi biết bao, và sau này mình có thể chữa chạy, né tránh là tôi đâu có nói như  vậy đâu. Nhưng tôi nghĩ rằng đối thoại với đồng bào mình thì không có vấn đề gì nhưng đối thoại với người nước ngoài thì không nên dùng tiếng lóng, nghĩa bóng vì dễ gây ra sự hiểu lầm. Lý do là vì người ngoại quốc không cùng tính cách, phong tục, tập quán như người Nhật. Tôi có lẽ không được mẫn cảm cho lắm nên rất dở đoán được ý nghĩ trong đầu, trong tâm của người khác nên cho đến nay vẫn còn vất vả , khó nhọc.

kilala.vn

padding

Trích bài viết bằng tiếng Nhật của ông Phạm Nguyễn Hùng, biệt danh Urushibata Yuki  viết cho báo Shizuoka

Tiểu sử tác giả URUSHIBATA YUKI

Sinh năm 1948 ở Việt Nam. Hiện cư trú ở tỉnh Shizuoka. Đến Nhật để học về ngành đóng tàu năm 1966 và tốt nghiệp Đại học viện (thạc sĩ) của đại học Tokai năm 1974. Kết hôn với cô gái Nhật năm 1975. Vì ngành đóng tàu của Nhật Bản suy thoái  không tìm được việc làm trong hãng đóng tàu nên vay tiền ngân hàng mở quán ăn Việt Nam ở tỉnh Shizuoka. Năm 1977, ông lấy quốc tịch Nhật và đổi tên từ Phạm Nguyễn Hùng thành Urushibata Yuki. Sau đó ông vào làm cho công ty bảo hiểm nhân thọ. Ban ngày thuần túy là một doanh nhân Nhật Bản, buổi tối về nhà ông vừa là bếp vừa là chủ quán ăn. Là một nhân viên thương mại giỏi nên sau vài tháng hoạt động, ông vượt lên đứng đầu trên hơn 6000 nhân viên toàn quốc của công ty.
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top