Lịch sử không có chỗ đứng ở Nhật Bản
Lifestyle
Bài: PICO IYER New York Time/ Dịch: Nguyên Giang/ Ảnh: Ken OHYAMA
Cứ mỗi 20 năm, linh địa Shinto nổi tiếng nhất xứ sở Nhật Bản - Shrine Grand ở Ise - lại bị phá hủy hoàn toàn và được thay thế bằng một bản sao y như đúc so với cấu trúc ban đầu, vốn được xây dựng bởi một vị hoàng đế vào thế kỷ thứ 7. Đối với người phương Tây, điều này nghe có vẻ phạm thánh cũng như việc cho dựng lại Bức Tường phía Tây vào ngày mai hoặc thuê một nhân công người Roman sơn lại Nhà nguyện Sistine. Nhưng người Nhật lại có cảm nhận khác về cái gì là chân thật và những gì là không trong mối quan hệ cũ mới.
Nội cung của thần cung Ise (Ise Shrine Grand) cứ 20 năm được xây lại một lần/ Nguồn: Kentaro Ohno
Đầu tiên là khách sạn Okura, một biểu tượng về chủ nghĩa hiện đại của Nhật Bản được xây dựng vào năm 1962 để đón tiếp các nước tham dự Thế vận hội mùa Hè 1964, hiện đang bị phá bỏ để nhường chỗ cho một tòa tháp bằng kính vô danh. Mục đích của sự thay đổi chỉ nhằm thông báo vị thế liên tục của Nhật Bản trong các giải đấu lớn, như là nước chủ nhà của Thế vận hội 2020.
Thứ hai là sân vận động Olympic, một thời là biểu tượng nghệ thuật quốc gia được thiết kế bởi Mitsuo Katayama cho sự kiện năm 1964, trong nay mai sẽ được thay thế bằng một cấu trúc theo ý tưởng vị lai được thiết kế bởi Zaha Hadid.
Ngay cả Tsukiji, ngôi chợ cá lớn nhất thế giới và là địa điểm nổi tiếng thu hút du khách trong nhiều thập kỷ, cũng đang được chuyển thành một trung tâm mua sắm, với sự cam đoan sẽ tạo dựng một bản sao có thể chân thật hơn cả bản chính tại một địa điểm khác.
Những tẩy xóa này - nhất là khách sạn Okura, vốn theo ý tưởng cá nhân của Tomas Maier, giám đốc sáng tạo của tập đoàn Bottega Veneta - đã làm cho các nhà thẩm mỹ tận tụy trên thế giới cảm thấy nóng mặt và khơi mào nhiều phản kháng: “Không thể hiểu nổi người Nhật đang suy nghĩ cái gì".
Khách sạn huyền thoại Okura Tokyo được xây dựng năm 1962 để đón Thế vận hội mùa hè 1964 đã bị phá huỷ vừa qua/ Nguồn: Ken OHYAMA
Kiến trúc bên trong khách sạn/ Nguồn: Hidetsugu Tonomura
Nguồn: Ken OHYAMA
Thật ra câu trả lời rất đơn giản: người Nhật khác với chúng ta. Họ không nhầm lẫn giữa cuốn sách với trang bìa của nó. Có thể nói Nhật Bản là một vùng đất của sự lãng mạn thực dụng; không ủy mị khi tìm kiếm những cách thức mới để biểu lộ tình cảm. Họ có thể thuê các diễn viên cao tuổi đến tham dự một bữa ăn gia đình chỉ để tưởng nhớ người ông người bà đã khuất; cũng như việc thành phố Kyoto nhân dịp kỷ niệm 1.200 năm của mình vào năm 1994 đã cho dựng lên một khách sạn 17 tầng, đánh đổi lại là sự che khuất tầm nhìn thưởng ngoạn từ trung tâm thủ đô cổ xưa đến những ngọn núi ma thuật phía đông bắc. Hay một phần tư thế kỷ trước, khách sạn hoàng gia phong cách Maya của Frank Lloyd Wright ở Tokyo, đã tồn tại ngay cả trong đại thảm họa động đất Kanto 1923 và các cuộc oanh tạc thời Thế chiến II, đã bị phá hủy không câu nệ để nhường chỗ cho một tòa nhà cao tầng.
Tất nhiên, điều này đôi khi xuất phát từ lòng tham của các nhà phát triển hay một ý tưởng sai lầm nào đó, hoặc thậm chí chỉ vì thiếu không gian. Nhưng có lẽ với một nền văn hóa trọng tâm vào bốn mùa, con người biết rằng cái cũ rồi sẽ trở lại, dưới các hình thái mới, sau mỗi năm trôi qua. Đó cũng là một nền văn hóa dựa trên sự vô thường, sự thấu triệt của các nguyên tắc tâm linh cổ xưa nhất được tích lũy sau nhiều thế kỷ chiến tranh, động đất và núi lửa. Chủ nghĩa tân thời luôn được ưa chuộng ở Nhật, dù không có gì trông lỗi thời hơn so với phiên bản ngày hôm qua của ngày mai.
Hầu hết du khách đến Nhật Bản đều nhanh chóng bị ấn tượng khi nhìn thấy phong cách mới hiện diện ở khắp nơi; và giới trẻ có vẻ sẵn sàng dành phần lớn thu nhập của mình chỉ để đảm bảo là không bị tụt hậu. Thế nhưng, dù luôn sẵn sàng thay đổi diện mạo bên ngoài, người Nhật lại hiếm khi thay đổi về tâm tưởng. Điều đó một mặt có thể gây khó chịu cho những người Nhật theo chủ nghĩa duy tân, nhưng mặt khác lại làm cho người nước ngoài cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy một xứ sở đầy rẫy người hâm mộ bóng chày, nhà hàng KFC và hơn 17.000 cửa hàng 7-Eleven.
Những cửa hàng tiện lợi 7-Eleven hiện diện khắp nơi trên nước Nhật có thể khiến du khách nước ngoài ngạc nhiên khi đến đây/ Nguồn: Yuya Tamai
Các sử gia kiến trúc có thể thương tiếc cho sự phá hủy những kho tàng hiện đại trong nay mai như sảnh Đông Tây hội ngộ, thắp sáng đèn lồng của Okura. Nhưng ở Nhật Bản, những gì thuộc về hiện đại đều luôn có thể được phục hồi, và trên thực tế, việc tìm ra cái mới lại mới chính là truyền thống cổ xưa nhất của đất nước.
Như Tomasi di Lampedusa đã viết trong tiểu thuyết nổi tiếng "The Leopard" vào thế kỷ 19: "Nếu chúng ta muốn mọi thứ giữ nguyên như chúng đã từng, mọi thứ sẽ phải thay đổi."
kilala.vn