Cũng giống như phần da vùng cổ, gót chân là nơi các bạn gái thường bỏ qua trong các bước làm đẹp. Tuy nhiên, một gót chân trắng hồng, mịn màng lấp ló trong đôi giày cao gót sẽ thể hiện bạn là một người chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ nhất, đôi khi trở thành điểm cộng trong cuộc gặp mặt đối tác hay những dịp hẹn hò.
Những nguyên nhân thường gặp khiến gót chân thô ráp
Không đơn giản như chúng ta thường nghĩ, bên cạnh những tác nhân bên ngoài, còn có các thủ phạm không ngờ đến khiến gót chân trở nên khô ráp.
(Ảnh minh họa: Pixabay)
1. Mang giày sai kích cỡ chân
Một đôi giày có kích cỡ không phù hợp sẽ khiến bàn chân gánh chịu nhiều áp lực hơn bình thường, dẫn đến bệnh lý sừng hóa bàn chân. Chưa kể, việc mang giày cao gót trong thời gian dài cũng khiến bàn chân trở nên xù xì, thô kệch, chẳng những gây mất thẩm mỹ mà còn gây ra các bệnh về xương khớp.
2. Di chuyển không đúng tư thế
Tư thế đúng khi di chuyển là lưng phải thẳng, vai cân bằng, hai hông cân đối, cổ thẳng, đầu ngẩng cao. Nếu di chuyển không đúng tư thế, sức nặng cơ thể không được phân bổ đều khắp lòng bàn chân mà chỉ tập trung tại một điểm cố định nào đó. Tình trạng này kéo dài cũng sẽ dẫn đến bệnh lý sừng hóa bàn chân.
3. Ngồi máy điều hòa cả ngày
Máy điều hòa chính là kẻ thù của làn da ẩm mượt. Không chỉ có tác động xấu đối với làn da ở những nơi dễ nhận biết như mặt, tay và cổ, máy điều hòa còn là nguyên nhân khiến độ ẩm ở bàn chân bị mất đi, từ đó khiến gót chân trở nên nhăn nheo và thô ráp.
4. Người thuộc thể chất hàn
Cơ thể bị lạnh do quá trình lưu thông máu diễn ra không tốt khiến quá trình thay da diễn ra không được suôn sẻ. Lớp sừng già cỗi khó bị bong ra và thay thế bằng lớp sừng mới, khiến vùng da nơi đó ngày càng trở nên dày và cứng hơn. Nếu bạn là người hay bị lạnh cơ thể, đặc biệt là bàn chân thì khả năng gót chân trở nên khô ráp cũng sẽ cao hơn người có sức khỏe bình thường.
Những phương pháp chăm sóc gót chân phổ biến
Chà xát bằng đá bọt là phương pháp phổ biến nhất. Hiện nay còn có loại mặt nạ cho gót chân, chỉ cần ngâm khoảng 30 phút thì vùng da nơi gót chân sẽ tự động bong ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào đi chăng nữa cũng có mặt lợi và mặt hại mà bạn cần nắm rõ.
Phương pháp 1: Chà xát hoặc cắt da
(Ảnh minh họa: stux/Pixabay)
Ngâm bàn chân vào nước để làm mềm da, sau đó dùng đá bọt để mài gót chân hoặc dụng cụ chuyên dụng để cắt đi phần da chết.
Ưu điểm: Đơn giản, dễ làm và giải quyết vấn đề thẩm mỹ một cách nhanh chóng khi cần thiết. Dụng cụ chăm sóc da như đá bọt được bán rộng rãi nên dễ tìm mua.
Khuyết điểm: Là phương pháp gây tổn thương cho da nhiều nhất, dễ xảy ra khả năng loại bỏ luôn phần sừng bảo vệ gót chân hoặc ở những vùng xung quanh.
Phương pháp 2: Dùng mặt nạ làm bong da
Trên thị trường hiện đã xuất hiện các loại mặt nạ ủ chân sử dụng các loại axít trái cây. Chỉ cần ngâm chân vào dung dịch đi kèm rồi lau khô, da gót chân sẽ bong tróc một cách tự nhiên trong vòng 2 - 3 tuần sau đó.
Ưu điểm: Không gây thương tích cho da như phương pháp 1, cách thực hiện đơn giản.
Khuyết điểm: Để da bong hết phải mất ít nhất từ 2 - 3 tuần. Bạn không nên dùng tay gỡ mà phải để quá trình này diễn ra tự nhiên thì mới hiệu quả. Do đó phương pháp này gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra còn có khả năng xảy ra kích ứng da khi tiếp xúc với hóa chất có trong sản phẩm.
Phương pháp 3: Tẩy tế bào chết bằng sản phẩm có hạt
Sử dụng sữa tắm hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt và mát-xa bàn chân nhẹ nhàng. Đây cũng là phương pháp phổ biến nên bạn sẽ có nhiều lựa chọn, từ loại khử mùi bàn chân cho đến loại hữu cơ rất tốt cho da.
Ưu điểm: Trong 3 phương pháp trên thì cách làm này an toàn và dịu nhẹ với da nhất nên có thể áp dụng thường xuyên.
Khuyết điểm: Hiệu quả chậm và không triệt để như các phương pháp khác.
Phương pháp chăm sóc gót chân tối ưu
(Ảnh minh họa: PIXTA)
Như đã giới thiệu ở trên, mỗi phương pháp đều có mặt lợi và hại. Nắm rõ các mặt hại sẽ giúp bạn biết cách điều chỉnh khi áp dụng các phương pháp trên.
Tuy nhiên, điều quan trọng bạn mà cần nắm rõ khi muốn chăm sóc gót chân một cách hiệu quả, đó là thay vì chỉ chăm chăm loại bỏ lớp da dày, bạn nên tập trung vào việc DƯỠNG ẨM.
Sau khi loại bỏ chất sừng già cỗi bằng những phương pháp nêu trên, bạn cần cung cấp độ ẩm đầy đủ cho lớp sừng mới. Một cách khá hiệu quả là bọc gót chân lại sau khi thoa kem dưỡng. Lớp sừng dày ở gót chân khiến kem dưỡng thấm vào da chậm hơn so với các bộ phận khác. Do đó, để tránh tình trạng kem dưỡng bị trôi mất trước khi thẩm thấu vào da, bạn nên mang vớ khi đi ngủ hoặc dùng màng ni-lông bọc thực phẩm để bọc gót chân lại trong khoảng 15 phút.
Lê Mai/ kilala.vn