Nạn ăn cắp vặt ở người già hay bi kịch của sự cô đơn
Lifestyle
Bài: Inako/ Ảnh: flickr/ Bìa: Tim Franklin Photography
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói trong tổng số các vụ ăn cắp vặt ở bách hóa, siêu thị, Combini của Nhật vào năm 2014, có đến hơn 60% người phạm tội là người Việt Nam với các lí do “không có tiền” hoặc “bị nghiện”? Nhưng bạn có biết, có một bộ phận không ít người cao tuổi ở Nhật cũng sa vào con đường ấy bởi… cô đơn?
Theo thống kê của Bộ Tổng hợp Nhật Bản, nếu tính đến ngày 15/9/2015 thì nước Nhật là nước có tỉ lệ người già cao nhất thế giới với 33,84 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 26,7% tổng dân số. Điều đó có nghĩa là khi bạn đi trên đường phố của Nhật, trung bình cứ 4 người Nhật lướt qua trước mặt bạn thì sẽ có bóng dáng của 1 người cao tuổi. Sự thay đổi cơ cấu dân số kéo theo một loạt những hệ quả mà trong đó tỉ lệ tội phạm trên 65 tuổi ở Nhật đã cán mức kỉ lục. Dù vậy, sự già hóa dân số tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân khiến cho tỉ lệ ăn cắp vặt chiếm tới gần 60% trong tổng số tội phạm là người cao tuổi vào nửa đầu năm 2015. Không khó để hình dung ra hậu quả của tệ nạn này: nhiều cửa hàng có doanh số bán ra không đủ bù đắp số tiền thiệt hại đã đi đến bước đường phá sản! Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao một nước Nhật có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, một nước Nhật hiện đại và văn minh lại xảy ra bi kịch đau buồn ấy?
Ăn cắp vì “cô đơn”
Có một nguyên nhân đáng kể thường dẫn những người cao tuổi ở Nhật đến con đường ăn cắp vặt, đó là do “quá túng quẫn”. Thông thường khi người Nhật về hưu vào tuổi 65 thì hàng tháng họ đều sẽ được nhận khoản tiền lương hưu nhất định để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, cũng có những người rơi vào trường hợp không đủ điều kiện để nhận lương hưu, hoặc tiền lương hưu tuy có nhưng quá ít ỏi khiến họ không đủ khả năng chi trả các khoản sinh hoạt. Trong khi đó đất nước Nhật Bản trước nay lại quá văn minh đến mức hầu hết các cửa hàng bách hóa, siêu thị và Combini thường không có bảo vệ, không có tủ để gửi túi xách, những người già bần cùng ấy cũng chỉ còn cách lấy cắp đồ ăn để giải quyết cơn đói mà thôi.
Tuy nhiên, có lẽ vấn đề này đã được kết thúc bằng một bài toán kinh tế như hầu hết các nước phát triển khác nếu trong các báo cáo về nạn ăn cắp vặt ở Nhật, số liệu của những năm gần đây không cho thấy rằng có hơn phân nửa số người cao tuổi bị bắt giữ có tình trạng kinh tế từ ổn định trở lên. Trong ấn phẩm nổi tiếng “Korei shohan” (高齢初犯) được đài Nippon TV xuất bản vào tháng 12/2013, ông Ko Fukui – trưởng Cơ quan phòng chống nạn ăn cắp vặt toàn quốc đã chỉ ra rằng, vào thời điểm đó có đến gần 40% người già phạm tội là đang sống một mình, chỉ có chiếc tivi bầu bạn. Ông Fukui nói thêm: “Những người tuy sống một mình nhưng vẫn tiếp xúc với xã hội sẽ không làm như vậy. Chỉ có những người già đã bị cắt đứt mọi liên hệ với xã hội, không có gì để làm mới có khuynh hướng đi vào con đường ăn cắp vặt”. Thật vậy, rất nhiều người già này đã khai báo động cơ khiến mình phạm tội là do “cô đơn”, “không có lẽ sống”, “cảm thấy bất an với tương lai” nhưng lại “không có người để sẻ chia, khuyên nhủ”. Những câu trả lời tương tự ở người trên 65 tuổi cao hơn bất kì nhóm tuổi nào khác.
Khi tuổi già gian truân hơn cái chết
Bạn đời và bạn bè thân thiết lần lượt ra đi. Hàng xóm láng giềng có tình cờ chạm mặt nhau cũng chỉ đôi ba câu chào hỏi. Khi bước ra đường, phải thật chú ý để không bị tông hay vấp phải. Khi lên xe buýt, nếu ghế ưu tiên không còn trống thì cũng chẳng được ai nhường chỗ với lí do “Dù sao thì họ cũng được miễn phí vé xe mà” (có nhiều nơi ở Nhật thực thi chính sách này cho người cao tuổi). Bị kì thị, bị cô lập, không có người để san sẻ và lắng nghe, không có người khẳng định sự tồn tại của mình, họ trở nên dè dặt, bất an và thậm chí tự đóng cửa thế giới của mình để chịu đựng nỗi cô độc. Đáng buồn hơn khi chính những người đã từng có nhiều mối quan hệ, nhiều kinh nghiệm sống lại càng cảm thấy cô độc hơn gấp nhiều lần những người luôn sống xa lánh xung quanh. Cho đến khi bị nỗi cô độc ấy nhấn chìm xuống dưới tận đáy cùng, cũng là lúc khao khát được chú ý và nhìn nhận ở họ trỗi dậy mãnh liệt nhất, họ đã đẩy mình vào con đường ăn cắp vặt và thậm chí cả những tội lỗi nghiêm trọng khác: bạo hành, giết người, quấy rối tình dục, bán xuân,…
Kết cục ấy, thật quá đỗi bàng hoàng đối với những ai luôn ngợi ca rằng người Nhật là những con người “biết xấu hổ” và “giàu lòng tự trọng”. Nhưng còn họ, liệu bản thân họ có từng hối tiếc khi sự việc bị phơi bày hay không? Câu trả lời của họ, đáng suy ngẫm thay, là việc họ sống tới từng tuổi ấy đồng nghĩa với việc họ đã mất đi tất cả – gia đình, bạn bè và cả chính bản thân mình, nên giờ đây không còn gì đáng để lưu luyến nữa.
“Cũng có người bảo khi nảy ra ý định ăn cắp, hãy nhớ đến những người quan trọng của mình đi. Nhưng những người quan trọng với tôi đã chết cả rồi, đâu còn cách nào khác” (Theo lời khai của một nữ phạm nhân 86 tuổi, in trong tác phẩm “Mặt trái của xã hội những người già” (老人たちの裏社会) của Yuki Shingo tháng 2/2015).
Nạn ăn cắp vặt ở người già, rốt cuộc, đã phơi bày ra mặt trái của thời đại công nghiệp hóa khi việc già đi đôi khi gian truân hơn cả việc chết. Cảnh giới của “giác ngộ” và “viên mãn” mà những người già sẽ đi tới chỉ còn là một lý thuyết suông trong sách vở, còn thực tế những gì họ trải qua khi bị đẩy ra khỏi lề của xã hội không khác nào tự sinh tự diệt trên một đảo hoang. Ai cũng có nhu cầu được thấu hiểu, được yêu thương nhưng chúng lại bị khước từ bởi chính xã hội hiện đại mà họ đã chung tay xây dựng, khi người ta ngại nhận và rồi ngại cả cho đi.
Lối đi nào cho những người cao tuổi?
Chính phủ Nhật Bản hiện có đề ra một số biện pháp để kiểm soát nạn ăn cắp vặt ở người già: những hình phạt dành cho người phạm tội và những chính sách để giúp đỡ cho người neo đơn. Phía siêu thị và Combini cũng tăng cường an ninh bằng cách lắp đặt hệ thống camera chống trộm, đào tạo đội ngũ nhân viên luôn niềm nở chào hỏi khách hàng để tạo cảm giác gần gũi giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, một xã hội không có tội phạm người cao tuổi nói chung, nơi mà những người già có thể an tâm sống hạnh phúc lại cần nhiều hơn thế: một xã hội “tự do” mà dù ở địa vị nào, người già cũng có thể được hưởng các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu và chọn lựa cách sống mà mình thích; một xã hội tràn đầy “hi vọng” mà bất kể tuổi tác bao nhiêu, họ vẫn có cơ hội phát huy khả năng và trí tuệ của mình. Hơn hết, thông qua các hoạt động cá nhân, họ ý thức được sự tồn tại của mình là “có ích” cho xã hội. Đây chắc chắn sẽ là một bài toán hóc búa cho các nhà hoạch địch chính sách Nhật Bản. Nhưng nếu không thể giải quyết được, chừng nào những người già vẫn còn cảm thấy chông chênh và yếu đuối, khi ấy những bi kịch “lầm đường lạc lối” vẫn sẽ còn xảy ra.