Cứ đến mùa hè, ở Nhật sẽ có những từ khóa trở nên “hot” vô cùng như hanabi (pháo hoa), suika (dưa hấu), natsubate (bệnh….mùa hè), kakigoori (đá bào), aisu kurimu (kem), v.v
Ở Việt Nam có kem đá (loại kem “con nhà nghèo” vì nói kem cho “oai” chứ hầu như chỉ là đá được bào nhỏ và rưới nước siro loãng), thì ở Nhật có kakigoori, gọi nôm na la kem đá bào.
Đá bào gần gũi với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi tới mức nếu mùa hè bước chân ra đường, không thấy lá cờ “kakigoori” bay phất phới, là thấy mùa hè như thiếu vui đi một nửa.
Niềm vui của con trẻ đôi khi quá giản đơn, ở đâu cũng vậy, chốn thị thành đủ đầy hay vùng nông thôn đạm bạc, trẻ con Việt Nam ngày xưa nghe tiếng kẻng leng keng của ông bán kem đi qua đầu ngõ, vui và rạo rực bao nhiêu thì trẻ con Nhật Bản được ba mẹ mua cho một ly kem đá bào nhiều màu sắc, cũng y hệt như vậy.
Kem đá bào có nhiều màu sắc là nhờ nước màu siro có đủ mùi vị như dâu,chanh, táo, dứa, trà xanh, vanilla, v.v được rưới lên trên bề mặt đá đã được bào nhuyễn như tuyết được đựng trong ly giấy. “Sang trọng” hơn một chút là có cho thêm sữa đặc làm tăng vị béo ngọt. Vị mát lạnh của đá và vị ngọt của siro và sữa làm mùa hè như mát mẻ hơn, ngọt ngào hơn, tan chảy trong từng muỗng kem.
Lịch sử của món kem đá bào được cho là bắt nguồn từ một ngàn năm trước vào thời kỳ Heian, khi món kem bào được cho là món ngon chỉ dành cho tầng lớp quý tộc thưởng thức. Ngày nay, việc làm đá đã trở nên dễ dàng, các loại thực phẩm đã phong phú hơn, kem đá bào cũng trở thành một món tráng miệng hấp dẫn bằng cách cho thêm vào đậu đỏ, những cục bánh nếp nhỏ gọi là shiratama như trong hình, hay trái cây xắt miếng.
Ở Nhật, mùa hè có thể thưởng thức được kakigoori chỉ kéo dài từ tháng 5 đến khoảng tháng 9, còn ở Việt Nam, hầu như mùa nào cũng có thể được. Nhưng đúng vị nhất vẫn là thời gian này, khi trẻ con được nghỉ học, khi những giọt mồ hôi vẫn rơi tí tách, khi mọi người í ới nhau nóng nóng, chậm rãi nhâm nhi một ly kem mát lạnh, rồi kéo cả kỉ niệm tuổi thơ cùng về, chao ôi bao nhiêu là nhớ.Ly kem phép lạ…