“Tôi muốn điểm tô cho tất cả vòng cổ của phụ nữ trên thế giới này bằng ngọc trai”, câu nói kinh điển của Kokichi Mikimoto – người khởi phát nghề nuôi ngọc trai nhân tạo và là ông vua ngọc trai mọi thời đại – đã dẫn dắt tôi đến đại bản doanh của hòn đảo ngọc trai Mikimoto thuộc thành phố Toba, tỉnh Mie để nghe lại chuyện đời vị cha đẻ của một trong 10 phát minh vĩ đại nhất Nhật Bản.
Chưa đầy 5 phút đi bộ từ nhà ga Toba, chúng tôi đã đến đảo ngọc trai Mikimoto, nơi trưng bày bộ sưu tập đồ trang sức ngọc trai đồ sộ, và cũng là nơi lưu giữ câu chuyện thú vị về vị chủ nhân hòn đảo – Kokichi Mikimoto, ông tổ nghề ngọc trai của Nhật Bản và cả thế giới.
Không gian tái hiện lại tiệm mì Awako của gia đình Kokichi ngày xưa tại Toba (Ảnh: Nguyễn Đình)
Tuổi thơ là "ngôi sao nhí" bán rau
Ra đời vào ngày 25/01/1858, Kokichi là anh cả của một gia đình thuộc tầng lớp bình dân với 8 trai, 3 gái, cả nhà sống dựa vào tiệm mì Awako ở thành phố Toba, do ông nội Kokichi là Kichizo điều hành. Ở Toba khi ấy, Kichizo là một nhà buôn với năng khiếu bẩm sinh, ông mua bán các mặt hàng về hải sản, rong biển, than đá, rau quả, và kinh doanh thêm tiệm mì. Sống trong môi trường buôn bán nhỏ lẻ, Kokichi ảnh hưởng rất nhiều tính cách kinh doanh từ ông nội. Rời trường học từ 11 tuổi, Kokichi đi bán rau phụ giúp gia đình, lúc rảnh rỗi ông tham gia đóng kịch Kyogen và trở thành một ngôi sao nhí gây được nhiều chú ý mỗi khi trình diễn ở ngôi đền Kata trong thành phố với các bước chân nhảy nhót vui nhộn.
Kokichi (ngồi) cùng các cộng sự thân tín ở xưởng ngọc trai Mikimoto năm 1941
Vào năm Kokichi 17 tuổi (1875) tàu khảo sát của hải quân Anh – chiếc H.M.S Silver cập cảng Toba, rất nhiều ngư dân cố dùng thuyền nhỏ cập mạn tàu để bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cho thuỷ thủ đoàn, nhưng thường bị xua đuổi. Chỉ nhờ đầu óc lanh lợi và các bước nhảy làm trò mà riêng Kokichi được tiếp cận, bán trứng, rau củ cho thủy thủ và kiếm được những đồng ngoại tệ đầu tiên trong đời.
Nhà phát minh ra ngành nuôi cấy ngọc trai nhân tạo Kokichi Mikimoto
Mối lương duyên với ngọc trai
Mang trong mình tính cách ưa khám phá, Kokichi mong muốn sẽ có ngày mình được đi khắp đó đây, và đến năm 1878, được sự cho phép của cha, ông đã đi bộ từ Toba đến Tokyo trong vòng 11 ngày. Chuyến đi này đã mở ra nhiều ý tưởng kinh doanh cho Kokichi khi ông thấy các nhà buôn Trung Quốc trao đổi hàng hóa ở cảng Yokohama với các mặt hàng hải sản như bào ngư, hải sâm, đặc biệt là các loại ngọc trai khai thác từ vùng Shima gần nơi ông ở được bán với giá rất cao. Giấc mơ trở thành một nhà buôn ngọc trai bắt đầu dần hình thành.
Khi nghiên cứu về lĩnh vực thu mua ngọc trai, Kokichi ngộ ra một nghịch lý là nếu tìm mua các viên trai lớn thì cực khó, trong khi trên thị trường hầu như chỉ có các hạt trai nhỏ (Keshi) nhưng giá cũng ngất ngưởng do được thương lái Trung Quốc thu gom bào chế thuốc, và số lượng cũng ngày càng giảm dần do bị khai thác liên tục.
Mô hình thu nhỏ Mộng điện (Yume-dono) ở cố đô Nara làm từ ngọc trai, kim cương, vàng, sơn mài,... trưng bày tại Bảo tàng Mikimoto (Ảnh: Nguyễn Đình)
Ước mơ tạo dựng một trại nuôi cấy ngọc trai nhân tạo được Kokichi hiện thực hóa vào năm 1888, và liên tục gặp thất bại do lỗi kỹ thuật, những phương pháp thử sai, cả thảm họa thủy triều đỏ khiến trai chết hàng loạt, tưởng chừng việc kinh doanh đến bờ vực phá sản. Đến 11/07/1893, Kokichi mới có trong tay viên ngọc trai nuôi cấy đầu tiên trong đời. Nhưng phải mất đến gần 30 năm sau nữa (thập niên 20) Kokichi mới thực sự thành danh trong nghề nuôi cấy và chế tác ngọc trai, đem triển lãm và xuất khẩu khắp thế giới.
Trâm cài tóc thiên nga làm từ ngọc trai, kim cương, đá saphhire, bạch kim và vàng (hiện vật sưu tầm của Bảo tàng ngọc trai Mikimoto) (Ảnh: Nguyễn Đình)
Năm 1919, khi Kokichi đưa các viên ngọc trai nhân tạo hình tròn nuôi cấy ở trại ngọc trai Gokasho sang London triển lãm và bán với giá thấp hơn ngọc trai tự nhiên 25%, các nhà buôn nữ trang của phương Tây liền tỏ thái độ nghi ngờ về chất lượng và lập ra một sắc lệnh chống việc buôn bán ngọc trai nhân tạo để ngăn ngừa giả mạo ngọc trai tự nhiên. Tuy nhiên chính những nhà khoa học và giới nghiên cứu từ Anh và Pháp sau khi đã tìm hiểu và soi xét kỹ lưỡng chất lượng ngọc trai của Kokichi đã khẳng định chúng hoàn toàn giống với ngọc trai tự nhiên. Sự vụ này càng khiến tên tuổi Kokichi Mikimoto thêm rạng danh ở trời Âu với nghề ngọc trai của mình.
Trâm cài tóc ở 1900 do Marcus & Co., thiết kế, hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng ngọc trai Mikimoto (Ảnh: Nguyễn Đình)
Năm 1926, ở tuổi 68, Kokichi dành 9 tháng trời đi khắp đất Mỹ chỉ để đến các trường đại học, thăm phòng thí nghiệm, gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng, không có một chút thời gian nào cho việc ngoạn cảnh, du lịch. Khi sang đến Châu Âu, Kokichi thăm viếng các bảo tàng, những nhà thiết kế nữ trang danh tiếng, và khi trở về, ông phát hiện ra một vùng nuôi trai lý tưởng khác ở vịnh Bengal. Dường như toàn thời gian của đời Kokichi đều dành hết cho việc nghiên cứu, phát triển ngành nuôi cấy ngọc trai nhân tạo.
Vương miện hoa hậu Nhật Bản do xưởng Mikimoto chế tác (Ảnh: Nguyễn Đình)
Thomas Edition không tiếc lời khen ngợi
Đến năm 1927, trong chuyến trở lại Mỹ, Kokichi đã gặp nhà phát minh vĩ đại là Thomas Edison và được mời về thăm tư gia ở West Orange bang New Jersey. Khi xem viên ngọc trai nhân tạo của Kokichi, bậc thầy của nền sáng chế thế giới Thomas Edison đã nói rằng: “Đây không phải là viên ngọc nuôi cấy, mà là ngọc trai thực sự. Ở phòng thí nghiệm của tôi có hai thứ không thể tạo ra được là kim cương và ngọc trai. Việc nuôi cấy ngọc trai thành công của ông là một trong những kỳ diệu dành cho toàn nhân loại, là điều tưởng chừng ngành sinh học không thể thực hiện được”. Ngay lúc ấy Kokichi đã đáp lời rằng: “Nếu ông là mặt trăng trong vòm trời phát minh, thì tôi mong được là một vì sao lẻ trong dải ngân hà”.
Chuông hoà bình, làm từ 366 viên kim cương và 12.250 viên ngọc trai xuất hiện tại triển lãm New York năm 1939 (Ảnh: Nguyễn Đình)
Là một người yêu thiên nhiên, đặc biệt là những danh thắng bên vịnh biển Shima, Kokichi mong ước một ngày những cảnh đẹp ấy sẽ trở thành Công viên quốc gia để mọi người tìm đến chiêm ngưỡng. Từ 1931, ông đề xuất với Bộ Nội vụ và tự tay giúp đỡ phát triển giao thông, mở đường quanh vùng, thiết lập một công viên trên núi Asama, với tòa nhà vọng cảnh được ông đặt tên là “Chuỗi ngọc trai” (Renju-an), nơi ông thường lui tới ngoạn cảnh vào mùa hè. Khu công viên này sau đó trở thành công viên quốc gia đầu tiên sau Thế chiến I tại Nhật. Khi trao đổi với báo giới, Kokichi đã nói rằng: “Từ ngay bây giờ, Nhật Bản phải dành ưu tiên cho ngành du lịch, và tôi mong muốn thiết lập các công viên trên toàn Nhật Bản”. Câu nói ấy của Kokichi cho đến giờ vẫn nguyên vẹn giá trị.
12.760 viên ngọc trai tạo nên bảo tháp 5 tầng trưng bày lần đầu tiên tại Philadelphia từ 1926 (Ảnh: Nguyễn Đình)
Ở đời thường, Kokichi còn là một người rất yêu thích sự ngây thơ, trong sáng của trẻ con, ông mong ước được là người viết sách giáo khoa cho trẻ, và giấc mơ ấy đến 1947 mới thành hiện thực, khi câu chuyện ông viết được giới thiệu trong giáo khoa lớp 5 tại Nhật, tựa đề là “Thế giới ngọc trai”. Khi bước sang tuổi 90, Kokichi nói rằng: “Điều quan trọng nhất của đời người là kiến thức và may mắn, những thứ mang lại thành công. Nếu một người sống thọ, hiển nhiên bản thân họ là người thực sự thành công”. Sự thành công của Kokichi được những thế hệ kế thừa nhà Kokichi Mikimoto tiếp nối, phát triển để Mikimoto vẫn là một tên tuổi hàng đầu trong ngành ngọc trai và trang sức cao cấp của thế giới.
Nguyễn Đình/ kilala.vn